Y tế - Sức khỏe Tin tức y tế Y tế thông minh trong tầm tay - Kỳ III: Bắt nhịp để không 'tụt hậu'
Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học chuyên ngành, EMR là vấn đề đang được cộng đồng quan tâm. Đây là cơ hội, nếu Thừa Thiên Huế không bắt nhịp sẽ tự đào thải trong 'cơn bão' 4.0
Nỗi lo từ EMR
Khi tiếp cận đề án y tế thông minh, ngành y tế tự tin bởi vốn là một đơn vị dẫn đầu ứng dụng CNTT thành công của tỉnh và một trong những đơn vị đứng vào nhóm đầu toàn quốc theo chỉ số Health ICT Index (HII) của Bộ Y tế. Với việc tạo lập HSSKĐT, ngành y tế đã có bước đột phá "kích hoạt" tiếp cận và kế thừa các nguồn dữ liệu các cơ quan đơn vị để về đích sớm.
Song, việc triển khai HSSKĐTTD ở Thừa Thiên Huế còn một số vướng mắc chưa kết nối xuyên suốt vì hệ thống hạ tầng ứng dụng CNTT trong ngành chưa đồng bộ, chưa đúng kiến trúc chung; các phần mềm của nhà cung cấp vẫn chưa thống nhất, như các hệ thống KCB, y tế dự phòng chưa kết nối và truy xuất được từ cơ sở dữ liệu mã định danh dân cư trong toàn quốc. Thế nhưng, phương thức triển khai HSSKĐTTD ở Thừa Thiên Huế đã đón nhận nhiều địa phương bạn đến học tập vì sự mạnh dạn "đi tắt, đón đầu" và tiết kiệm nguồn ngân sách đáng kể cho địa phương.
Lo nhất, một trong những "trục chính" của "đề án" y tế thông minh là EMR hiện được chứng minh nhiều tiện ích, từng bước áp dụng vào các cơ sở y tế trong cả nước. Dẫu vậy, để xây dựng EMR trong thời điểm hiện nay là không dễ, nhất là ở tầm vĩ mô, bởi nguồn phí đầu tư cho hạ tầng CNTT không nhỏ, trang thiết bị máy móc, phần mềm, hệ thống truyền tin, tín hiện wifi... phải đồng bộ liên kết giữa các bộ phận.
Giám đốc TTYT thị xã Hương Thủy đơn cử, qua tiếp cận các nhà mạng để đầu tư thiết bị máy móc, giải pháp phần mềm... cho hệ thống PACS - một trong 4 "trục" của EMR không dưới 20 tỷ đồng. Đây là một thách thức lớn cho những cơ sở y tế tuyến huyện, thị xã đang còn dựa "nguồn sữa" Nhà nước. Hơn nữa, khi ứng dụng EMR, cán bộ y, bác sĩ phải trang bị latop, Ipad, triển khai giao diện để vận hành; rồi công tác đào tạo cho y, bác sĩ ứng dụng CNTT để vận hành...
Vì thế hơn 30 cơ sở KCB, gồm BV tuyến tỉnh, các TTYT, phòng khám tư nhân hiện có trên địa bàn (chưa kể các BV Trung ương, phòng khám đa khoa, gia đình và TYT xã phường) nhưng chưa có một hình mẫu EMR hoàn chỉnh nào.
Đường dài, nhưng phải đi
"Đề án" y tế thông minh của Bộ Y tế đề ra, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hoàn thiện một nền y tế thông minh với 3 trụ cột chính: BV "không giấy", chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông minh và quản trị hệ thống y tế thông minh. Đặt vấn đề xây dựng "đề án" này ở địa phương, đại diện lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, đó là con đường tất yếu mà ngành xác định dù đường dài nhưng phải đi; trong đó điều quan tâm vẫn là EMR. Tiến trình triển khai EMR ở địa phương phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực dành cho ngành y tế. Đối với các cơ sở KCB có nguồn thu lớn có thể đầu tư một phần để xây dựng hệ thống. Đối với các đơn vị có nguồn thu thấp như BV tuyến huyện, chắc chắn phải có sự hỗ trợ từ ngân sách.
Theo thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, giai đoạn từ năm 2019-2023, các BV hạng I trở lên triển khai EMR và các cơ sở KCB khác theo nhu cầu, năng lực để chuẩn bị các điều kiện triển khai. Giai đoạn từ năm 2024- 2028, tất cả cơ sở KCB trên địa bàn phải triển khai EMR. Như vậy các cơ sở KCB trực thuộc ngành y tế Thừa Thiên Huế hiện nay vẫn còn bước chuẩn bị dài trong việc ứng dụng EMR vì hầu hết thuộc hạng II và hạng III.
Lợi thế lớn là Thừa Thiên Huế đã triển khai xây dựng HSSKĐTTD. Người dân KCB đều đã được lưu trữ hồ sơ, đến tận trạm y tế xã. Hồ sơ có đủ thông tin người bệnh, thông tin quản lý giám định thanh toán chi phí KCB bảo hiểm. Với một phần điều kiện trên là cơ sở thuận lợi cho các cơ sở y tế triển khai EMR. Hơn nữa, ngành y tế đang một đơn vị dẫn đầu ứng dụng CNTT thành công của tỉnh và toàn quốc, hiện đang tính đến xây dựng một hệ thống thông tin hoàn chỉnh theo mô hình kiến trúc tổng thể thông tin y tế, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối với các BV ngoài tỉnh và Bộ Y tế cũng là một lợi thế cho các cơ sở tiếp cận EMR.
Trước mắt, ngành y tế phải bắt nhịp, có cơ chế đi trước một bước theo lộ trình Bộ Y tế đề ra. Phải chọn lựa các cơ sở y tế có "sức khỏe" về tiềm lực hạ tầng, cơ sở vật chất, nhân lực con người và người đứng đầu đơn vị ấy "đam mê CNTT" để tạo hình mẫu EMR rồi nhân rộng, như BV Hương Thủy, BV Phú Vang và BV Mắt Huế và PHCN tỉnh.
Tại hội nghị sơ kết triển khai HSSKĐTTD vào giữa tháng 5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động rất mạnh mẽ đến mọi ngành, mọi lĩnh vực và sự đào thải từ cuộc cách mạng này cũng vô cùng khắc nghiệt. Ngành y tế phải quyết tâm, mạnh dạn đổi mới tư duy nghiên cứu áp dụng, phát triển y tế thông minh. Mục tiêu vì sức khỏe người dân nên phải hành động, khó ở đâu, phải gỡ ở đó; nếu không sẽ bị đào thải, tụt hậu...
Chiến lược CNTT y tế giai đoạn 2019 - 2025 nhằm đạt mục tiêu ứng dụng và phát triển y tế thông minh góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân; đồng thời để tăng cường công tác quản lý Nhà nước theo hướng khoa học, chính xác, kịp thời, góp phần hoàn thiện chính phủ điện tử, tiến tới y tế số.