Y tế - Sức khỏe Tin tức y tế Chỉ mong khỏe để 'chiến đấu' bền hơn
TTH - Hầu như không có ngày nghỉ, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, quên luôn khái niệm 'giờ hành chính'… là những áp lực vô hình trên đôi vai nhân viên y tế kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện. Nhưng từ trong cuộc chiến ấy, mỗi người đều hiểu rằng chỉ có tiến lên phía trước mới gần ngày chiến thắng và họ nỗ lực không ngừng.
Vượt qua COVID-19, những khó khăn khác đều đơn giản
“Chiến đấu với COVID-19 là thử thách lớn nhất với chúng tôi từ trước đến nay rồi. Vượt qua được nó thì những khó khăn trước đây đều thấy đơn giản hơn nhiều”, BS. Mai Hữu Thiện Bổn, Trạm trưởng Trạm Y tế Phú Mỹ (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang) cười nhẹ sau những nhọc nhằn triền miên theo dịch của mình và các đồng nghiệp.
Từ đầu mùa dịch thứ 4 đến nay, xã Phú Mỹ có hơn 600 người trở về địa phương được theo dõi y tế. Riêng trong thời gian cao điểm từ đầu tháng 11 đến đầu tháng 12/2021, xã ghi nhận 58 trường hợp F0 và theo dõi 261 trường hợp F1, 630 trường hợp F2 cách ly, giám sát tại nhà. Khi có dịch COVID-19 xuất hiện trên địa bàn, dưới sự chỉ huy của Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã, lực lượng y tế, công an phối hợp với các tổ chống dịch cộng đồng khẩn trương truy vết và điều tra dịch tễ các trường hợp nghi nhiễm.
“Có những ngày cao điểm, điều tra dịch tễ không kể ngày đêm. Những lúc như vậy, chỉ mong gắng hết sức truy vết đến cùng để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng càng sớm càng tốt”, BS. Thiện Bổn nói. Trước những vất vả, anh chị em nhân viên y tế Phú Mỹ luôn động viên nhau vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ, như trạm trưởng nhấn mạnh: “Các đơn vị khác cũng vậy, có riêng mình đâu”.
Bệnh viện Chân Mây là một trong những cơ sở điều trị COVID-19 đầu tiên được Sở Y tế kích hoạt để ứng phó với tình hình dịch. Đến nay, bệnh viện đã thu dung, điều trị hơn 670 F0 có mã bệnh và hơn 230 trường hợp là F0, F1 có kết quả test nhanh dương tính. Theo BS CKI. Ngô Văn Dũng (Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Phú Lộc), phụ trách công tác điều trị tại cơ sở điều trị người bệnh COVID-19 Chân Mây, thuận lợi nhất trong công tác điều trị F0 tại cơ sở Chân Mây là cùng với việc bám sát phác đồ điều trị của Bộ Y tế, bệnh viện luôn được Sở Y tế chỉ đạo trực tiếp và theo dõi sát.
Thời gian đầu, ai cũng lo lắng và cảm thấy áp lực cực kỳ lớn. Nhưng chỉ hơn một tuần sau, bộ máy vận hành đã vào guồng rất êm và tinh thần không còn áp lực nữa. Đến nay, số lượng bệnh nhân ngày càng nhiều hơn nhưng anh em đã rất vững lòng. “Công việc nhiều nên cũng không còn thời gian để nghĩ đến những việc khác. Nhưng thỉnh thoảng có đôi chút “chạnh lòng” khi phải làm công tác tâm lý cho bệnh nhân. Có những bệnh nhân rất dễ hoang mang, chỉ cần ho, sốt nhẹ đã yêu cầu chuyển lên tuyến trên. Mỗi trường hợp như vậy, việc giải thích cho bệnh nhân không dễ chút nào”, BS. Dũng cười hiền.
Sẵn sàng ứng phó
Từ dịch COVID-19, năng lực của hệ thống y tế cơ sở Thừa Thiên Huế đã lớn mạnh hơn rất nhiều, đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn của diễn biến dịch. Năm 2020, tất cả các F0 của tỉnh đều được thu dung, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 – tuyến cao nhất trong điều trị COVID-19. Nhưng từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay, Thừa Thiên Huế đã tổ chức thêm 13 cơ sở điều trị F0 không triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ, vừa và cả bệnh nặng. Trong số 6.071 ca bệnh COVID-19 được ghi nhận từ đầu mùa dịch đến ngày 10/12, có đến 5.942 trường hợp đã được thu dung và điều trị tại các cơ sở y tế và cơ sở cách ly do Sở Y tế phụ trách các hoạt động chuyên môn.
Nguồn nhân lực của ngành y tế được huy động tổng lực, cả trong ngoài công lập và được tập huấn một cách đầy đủ nhất về công tác lấy mẫu, truy vết, xét nghiệm và cả chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Toàn tỉnh có 41 đội phản ứng nhanh. Tổng năng lực xét nghiệm PCR của các đơn vị đã có thể thực hiện hơn 10.000 mẫu/ngày. Đội ngũ y, bác sĩ các cơ sở y tế đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được những thành quả nhất định trong công tác điều trị các ca bệnh F0 ở các mức độ từ không có triệu chứng, hoặc có nhẹ và vừa, cần phải có sự can thiệp thuốc.
“Chúng tôi xác định rõ đây là một cuộc chiến”, PGS. TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh. Trong cuộc chiến ấy, ngành y tế chịu rất nhiều áp lực làm sao khoanh vùng, phát hiện, xử lý dấu vết của dịch bệnh một cách nhanh nhất để dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng. Tình hình dịch bệnh phức tạp, số lượng F0 tăng nhanh, ngành đã xây dựng các kịch bản để ứng phó với tình huống từ thấp nhất cho đến tình huống cao nhất là cấp độ 4. Hiện nay, ngành y tế và chính quyền địa phương các cấp đang phối hợp tích cực để phát hiện F0 trong cộng đồng càng nhanh càng tốt và khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly, chặn đứt đường lây nhiễm bệnh của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
“Đến hôm nay, lực lượng y tế ở tuyến đầu vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch. Mỗi thành viên trong hệ thống y tế của tỉnh đều thể hiện rõ tính chịu khó, sự chung sức, đồng lòng và sẵn sàng lăn xả trong công tác phòng, chống dịch. Cuộc chiến với COVID-19 sẽ còn tiếp diễn. Chúng tôi luôn đề cao chiến lược 5K, vắc-xin, thuốc điều trị, công nghệ và ý thức người dân. Điều mong muốn nhất của chúng tôi lúc này là chỉ mong có sức khỏe để chiến đấu bền hơn thôi”, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo bày tỏ.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chi-mong-khoe-de-chien-dau-ben-hon-a108410.html