Y tế tư nhân tham gia chăm sóc F0

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Y tế TP HCM vừa đề xuất UBND TP HCM cho phép y tế tư nhân tham gia chăm sóc và điều trị các ca F0

Dược sĩ Nguyễn Tuấn Anh - chuyên viên Phòng Y tế quận 7, TP HCM - cho biết quận hiện có 21 trạm y tế lưu động đang hoạt động, trong đó có 12 phòng khám đa khoa và 1 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng) tham gia chăm sóc, điều trị F0.

Kịp thời chăm sóc F0

Từ giữa tháng 10-2021, UBND quận 7 đã có quyết định lập các trạm y tế lưu động tại các cơ sở y tế tư nhân để hỗ trợ kịp thời cho F0. Đây cũng là đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình này tại TP HCM.

Với Khu Chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP HCM) có hơn 60.000 công nhân, việc có riêng một trạm y tế lưu động để phòng chống dịch là vô cùng cần thiết. Do đó, tại đây đã hình thành 1 trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ của Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Tân Thuận.

Bác sĩ Trịnh Minh Hòa - người tham gia trực tiếp chăm sóc F0 tại đây - cho biết mỗi ngày tiếp nhận trung bình 30-40 ca F0. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đã tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 nên chủ yếu sẽ cách ly tại nhà.

Bác sĩ Nguyễn Vương Minh Đức, Phòng khám Đa khoa Sài Gòn (TP HCM), thăm khám cho ca F0 tại phường Đa Kao, quận 1

Bác sĩ Nguyễn Vương Minh Đức, Phòng khám Đa khoa Sài Gòn (TP HCM), thăm khám cho ca F0 tại phường Đa Kao, quận 1

Chị L.H (30 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM; công nhân một công ty chuyên về may mặc tại Khu Chế xuất Tân Thuận) cho biết sau khi xét nghiệm nhanh định kỳ theo lịch của công ty, chị có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. "Tôi được bác sĩ thăm khám bước đầu, sau đó cách ngày, bác sĩ tại phòng khám đều gọi điện hỏi thăm và cập nhật tình hình cũng như tư vấn để tôi an tâm. Được sự hướng dẫn của bác sĩ, tôi tự theo dõi, nếu có các triệu chứng bất thường sẽ gọi điện thoại để được hỗ trợ chuyển viện đến cơ sở điều trị Covid-19" - chị H. nói.

Bác sĩ Hòa cho hay trạm y tế chuyên trách các nhiệm vụ như khám sàng lọc, xét nghiệm nhanh, tư vấn qua điện thoại, hỗ trợ tư vấn những trường hợp là F0 cách ly tại nhà. Trường hợp cần điều trị, nhân viên y tế của trạm sẽ tư vấn và làm thủ tục chuyển đến cách ly và chữa trị tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn quận.

Từ khi thành lập trạm y tế tại Khu Chế xuất Tân Thuận, người lao động được tiếp cận để khám sàng lọc, tư vấn điều trị nhanh và chủ động hơn. Với những công nhân sau khi được bộ phận y tế của công ty kiểm tra sức khỏe có dấu hiệu sốt, kết quả kiểm tra dương tính với SARS-CoV-2 được chuyển đến trạm y tế sẽ được kiểm tra lại, tư vấn điều trị, những trường hợp nặng được chuyển đi cách ly.

Giảm áp lực y tế cơ sở

Dược sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho biết trên địa bàn quận có 16 phòng khám đa khoa, 3 bệnh viện tư nhân, quận đã triển khai mỗi đơn vị thành lập 1 trạm y tế lưu động. Mỗi trạm gồm 1 trạm trưởng và 2 điều dưỡng hoặc y tá của các cơ sở y tế tư nhân. Trước đây, trong thời điểm dịch bùng phát, quận 7 có 34 trạm y tế lưu động với lực lượng đảm nhiệm chính là các bác sĩ quân y. Tuy nhiên, sau khi lực lượng này rút đi đã để lại lỗ hổng lớn về việc chăm sóc F0.

"Do đó, quận đã quyết định thành lập các trạm y tế lưu động từ các cơ sở y tế tư nhân để chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Sắp tới, quận sẽ thành lập thêm 20 trạm, nâng tổng số lên 41 trạm y tế lưu động. Vận động thêm 57 bác sĩ trên địa bàn quận tham gia chăm sóc F0 cho 10 phường. Ngoài ra, còn có lực lượng tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên. Như vậy, trên địa bàn quận 7 có 360.000 dân sẽ tương đương với 36 trạm nhưng với 41 trạm này sẽ giải quyết chăm sóc F0 kịp thời. Đồng thời, giảm áp lực cho các nhân viên y tế tại các trạm y tế" - dược sĩ Tuấn Anh thông tin.

Trong giai đoạn bình thường mới, nhiều bệnh viện công lập tại thành phố hoạt động tách đôi, vừa chăm sóc F0 vừa điều trị bệnh nhân thông thường; trong khi hiện F0 có xu hướng gia tăng trở lại. Do đó, đề xuất của Sở Y tế TP HCM về việc các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 có thu phí được nhiều chuyên gia nhận định là hợp lý.

Trạm Y tế lưu động phường Đa Kao, quận 1 mỗi ngày phát hiện hàng chục F0. Có nhiều trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền nhưng chưa có triệu chứng xin được điều trị tại nhà. Với nhân sự 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng và 1 tình nguyện viên của trạm y tế phường, không thể hỗ trợ chăm sóc tất cả F0. Do đó tại đây có thêm các bác sĩ của Phòng khám Đa khoa Sài Gòn tham gia thăm khám và cấp phát thuốc cho các F0 trên địa bàn.

Bác sĩ Nguyễn Vương Minh Đức - thuộc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, đã về Trạm Y tế lưu động phường Đa Kao công tác được 1 tuần - cho biết: "Ngoài việc tới từng nhà điều trị, cấp phát thuốc và tư vấn cho bệnh nhân, chúng tôi còn rà soát để phát hiện ổ dịch hoặc ca lây nhiễm có nguy cơ cao để kịp thời xử lý".

PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nhi - Trường ĐH Y Dược TP HCM, nói: “Trước tình hình hệ thống y tế cơ sở còn hạn chế nhân lực, trong khi lực lượng y tế tư nhân không phải là ít, lực lượng này vừa có chuyên môn vừa có sẵn cơ sở vật chất nên sẽ là lãng phí nếu không tận dụng kết nối nguồn nhân lực này vào chăm sóc F0”.

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/y-te-tu-nhan-tham-gia-cham-soc-f0-2021120620274544.htm