Y tế - Sức khỏe Y tế - Sức khỏe Tiếp tục 'chiến đấu' lâu dài với dịch bệnh COVID-19
Sáng 7/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến toàn tỉnh. Cuộc họp do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì.
Tính từ ngày 28/4/2021 đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận khoảng 110.000 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong số này, có 169 trường hợp tử vong (tỉ lệ 0,15%, thấp hơn tỉ lệ chung của toàn quốc). Hiện có 2.400 trường hợp đang được thu dung, điều trị; trong đó, 68 trường hợp đang có tình trạng nặng và nguy kịch. Thừa Thiên Huế thực hiện đạt tỷ lệ tiêm chủng mũi 1, mũi nhắc lại và mũi bổ sung lần lượt là: gần 100,8%; hơn 97,7%; 65% và 75,2%. Toàn tỉnh có 5 địa phương cấp huyện có cấp độ dịch mức 2 và 2 xã đang có mức độ dịch cấp 3 là xã Hương Bình và Bình Tiến của thị xã Hương Trà.
Trong tuần từ 28/2 đến 6/3, số F0 đã tăng gấp đôi so với tuần liền kề trước đó, với số liệu ghi nhận được là 24.291 ca, nhưng số ca bệnh có triệu chứng và được cấp mã bệnh thì lại giảm. Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát, tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ ca chuyển nặng và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với toàn quốc. Đa số bệnh nhân tử vong là do già yếu, lão suy, mắc nhiều bệnh nền, hoặc có trường hợp chưa tiêm vắc-xin.
Hiện, toàn tỉnh có 24.121 F0 đang theo dõi, điều trị tại nhà. Năng lực của các trạm y tế và các tổ y tế lưu động đang “gánh” số lượng F0 tại nhà rất lớn. Do đó, ngành y tế đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương tăng cường và thiết lập thêm các tổ y tế lưu động, để tăng năng lực đáp ứng và chủ động trong công tác thu dung và điều trị F0 tại nhà.
Trong tình hình các trường hợp F0 tăng nhanh như hiện nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã ghi nhận tình trạng các tổ COVID-19 cộng đồng chưa theo kịp thực tiễn, dẫn đến một số vấn đề hệ lụy, như: người F0 có triệu chứng liên hệ y tế cơ sở nhưng không được phản hồi kịp; các loại giấy tờ pháp lý cho F0 khỏi bệnh vẫn còn trở ngại; F0 và F1 quá nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Đại diện các ngành, địa phương đề nghị cần có giải pháp để F0 không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ có thể làm việc trong điều kiện đảm bảo; Sở Y tế cần có sự cập nhật và hướng dẫn cụ thể 2 nội dung, gồm: hướng dẫn cho người dân về những vấn đề hậu COVID-19 sau khi các F0 khỏi bệnh và cách phòng tránh tình trạng tái nhiễm COVID-19. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh thống nhất các loại mẫu giấy tờ để giải quyết đảm bảo chế độ cho người lao động sau thời gian cách ly, điều trị COVID-19.
Tiên lượng số lượng F0 sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh vấn đề quan trọng hiện nay là các địa phương cần tiếp tục quan tâm đến khả năng phát hiện các ca bệnh có yếu tố nguy cơ cao, cơ sở vật chất phòng chống dịch bệnh và nguồn nhân lực… Xu hướng sắp tới, có thể Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh không cập nhật số lượng F0 hằng ngày trên truyền thông, nhưng các tổ COVID-19 cộng đồng, ban quản lý các thôn, tổ dân phố và chính quyền địa phương cấp xã phải bám sát cơ sở để cập nhật số F0 được phát hiện mới hằng ngày. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Liên quan đến công tác giáo dục, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với các địa phương để vận động, khuyến khích phụ huynh đưa học sinh ở các cấp học đến trường càng nhiều càng tốt. Tùy vào điều kiện cụ thể của từng trường, từng lớp, mỗi đơn vị trường học có thể linh động ghép lớp, duy trì lớp…, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu được học tập trực tiếp.