Y tế Việt Nam - xây dựng nền tảng vững chắc từ cơ sở

Thời gian qua, ngành y tế Việt Nam đã có những khởi sắc về trình độ, chất lượng chăm sóc người bệnh. Trong đó có sự thay đổi vượt bậc của y tế cơ sở (YTCS), áp dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế, tích cực ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào điều trị, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân.

Nhiều đột phá trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Trước đây, khi nhắc tới các trạm y tế, người dân tại nhiều địa phương không lấy gì làm mặn mà, thường chỉ đến để xin vài viên thuốc đau bụng, cảm cúm, hoặc xin xác nhận chuyển tuyến… Nhưng thời gian qua, Bộ Y tế đã đổi mới mạnh mẽ về cả cơ chế và phương thức hoạt động của YTCS để khiến đó trở thành nền tảng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần giảm tải y tế tuyến trên, nhờ đó nhiều trạm y tế đã đáp ứng yêu cầu cơ bản trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, để nâng cao chất lượng của YTCS, Bộ Y tế từng bước đổi mới về phương thức chi trả, ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.

 Nhân viên Bệnh viện K tận tình chỉ dẫn cho bệnh nhân. Ảnh: QUANG MINH

Nhân viên Bệnh viện K tận tình chỉ dẫn cho bệnh nhân. Ảnh: QUANG MINH

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đặt rất nhiều tâm huyết vào việc phát triển hệ thống YTCS. Bà cho rằng, YTCS là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế Việt Nam. Hệ thống này sẽ bảo đảm cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế ít tốn kém là yếu tố cơ bản, có tính quyết định tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Khi nào YTCS thực sự vững chắc thì người dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm đến mức thấp nhất chi phí điều trị; được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh…

Song song với sự phát triển của YTCS, cùng sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, năm 2019 vừa qua, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe ở Việt Nam có nhiều bước đột phá. Công nghệ thông minh hiện diện ở khắp các lĩnh vực của ngành y: Ứng dụng bệnh án điện tử; bệnh viện không giấy tờ; bệnh viện không phim; tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; thu viện phí không dùng tiền mặt... Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia cũng được triển khai đến tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc; hệ thống quản lý thông tin bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm được thực hiện tại 1.761 xã, phường, thị trấn của 33 tỉnh, thành phố. Ngành y tế cũng tích cực thực hiện đề án ứng dụng CNTT tại trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018-2020; hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống kết nối cơ sở dữ liệu dược quốc gia…; 99,5% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ trong hai năm. Những bước chuyển mình mang tính đột phá của ngành y từng bước đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với 3 trụ cột chính: Phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; khám, chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Hình thành hệ thống y tế thông minh, vì người bệnh

Mới đây, tại hội thảo về ứng dụng công nghệ 4.0 vào khám, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế) cho hay: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt tại các bệnh viện. Đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh đã có ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện và kết nối liên thông với bảo hiểm xã hội. Đây là nền tảng quan trọng cho việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Cả nước đã có khoảng 30% bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không tiền mặt.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh, người dân sẽ được sử dụng các dịch vụ y tế tiên tiến và thuận lợi, hạn chế các rủi ro, tai biến khi điều trị, tiết kiệm được thời gian và chi phí khám, chữa bệnh. Song song với đó, hệ thống quản trị y tế thông minh cũng được hình thành, giúp các cơ quan quản lý y tế ra quyết định chính sách kịp thời dựa trên khả năng phân tích dữ liệu lớn, quản lý, theo dõi hiệu quả hoạt động của toàn bộ mạng lưới dịch vụ y tế trên toàn quốc. Việc hình thành hệ thống y tế thông minh góp phần nâng cao hình ảnh, chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam, tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ y tế, hướng đến nền y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng cao, vì người bệnh.

DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/y-te-viet-nam-xay-dung-nen-tang-vung-chac-tu-co-so-609063