Y tế - Sức khỏe Tin tức y tế Nơi 'COVID-19 vẫn chưa giảm độ khốc liệt'

TTH - Đó là Trung tâm Nghiên cứu và điều trị COVID-19 Trung ương Huế. Nơi đây, sau thời gian liên tục chi viện lực lượng hỗ trợ đồng nghiệp trên các mặt trận khốc liệt nhất của dịch COVID-19, nay các y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế lại tiếp tục 'cuộc chiến' với việc điều trị tuyến cuối cho bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân

Áp lực chưa vơi

17h30 chiều, khu vực hành chính của Trung tâm Nghiên cứu và điều trị COVID-19 Trung ương Huế vẫn đông nhân viên y tế bộn bề với máy tính và giấy tờ. Chuông điện thoại đổ liên hồi, xen giữa các cuộc gọi là âm thanh kết nối của bộ đàm từ bên trong khu điều trị bệnh nhân. Không gian trật tự nhưng khẩn trương. Xa phía cửa chính đón bệnh, một chiếc xe cứu thương vừa đến. Thêm một bệnh nhân COVID-19 nặng được chuyển về tuyến cuối.

Theo ThS.BS. Nguyễn Đình Khoa (Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2), đối với đội ngũ y bác sĩ làm việc tại đây, áp lực về nguy cơ lây tuy có giảm hơn so với trước đây do đã hiểu nhiều hơn về COVID-19 và đã tiêm vắc-xin, nhưng áp lực về khối lượng công việc phải giải quyết thì không có gì thay đổi. Thậm chí còn áp lực hơn, do số lượng bệnh nặng nhiều hơn. Nhiều bệnh nhân vốn đã có bệnh nền nặng, lại thêm COVID-19 nên rất dễ tử vong.

“Có bệnh nhân chuyển nặng thì bất kể đêm hay ngày, bệnh viện tuyến dưới cũng chuyển lên. Bữa nay còn có cả những trường hợp bệnh nặng trong cộng đồng chuyển trực tiếp lên. Đó là những F0 tại nhà cố tình giấu y tế, đến khi báo thì đã chuyển nặng, y tế cơ sở phải chuyển thẳng lên để cấp cứu. Thành ra ở đây, anh em luôn ở tư thế 24/24 giờ sẵn sàng nhận bệnh”, bác sĩ Khoa nói. Rồi anh hướng mắt nhìn về phía các đồng nghiệp đang làm việc trong khu vực hành chính, nói thêm: Anh em ở đây phần lớn làm hành chính ra về lúc 4h30-5h chiều, nhưng ai cũng ở lại làm cho đến 8h – 9h tối mới về.

“Anh có mệt mỏi không?”. Không vội trả lời câu hỏi ấy, bác sĩ Khoa lại hướng mắt về các đồng nghiệp gần đó, nhẹ nhàng: “Các bạn ấy mới mệt hơn, vì tùm lum việc trong mỗi ca trực, nhất là thời điểm bệnh nhiều. Nhưng bù lại, GS. Phạm Như Hiệp (Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế) lại rất quan tâm đến việc luân phiên đội ngũ y bác sĩ làm việc tại trung tâm, nên không ai phải chịu áp lực công việc triền miên và ai cũng có thời gian hợp lý để nghỉ ngơi.

Điều dưỡng Nguyễn Thành Trung là cán bộ ở Bệnh viện Trung ương Huế đang được tăng cường cho Trung tâm Nghiên cứu và điều trị COVID-19 Trung ương Huế. Anh là người đã vinh dự được kết nạp Đảng trực tuyến khi đang tham gia chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh. Anh chia sẻ, áp lực lớn nhất mà anh luôn đối diện là làm thế nào để có thể đem lại chất lượng chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, nhất là hỗ trợ về dinh dưỡng, phục hồi chức năng và cả tâm lý cho bệnh nhân. Và, cách tốt nhất để mỗi anh em bác sĩ, điều dưỡng ở đây vượt lên áp lực của chính mình là luôn lấy tiêu chí của bệnh viện làm mục tiêu: Đặt bệnh nhân lên hàng đầu và mong ngày càng có nhiều bệnh nhân phục hồi ra viện. Đây cũng chính là nguồn động viên lớn nhất với anh em.

Những điều mong giản dị

Trung tâm Nghiên cứu và điều trị COVID-19 Trung ương Huế đặt tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, với quy mô 300 giường bệnh. Trung tâm có chức năng cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị, nghiên cứu, đào tạo về COVID-19 và thực hiện các kỹ thuật hồi sức tích cực, phức tạp cho các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch trong bậc thang điều trị ca bệnh COVID-19 theo sự phân công của Bộ Y tế. Trung tâm có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc men và nguồn nhân lực đảm bảo cho công tác điều trị và hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch.

GS.TS Phạm Như Hiệp giới thiệu với lãnh đạo tỉnh về hệ thống theo dõi bệnh nhân qua camera. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đi qua nhiều điểm nóng về COVID-19 trong nước, các y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế gặp nhiều trường hợp bệnh nhân nặng được phục hồi, trở về nhà trong niềm hạnh phúc vô bờ, nhưng đồng thời cũng phải không ít lần ngậm ngùi nuốt nước mắt khi chứng kiến người thân quen của mình không thể trở về. Câu chuyện bác sĩ Hà Văn Quyết chia sẻ cũng là một khoảng lặng trống trải trong nhiều y bác sĩ đang làm việc tại đây. “Đó là thầy giáo của mình. Thầy vào trung tâm đúng ngày mình trực nhận bệnh, rồi hơn 10 ngày sau, thầy cũng ra đi đúng trong phiên trực của mình. Các bác sĩ giỏi, nhiều máy móc hiện đại được huy động, dồn lực nhưng cuối cùng cũng không thể “giữ” được thầy. Cảm xúc ấy không biết đến bao giờ mình mới quên được”.

…Chuông điện thoại bàn lại reo, bác sĩ Nguyễn Đình Khoa nén cảm xúc vào trong với câu chuyện khác: “Bệnh nhân vào viện thở oxy mà cai được oxy là đã mừng lắm rồi, huống chi thấy họ được phục hồi, ra viện. Vậy nên, trong trạng thái bình thường mới nhưng mong mọi người đừng chủ quan, lơ là phòng dịch vì ở đây bệnh nặng vẫn vào thường xuyên. Điều đó cho thấy COVID-19 vẫn còn dữ dội, khốc liệt lắm”. Ông cũng bày tỏ: “Mong mọi thứ sớm trở lại bình thường, COVID-19 cũng trở thành bệnh lý bình thường để mọi thao tác thực hiện điều trị trên bệnh nhân thuận lợi và hiệu quả hơn nhiều”.

ĐỒNG VĂN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/noi-covid-19-van-chua-giam-do-khoc-liet-a110248.html