Y tế - Sức khỏe Tin tức y tế Nỗi lo ngộ độc thực phẩm
Nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây nên dịch bệnh, nhất là ngộ độc thực phẩm (NĐTP), nếu không được quản lý, sản xuất, chế biến an toàn.
Giữa tháng 7 vừa qua, 73 trường hợp sau khi dự một tiệc cưới tại thôn Hiền Sĩ (Phong An, Phong Điền) phải nhập viện vì tiêu chảy, nôn ói... do ngộ độc làm cộng đồng lo lắng. Rất may những trường hợp trên được Bệnh viện (BV) Trung ương Huế, Cơ sở 2 (Phong An, Phong Điền) tập trung cấp cứu, điều trị kịp thời nên sức khỏe các bệnh nhân sớm ổn định, không nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân vụ NĐTP trên được đơn vị chức năng xác định sau đó là do thức ăn được dọn tại tiệc cưới bị nhiễm khuẩn. Đó là vi khuẩn tụ cầu Staphylococcus aureus vượt ngưỡng có trong món ăn là hành phi và tôm chấy rắc trên xôi khi lấy mẫu kiểm định.
Mới đây, thêm một vụ NĐTP tập thể sau khi dự một tiệc cưới tại một nhà hàng ở TP. Huế khiến hơn 10 người phải nhập viện tại BV huyện Quảng Điền cũng khiến nhiều người lo lắng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Huy, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Trung ương Huế chia sẻ, thông thường nguyên nhân NĐTP là do ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Các yếu tố khiến thực phẩm nhiễm khuẩn là do khâu chế biến, bảo quản không vệ sinh, thức ăn bị ôi thiu, thực phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, chăn nuôi trong điều kiện không đảm bảo.
Lâu nay, ở Thừa Thiên Huế những vụ NĐTP tập thể như vừa xảy ra tại xã Phong Sơn (Phong Điền) hay vụ trên 10 người dân sau khi dự tiệc cưới phải nhập viện tại BV Quảng Điền rất ít. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người dân không nên chủ quan khi thời tiết nắng nóng hiện kéo dài, cộng với việc quản lý, sản xuất, chế biến thực phẩm không an toàn, nên nguy cơ xảy ra NĐTP rất cao, nhất là ở các hàng quán, hàng rong bán thực phẩm vỉa hè, đường phố, khu chợ...
Chị Hoàng Hà Phương (KQH Bàu Vá, Thủy Xuân, TP. Huế) chia sẻ, để nhận diện thực phẩm sạch hay bẩn bằng mắt thường rất khó. Làm công nhân như chị thời gian rỗi khá ít, nên chuẩn bị nguồn thực phẩm dành cho bữa cơm gia đình chỉ “cận đâu, xâu đấy”. “Tùy vào kinh nghiệm cá nhân mà chọn loại nào cảm thấy an toàn, còn chất lượng rất khó nhận biết”. Chị Phương nói.
Là địa bàn miền núi, Trung tâm Y tế huyện Nam Đông thời gian qua ngoài công tác khám chữa bệnh, việc phòng dịch, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân tộc thiểu số về ăn uống vệ sinh, nhất là NĐTP được duy trì thường xuyên theo kế hoạch xây dựng từ đầu năm. Khi trao đổi vấn đề ATVSTP, bác sĩ Hồ Thư, người “cầm trịch” ngành y tế ở vùng cao Nam Đông nói, vấn đề ATVSTP, hay phòng ngừa NĐTP không chỉ dừng ở việc tuyên truyền ATVSTP tại bếp ăn gia đình mà phải chú trọng đến khâu quản lý, kiểm định, quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm ở bếp ăn tập thể, các nhà hàng, dịch vụ ăn uống... Làm tốt điều đó là một câu chuyện phối hợp, không riêng của ngành y tế.
Trong hội nghị giao ban ATVSTP của ngành y tế mới đây, bà Trương Thị Lan Hương, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh chia sẻ, hàng năm đơn vị luôn phối hợp với các ban, ngành chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông; đồng thời mở đợt thanh, kiểm tra chuyên, liên ngành ATVSTP vào dịp lễ tết, hội xuân, Tháng hành động Quốc gia để bảo vệ người tiêu dùng, nói không với thực phẩm bẩn, kém chất lượng... Sáu tháng đầu năm 2019, từ tỉnh đến cơ sở thực hiện 328 đoàn thanh, kiểm tra 3.212 cơ sở sản xuất, dịch vụ ăn uống; trong đó, có 15,6% cơ sở vi phạm và 0,16% đơn vị bị xử lý vi phạm về điều kiện mất vệ sinh cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dụng cụ sản xuất và an toàn bảo hộ cho người lao động... Tổng tiền phạt vi phạm gần 11 triệu đồng.
Những con số trên cho thấy, tình hình chế biến, sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn cơ bản khá tốt. Theo bà Hương, vấn đề ATVSTP ở địa phương vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại, bởi không ít những trường hợp “lách luật” và nhiều cơ sở, đơn vị vì cái lợi trước mắt đã lờ đi yêu cầu đảm bảo ATVSTP, xem thường tính mạng người tiêu dùng.
Nỗi lo ATVSTP, nhất là NĐTP luôn là mối lo ngại của mọi người. Điều này đặt ra không riêng ngành y tế, mà các cấp ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục phối hợp nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng. Việc tuyên truyền, thanh kiểm tra bảo đảm ATVSTP phải được duy trì thường xuyên, liên tục chứ không chỉ theo định kỳ, dịp lễ tết, hay trong Tháng hành động Quốc gia vì ATVSTP...
Bài, ảnh: MINH TRƯỜNG
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/noi-lo-ngo-doc-thuc-pham-a75292.html