Y tế - Sức khỏe Sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh

TTH - Cùng với cả nước, Thừa Thiên Huế đã triển khai việc sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Người dân thuận tiện khi đi khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip

Người dân thuận tiện khi đi khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi KCB BHYT, ngày 28/2/2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 931/BYT-BH về việc hướng dẫn triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp. Theo đó, người bệnh có thẻ BHYT đã thực hiện được việc khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình căn cước công dân hoặc qua ứng dụng VENID....

Qua theo dõi, bước đầu ThS. Trần Anh Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm CNTT Trường đại học Y Dược Huế, Trưởng phòng CNTT Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế cho biết, nhận thấy rất thuận lợi cho bệnh nhân. Đó là, thẻ CCCD được làm bằng nhựa cứng gắn chíp nên thẻ được bảo quản rất tốt (không nhăn, thông tin đầy đủ). Mã QR trên thẻ CCCD gắn chíp đã có đầy đủ thông tin hành chính của người bệnh đến khám, nên giảm thiểu thời gian nhập liệu cho nhân viên đón tiếp và hạn chế sai sót. Một người bệnh chỉ có 1 CCCD gắn chíp nên việc xác định định danh cá nhân nên giúp ích việc theo dõi hồ sơ khám bệnh.

Chưa kể, chỉ cần bệnh nhân đến khám có thẻ CCCD có gắn chíp thì sẽ sử dụng máy QR đọc và tự động gắn thông tin về mã thẻ BHYT, mức hưởng, giá trị thẻ vào luôn mà không cần qua bước trung gian nào cả. Tiện ích nữa là nếu dùng thẻ CCCD gắn chíp đi khám bệnh thì không phải kiểm tra giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên việc sử dụng, CCCD gắn chíp cũng có một số hạn chế, như mã QR trên thẻ CCCD quá bé, nên chỉ cần mã này bị mờ hoặc mất nét sẽ khó đọc được bằng máy. Một số thẻ CCCD gắn chíp vẫn chưa map được với số thẻ BHYT. Một số thẻ CCCD gắn chíp không có thông tin gắn với mã thẻ BHYT.

Theo ThS. Trần Anh Hùng, căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT dự kiến sẽ rất thuận lợi cho bệnh nhân, nhưng khởi đầu bệnh nhân chưa nắm thông tin nên cơ sở chỉ mới tiếp nhận 3 - 4 trường hợp sử dụng CCCD gắn chíp đi khám bệnh.

Tại Công văn số 533/BHXH-CSYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT triển khai thực hiện Công văn số 931/BYT-BH của Bộ Y tế và hướng dẫn việc triển khai thí điểm nội dung này với một số nội dung cụ thể. Đáng chú ý là việc truyền thông rộng rãi đến người tham gia BHYT về việc thực hiện CCCD gắn chip khi đi khám, chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông báo tại các địa điểm trong cơ sở khám, chữa bệnh để người dân dễ tiếp cận nhất.

Cùng với thông báo và cung cấp tới các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tài liệu hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ BHYT thông qua CCCD gắn chip là hỗ trợ kịp thời cho cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và người tham gia BHYT trong quá trình sử dụng CCCD gắn chip khi đi khám, chữa bệnh BHYT. Đôn đốc, kiểm tra giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh để không xảy ra hiện tượng từ chối khám, chữa bệnh khi người dân cung cấp CCCD gắn chip mà thông tin này đã được đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bài, ảnh: Đan Duy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/su-dung-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-trong-kham-chua-benh-a110608.html