Y tế - Sức khỏe Y tế - Sức khỏe 'Phải có giải pháp hạn chế ca nhiễm và phát sinh các ổ dịch mới'
Nội dung này đã được ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh trong ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến toàn tỉnh sáng 13/12 về công tác phòng chống dịch COVID-19. Đồng chủ trì cuộc họp còn có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn
Qua báo cáo công tác phòng chống dịch trong tuần qua của các địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đánh giá tình hình dịch bệnh trong tỉnh vẫn còn rất phức tạp. Các địa phương đã cơ bản chủ động trong công tác phòng chống dịch, riêng TP. Huế và huyện A Lưới vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Với tình hình dịch bệnh hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu các địa phương không được chủ quan và phải lưu ý công tác tầm soát ngay từ đầu để phát hiện sớm F0, chủ động cách ly dập ổ dịch và giữ mức F0 mới phát hiện trong ngày ở mức có thể. Do vậy, các địa phương phải có giải pháp cụ thể để hạn chế các đối tượng bị lây nhiễm và phát sinh các ổ dịch mới.
Đối với việc thu dung, điều trị F0, Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, khi điều kiện còn cho phép thì việc thu dung điều trị F0 tập trung vẫn tốt hơn nhiều so với việc để F0 cách ly, điều trị tại nhà. Các địa phương cần thiết nên nghiên cứu giải pháp cách ly theo từng cụm, từng khu vực và tính toán kỹ đến năng lực ứng phó của y tế cơ sở trong công tác chăm sóc F0. Đồng thời, cần thiết phải có diễn tập theo từng địa phương cụ thể để khi có tình huống thì không lúng túng. Đối với hệ thống cơ sở y tế, ngành y tế cũng phải chủ động tính toán và tổ chức năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các cơ sở y tế trực thuộc, để không bị động và hoàn toàn phụ thuộc vào Bệnh viện Trung ương Huế khi tình huống dịch cao hơn.
Theo đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, Thừa Thiên Huế đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ rất kịp thời và đồng bộ. Tinh thần của Nghị Quyết 128 của Chính phủ là “thích ứng”, “an toàn”, nên việc đảm bảo “an toàn” cho người dân là điều quan trọng nhất và cần thiết phải phát huy tối đa hiệu quả của công nghệ trong phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho người dân. Vấn đề này, các ngành và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về các giải pháp công nghệ trong phòng chống dịch, từ đó họ sẽ chủ động hơn trong việc sử dụng để bảo vệ bản thân tốt hơn.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý các địa phương đánh giá cụ thể các điều kiện về cơ sở vật chất và năng lực y tế cơ sở một cách cụ thể trước khi áp dụng cách ly, điều trị F0 tại nhà và kích hoạt tổ y tế lưu động. Đồng thời, phối hợp với ngành y tế tập trung mọi nguồn lực, thực hiện bằng được việc phủ vắc-xin mũi 1 cho toàn dân, tiêm vét bằng mọi cách và tiến đến là phủ mũi 2 cho người dân.
“Không có địa phương nào an toàn”
Khẳng định “không có địa phương nào an toàn ở thời điểm này”, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh thêm một lần nữa khuyến cáo và đề nghị các địa phương tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng thời yêu cầu các ngành và địa phương tiếp tục tăng cường công tác tầm soát thường xuyên, liên tục, vận động sự chủ động tầm soát cả từ phía người dân. Riêng với ngành y tế, mỗi ngày phải thực hiện khoảng 10.000 test nhanh ở những khu vực nguy cơ cao và những vùng phong tỏa. Đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước, đơn vị nào để trở thành ổ dịch thì phải tự chịu trách nhiệm.
Về công tác tiêm vắc-xin, ngành y tế và các địa phương phối hợp chặt chẽ để thống kê cụ thể những trường hợp chưa tiêm vắc-xin; nắm kỹ số lượng và lý do để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân. Đối với một số ít học sinh hiện nay chưa được tiêm vắc-xin do phụ huynh chưa đồng ý cho tiêm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị ngành giáo dục nắm rõ các số liệu, tiếp tục vận động các phụ huynh để tiêm cho các cháu càng sớm càng tốt. Nếu trường hợp nào trì hoãn tiêm không có lý do chính đáng thì chưa tham gia học trực tiếp.
Về việc cách ly F0 tại nhà, tại thời điểm này tỉnh vẫn đang duy trì việc thu dung, điều trị F0 tập trung. Mặc dù Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã có hướng dẫn việc cách ly F0 tại nhà, nhưng các địa phương cần sự chuẩn bị một cách nghiêm túc, chặt chẽ thì mới triển khai ở mức độ cao hơn khi công tác thu dung tập trung của tỉnh không đáp ứng được. “Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh giao toàn quyền cho lãnh đạo UBND cấp huyện tự tiên lượng tình hình để quyết định những trường hợp cụ thể có thể cách ly F0 tại nhà. Chúng tôi chỉ khuyến cáo ưu tiên những người trẻ, khỏe và có điều kiện về nhà ở đáp ứng các yêu cầu của việc cách ly, điều trị F0 tại nhà”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.