Ý thử nghiệm thành công kháng thể chống virus SARS-CoV-2

Các mẫu bệnh phẩm COVID-19 được sử dụng để nghiên cứu vắcxin phòng ngừa dịch tại bệnh viện Spallanzani ở Rome, Ý - Nguồn: ANSA/TTXVN

* Châu Âu tiên phong gây quỹ 8 tỉ USD cho nghiên cứu vắcxin COVID-19

Ngày 4/5, công ty công nghệ sinh học Takis của Ý thông báo đã thử nghiệm thành công trên chuột kháng thể chống virus SARS-CoV-2 từ vắcxin do hãng này nghiên cứu.

Kết quả này mở ra hy vọng sớm điều chế thành công vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Giám đốc điều hành Takis, ông Luigi Aurisicchio, cho biết: “Sau khi được tiêm, những con chuột đã phát triển các kháng thể để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 phát triển trong cơ thể”.

Kết quả xét nghiệm được tiến hành trong phòng thí nghiệm virus học của Viện Spallanzani, và các nhà nghiên cứu đã chọn 2 trong 5 loại vắcxin có kết quả tốt nhất do Takis điều chế. Các chuyên gia của Takis cho biết cho đến nay, đây là kết quả tích cực nhất trong thử nghiệm vắcxin phòng ngừa virus SARS-CoV-2 do Ý điều chế.

Dự kiến, các thử nghiệm trên người sẽ được tiến hành sau mùa hè. Ông Aurisicchio khẳng định lần đầu tiên trên thế giới, một vắcxin chống virus SARS-CoV-2 đã trung hòa virus trong tế bào người và “bước tiếp theo sẽ xem phản ứng miễn dịch kéo dài bao lâu”.

Trước đó, Takis cũng công bố các thử nghiệm tiền lâm sàng đầu tiên của 5 loại vắcxin do công ty phát triển đã cho những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ và đã tạo ra những kháng thể mạnh. Tất cả 5 loại vắcxin được phát triển để ngăn chặn “vũ khí” chính mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để xâm chiếm các tế bào, đó là protein hình gai. Tiến trình điều chế và thử nghiệm thành công vắcxin đang mở ra hy vọng sớm kiểm soát và loại bỏ căn bệnh COVID-19.

Trong diễn biến khác, các nhà khoa học làm việc tại trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California đã tìm ra cách thức mới để điều trị các ca mắc COVID-19 . Các nhà khoa học thuộc Khoa Vi sinh và Miễn dịch Phân tử đã phân tích phản ứng miễn dịch của cơ thể với COVID-19 và so sánh bệnh này với quá trình của bệnh cúm mùa thông thường.

Các chuyên gia lưu ý rằng với bệnh nhiễm virus thông thường, ngay sau khi bị lây nhiễm, hệ thống miễn dịch bẩm sinh bắt đầu hoạt động, chặn đứng truyền nhiễm và tiêu hủy cái gọi là đích ngắm - các tế bào bị tổn thương bởi virus, nhờ đó sẽ ngăn chặn được sự lây lan tiếp theo của virus và cơ thể sẽ được lọc sạch. Nếu nhiễm trùng vẫn còn đó thì sau một thời gian hệ miễn dịch tương thích lại được kích hoạt.

Tuy nhiên, theo xác minh của các nhà nghiên cứu, trong trường hợp với SARS-CoV-2, khả năng miễn dịch được kích hoạt sớm ngay cả trước khi tất cả các tế bào đích ngắm thuộc hệ hô hấp trên bị phá hủy. Điều đó không cho phép khả năng miễn dịch bẩm sinh đối phó nhanh chóng với nhiễm trùng và dẫn đến tình trạng quá tải của hệ thống miễn dịch.

Chuyên gia Vĩ Minh Uyên, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu trên, giải thích: "Hoạt động kéo dài hơn của SARS-CoV-2 có thể kích hoạt phản ứng thái quá trong hệ thống miễn dịch, được gọi là cơn bão phân bào, sẽ giết chết các tế bào khỏe và gây tổn thương mô”. Theo các nhà nghiên cứu, sự tương tác của miễn dịch bẩm sinh và thích ứng tạm thời làm giảm tải SARS-CoV-2 trên cơ thể, gây ra tình trạng cải thiện ngắn hạn ở bệnh nhân.

Ông Sơn Đô, một tác giả nghiên cứu khác, phân tích: "Tuy nhiên, nếu cơ thể chưa hoàn toàn loại bỏ được SARS-CoV-2 và phục hồi các tế bào đích ngắm, thì lây nhiễm có thể lại tấn công và đạt đến đỉnh điểm khác... Chúng ta sẽ có thể trì hoãn phản ứng miễn dịch thích ứng và ngăn chặn nó can thiệp vào công việc của hệ thống miễn dịch bẩm sinh, như vậy sẽ tạo điều kiện nhanh chóng loại bỏ SARS-CoV-2 và các tế bào bị nhiễm bệnh”.

Trong khi đó, ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của Liên minh châu (EU), Ursula von der Leyen đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức từ thiện để gây quỹ 7,5 tỉ euro (khoảng 8,23 tỉ USD) cho hoạt động nghiên cứu vắcxin phòng chống virus SARS-CoV-2 cùng thuốc điều trị bệnh này trên quy mô toàn cầu.

Phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới nỗ lực nghiên cứu, phát triển và phân phối vắcxin phòng chống, thuốc điều trị tới mọi người dân với giá cả hợp lý. Theo ông, đây sẽ là những công cụ giúp các nước trên thế giới kiểm soát được dịch bệnh. Các công cụ này phải được coi là hàng hóa chung trên thế giới để mọi người dân đều có thể tiếp cận được.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phân phối đồng đều vắcxin phòng chống và thuốc điều trị COVID-19.

Tại cuộc họp gây quỹ, bà Ursula von der Leyen tuyên bố EU cam kết ủng hộ 1 tỉ euro (1,09 tỉ USD) cho quỹ này. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng thông báo nước này sẽ đóng góp 525 triệu euro (khoảng 573,51 triệu USD).

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết nước này sẽ đóng góp 500 triệu euro (550 triệu USD); Thủ tướng Na Uy Erna Solberg tuyên bố ủng hộ 1 tỉ USD vào quỹ để phát triển vắcxin ngừa COVID-19 và các bệnh khác.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cam kết nước này ủng hộ 125 triệu euro (136,58 triệu USD) gồm 50 triệu euro cho Liên minh vắcxin và miễn dịch toàn cầu (GAVI) và 75 triệu euro cho Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI). Hội nghị gây quỹ này được tổ chức theo sáng kiến của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Dự kiến, có khoảng 40 nước trên thế giới, cùng với Liên Hợp Quốc và các tổ chức từ thiện trong đó có Quỹ Bill and Melinda Gates của vợ chồng tỉ phú Bill Gates và các viện nghiên cứu sẽ tham gia gây quỹ này.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/239453/y-thu-nghiem-thanh-cong-khang-the-chong-virus-sars-cov-2.html