Ý tưởng tạo ra bao bì xanh từ phở ăn liền

Lấy ý tưởng từ phở ăn liền cùng với những kiến thức trong quá trình học tập, nhóm sinh viên trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) đã nảy ra ý tưởng tạo ra các loại bao bì, màng bọc tinh bột có thể ăn được cho các sản phẩm ăn liền.

Dự án sản phẩm màng bọc tinh bột Edifilm do nhóm sinh viên gồm: Nguyễn Vũ Như Quỳnh, Mạc Thị Vi, Nguyễn Hoài An, Phạm Nguyễn Cát Tường, Nguyễn Văn Tú nghiên cứu từ tháng 3/2021. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 nên đến đầu năm 2022, dự án mới được nhóm tiếp tục phát triển.

Theo chia sẻ của Mạc Thị Vi, ý tưởng thực hiện dự án này nảy ra khá tình cờ. “Trong một lần nhóm mình ăn phở ăn liền, khi mở gói phở ra mình thấy tổng cộng có tới 6 gói nilon. Từ đó, mình nghĩ có thể sử dụng một loại nguyên liệu nào đó thân thiện với môi trường để thay thế cho những túi nilon này. Dựa vào những kiến thức đã học, mình đã tìm thêm một vài người bạn và bắt đầu thực hiện dự án này”, Vi chia sẻ.

Các sản phẩm màng bọc và bao bì từ tinh bột được xây dựng thông qua quá trình tạo màng từ các thành phần sinh học. Thành phần chính được nhóm lựa chọn để phát triển các sản phẩm là tinh bột sắn vì đây là nguồn nguyên liệu giá rẻ, dễ kiếm, dễ dàng trồng và tìm thấy tại Việt Nam. Trong khi các nguyên liệu khác như tinh bột ngô, tinh bột gạo tuy phổ biến nhưng giá thành cao hơn nên rất khó phát triển. Quá trình nghiên cứu dự án đều được thực hiện trong phòng Biomass Lab để có thể đưa ra những sản phẩm có chất lượng và độ an toàn cao nhất.

Bột sắn là nguyên liệu mà nhóm lựa chọn để tạo ra màng bọc và bao bì.

Bột sắn là nguyên liệu mà nhóm lựa chọn để tạo ra màng bọc và bao bì.

Với ý nghĩa và tính khả thi cao, dự án đã đạt nhiều giải thưởng có thể kể đến: Giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng xanh chữa lành Trái Đất – Hacks to heal our Planet”; giải Nhì "Bách khoa Innovation 2021"; giải Bình chọn đội yêu thích tại chuỗi huấn luyện C-plastic tại "KisStartup"; giải Nhất cuộc thi "Ispark 2021" tại Malaysia…

Cũng vì dự án thường xuyên tranh tài tại nhiều cuộc thi, nên việc sắp xếp thời gian để cân bằng giữa học tập và nghiên cứu luôn khiến các thành viên trong nhóm trăn trở. Tuy nhiên, kể từ khi có những định hướng rõ ràng cho dự án và học tập, các thành viên đã có thể cân bằng và có những kế hoạch cụ thể cho từng mốc thời gian phát triển. Hiện tại, cả nhóm đã thống nhất cùng nhau giành từ 6 - 8 tiếng mỗi tuần để phát triển dự án.

Màng bọc sau khi được sản xuất từ bột sắn.

Màng bọc sau khi được sản xuất từ bột sắn.

Kể từ khi bắt tay thực hiện dự án cho đến nay, điều mà các thành viên Edifilm vẫn luôn cố gắng làm, đó là có thể đưa sản phẩn ra thị trường, mục đích thứ yếu là tìm kiếm doanh thu để tiếp tục nghiên cứu, chính yếu để những sản phẩm thân thiện môi trường có thể dễ dàng tiếp cận được với mọi người.

Sản phẩm của nhóm đã bắt đầu được sử dụng thay thế bao bì truyền thống ở một số thực phẩm ăn liền.

Sản phẩm của nhóm đã bắt đầu được sử dụng thay thế bao bì truyền thống ở một số thực phẩm ăn liền.

Phạm Nguyễn Cát Tường (thành viên dự án) chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu, nhóm mình đã mang sản phẩm đi cọ xát ở nhiều thị trường khác nhau để xem xét tính khả thi của sản phẩm. Đồng thời, đây cũng là một bài kiểm tra để xem liệu người tiêu dùng có chào đón sản phẩm của nhóm hay không. Mình rất vui khi câu trả lời của vấn đề này là có. Và đó chính là động lực để nhóm tiếp tục quá trình phát triển dự án”.

Các thành viên của nhóm Edifilm.

Các thành viên của nhóm Edifilm.

Trước mắt, nhóm Edifilm sẽ cải tiến cũng như khắc phục những hạn chế của sản phẩm từ tinh bột. Từ đó, làm bàn đạp để tìm được hướng đi phù hợp và tiến xa hơn ở thị trường cả trong và ngoài nước.

Như Việt

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/y-tuong-tao-ra-bao-bi-xanh-tu-pho-an-lien-post1472499.tpo