Ý tưởng về đổi mới mô hình xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp

TS. Nguyễn Quang Hợp (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên), ThS. Nguyễn Hải Dương (Sở Tài chính tỉnh Hà Giang) và ThS. Nông Quốc Huy (Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bắc Kạn)

TÓM TẮT:
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển theo định hướng kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân vào phát triển kinh tế ngày càng sâu rộng, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Để nông nghiệp phát triển bền vững, gắn với thị trường đòi hỏi ngoài vai trò chủ đạo, dẫn dắt của Nhà nước, sự tích cực của nông dân thì vai trò của doanh nghiệp cũng phải được đề cao. Các doanh nghiệp phải được tham gia vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách phát triển nông nghiệp của các địa phương, trong đó có khâu xây dựng kế hoạch. Bài viết này, trên cơ sở đánh giá vai trò của doanh nghiệp để đưa ra một số ý tưởng về việc xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp của các địa phương có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Từ khóa: Kế hoạch, doanh nghiệp, chính quyền, cộng đồng, kinh tế tư nhân.

1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng gay gắt diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, không nằm ngoài xu hướng này, lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam cũng đã tích cực tham gia vào quá trình đó. Bên cạnh những mặt đã đạt được thể hiện qua việc hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường quốc tế, thì nông nghiệp của nước ta cũng đứng trước những thách thức to lớn. Việc phát triển nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự gắn kết với doanh nghiệp và thị trường đã làm cho người nông dân khó có cơ hội mở rộng quy mô và nâng cao được giá trị sản xuất. Việc liên kết giữa các bên liên quan, từ chính quyền, người dân đến doanh nghiệp và nhà khoa học chưa chặt chẽ. Nhiều khi kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của chính quyền cơ sở không thực sự phù hợp với thị trường, vẫn còn mang tính độc lập đối với nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường và khả năng sản xuất của người dân. Việc xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp như hiện nay nhiều khi còn mang tính chủ quan của các đơn vị xây dựng, chưa phát huy được hết khả năng của địa phương. Vì vậy, việc thay đổi cách thức xây dựng kế hoạch theo hướng có sự tham gia của doanh nghiệp sẽ góp phần phát huy được thế mạnh, tiềm năng của địa phương, giảm thiểu những rủi ro mang tính thị trường cho người nông dân.
2. Những vấn đề thực tiễn dẫn đến cần phải thay đổi mô hình xây dựng kế hoạch theo hướng có sự tham gia
Trong bối cảnh ngày nay, việc phát triển nông nghiệp có sự tham gia đã và đang là xu hướng tất yếu đối với mọi địa phương, mọi lĩnh vực. Có nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu về phát triển nông nghiệp và nông thôn đã chỉ ra lỗ hổng trong phát triển nông nghiệp hiện nay là thiếu sự tham gia của các thành phần, nhất là doanh nghiệp trong mọi khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh. Trần Quang Huy và các cộng sự (2016) trong nghiên cứu đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp đổi mới và phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nông dân trong xây dựng nông thôn mới huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020” đã chỉ ra rất rõ ràng những hạn chế trong việc triển khai các chính sách về phát triển nông nghiệp tại địa phương. Trong đó đã chỉ ra một số hạn chế lớn như: các chính sách chưa tác động vào tất cả các khâu của quy trình sản xuất. Các chính sách do địa phương triển khai mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ ban đầu cho sản xuất, khâu quan trọng nhất là tiêu thụ sản phẩm thì chưa được quan tâm đúng mức, điều đó dẫn đến người dân khi sản xuất ra sản phẩm nhưng không tiêu thụ được nên đã dừng lại dẫn đến hiệu quả của chính sách không bền vững; nói cách khác thì chính sách chưa giải quyết được vướng mắc lớn nhất của người dân là tiêu thụ sản phẩm (Trần Quang Huy, 2016).
Nguyễn Quang Hợp (2016) đã nghiên cứu về trường hợp các dự án phát triển nông nghiệp theo mô hình đối tác công tư trong phát triển nông nghiệp tại tỉnh Bắc Kạn với sự tài trợ của quỹ APIF đã chỉ ra được những thành công và tồn tại trong việc thực hiện hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các dự án. Từ những thành công đó, tác giả cũng đã đưa ra được một số đề xuất sau: Một là, thể chế hóa việc hình thành lên các hình thức liên kết trong sản xuất như nhóm sở thích, tổ hợp tác và hợp tác xã. Chính quyền nên thực hiện việc đầu tư hỗ trợ sản xuất thông qua các hình thức liên kết này, tạo cơ chế cho các hình thức liên kết có thể huy động được nguồn vốn tập trung như từ các khoản hỗ trợ, từ các chương trình vay vốn của ngân hàng... Hai là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các thực thể tham gia chuỗi gồm chính quyền địa phương (cấp huyện, xã); doanh nghiệp và người dân. Trong đó cần xác định rõ nhiệm vụ, chức trách và vai trò của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người dân. Đây là nội dung quan trọng quyết định tới việc thành công hay không trong duy trì và phát triển mối quan hệ giữa người dân và doanh nghiệp;
Đồng thời, nghiên cứu của Trần Quang Huy (2016) và Nguyễn Quang Hợp (2016) cũng cùng đưa ra được mô hình liên kết trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Mô hình hợp tác này được mô tả như sau:

Trong mô hình mà 2 tác giả đã đưa ra cho thấy, doanh nghiệp và chính quyền sẽ là các chủ thể dẫn dắt các liên kết trong phát triển nông nghiệp. Từ mô hình liên kết này cho thấy, việc hợp tác giữa các bên không chỉ diễn ra trong quá trình sản xuất hay tiêu thụ sản phẩm, mà để thành công thì việc liên kết, hợp tác phải diễn ra ở trong tất cả các khâu,từ xây dựng kế hoạch, triển khai sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ người nông dân... Trong đó, hợp tác trong xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp sẽ là bước khởi đầu cho các hợp tác tiếp theo được thành công.
3. Đề xuất mô hình xây dựng kế hoạch có sự tham gia
Trước khi đưa ra mô hình hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch, chúng ta cần phải khái quát hóa được những hình thức liên kết giữa các bên trong sản xuất nông nghiệp. Từ mô hình liên kết do Trần Quang Huy (2016) và Nguyễn Quang Hợp (2016) đưa ra cho thấy, liên kết trong sản xuất nông nghiệp không chỉ đơn thuần là liên kết ngang hay liên kết dọc, mà nó phải là liên kết mảng (Nguyễn Quang Hợp, 2016). Đồng thời để mô hình hợp tác thực sự thành công, thì mô hình liên kết còn được xây dựng thành liên kết trong và liên kết ngoài. Trong đó, liên kết trong chính là liên kết của các hộ nông dân và các tổ chức kinh tế của hộ, của chính quyền cơ sở; liên kết ngoài là liên kết giữa chính quyền với doanh nghiệp... Các hình thức liên kết này có thể được khái quát như sau:
Thứ nhất, liên kết trong.
Liên kết bên trong được hiểu là liên kết nội tại của chính các hộ sản xuất nông nghiệp trong cùng một địa phương nhằm tạo ra được quy mô sản xuất lớn hơn. Nói cách khác, để có thể thu hút được sự đầu tư từ các doanh nghiệp thì bản thân các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp cũng phải có những liên kết với nhau để từ đó hình thành lên các loại hình doanh nghiệp của người dân như các hợp tác xã, tổ hợp tác và các nhóm sở thích. Chỉ có liên kết như vậy mới tạo ra được vùng sản xuất nguyên liệu đủ lớn để các doanh nghiệp tiến hành hợp tác. Nói cách khác, một hộ gia đình không thể đủ điều kiện để có thể hợp tác với doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng không thể hợp tác với một hộ gia đình. Như vậy thì quy mô sản xuất sẽ không đủ để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Chính quyền cũng rất khó để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nếu như không tạo ra được sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp ngay chính giữa các hộ dân trong vùng. Vì vậy, liên kết sản xuất của các hộ là điều kiện để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp. Hợp tác của các hộ dân mới có thể tạo ra mỗi vùng một sản phẩm theo như định hướng OCOP hiện nay mà Việt Nam đang triển khai một cách mạnh mẽ.
Thứ hai, liên kết bên ngoài.
Liên kết bên trong chỉ thành công khi có sự tham gia của các thành phần khác, đó là các doanh nghiệp. Ở đây là các doanh nghiệp từ cung cấp các sản phẩm đầu vào như giống, phân bón, kỹ thuật; đến tham gia vào hoạt động sản xuất của người dân để chế biến nông sản phẩm và thực hiện tiêu thụ sản phẩm. Trong liên kết ngoài như vậy, vai trò của chính quyền bắt đầu được phát huy nhằm thu hút các doanh nghiệp và làm cầu nối giữa doanh nghiệp với người dân. Bản thân chính quyền đồng thời cũng là người thực hiện các quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp sao cho phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phù hợp với điều kiện thực tế của người dân trong vùng và thu hút được các doanh nghiệp thông qua các chính sách của mình, điều mà người dân không thể tự làm được.
Để mối hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp thực sự đi vào thực chất và có hiệu quả thì ngay trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Nói cách khác, chính quyền cần phải thay đổi cách thức xây dựng kế hoạch truyền thống sang xây dựng kế hoạch có sự tham gia, mà ở đây là sự tham gia của doanh nghiệp. Cách thức xây dựng kế hoạch có sự tham gia được vận dụng như sau:
a. Trường hợp khi chưa có hợp đồng ký kết
Đối với những địa phương chưa có sự tham gia kí kết hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp trong phát triển sản xuất nông nghiệp thì việc xây dựng kế hoạch có sự tham gia thực hiện theo các
bước sau:
Bước 1: Chính quyền địa phương dựa trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và quy hoạch phát triển nông nghiệp của mình, địa phương đưa ra dự kiến kế hoạch phát triển nông nghiệp. Trên cơ sở kế hoạch dự kiến, chính quyền giới thiệu với các doanh nghiệp để mời các doanh nghiệp tham gia.
Bước 2: Gửi dự thảo kế hoạch cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp chủ động đăng ký tham gia vào kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương. Nói cách khác trong bước này, trên cơ sở dự kiến phát triển sản xuất nông nghiệp của mình, chính quyền cần tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư nông nghiệp tham gia đầu tư vào địa phương trên cơ sở dự kiến kế hoạch mà địa phương đã đưa ra.
Bước 3: Tổng hợp để xây dựng thành kế hoạch chính thức về phát triển nông nghiệp của địa phương. Nguyên tắc xây dựng kế hoạch phải đảm bảo: Thứ nhất, phải tổng hợp được kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh doanh ở trên địa bàn vào kế hoạch tổng thể của địa phương; thứ hai, phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương theo thực tế tham gia của các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia.
Bước 4: Triển khai kế hoạch đến chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và các thành phần có liên quan.
b. Trường hợp đã có hợp đồng ký kết
Đối với trường hợp tại địa phương đã có sự tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức khác tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Có thể là các doanh nghiệp kí kết với chính quyền địa phương, hoặc kí kết với người dân, hoặc có các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Trong trường hợp này, kế hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương được xây dựng phải bao gồm cả kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn. Các bước để xây dựng kế hoạch như sau:
Bước 1: Chuẩn bị xây dựng kế hoạch: Trước khi xây dựng kế hoạch, chính quyền địa phương cần phải đánh giá những tiềm năng, thế mạnh của mình; đồng thời yêu cầu các đơn vị sản xuất trên địa bàn, bao gồm các doanh nghiệp, các hợp tác xã... phải gửi các bản kế hoạch sản xuất của mình về chính quyền để tổng hợp xây dựng kế hoạch.
Bước 2: Xây dựng kế hoạch: Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và kế hoạch của các đơn vị sản xuất trên địa bàn, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp. Nguyên tắc xây dựng kế hoạch phải đảm bảo: Thứ nhất, phải tổng hợp được kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh doanh ở trên địa bàn vào kế hoạch tổng thể của địa phương; thứ hai, phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế. Chỉ có như vậy, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương mới là kế hoạch tổng thể, phản ánh được tất cả sự tham gia của các thành phần trong địa bàn.
Bước 3: Triển khai kế hoạch đến chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và các thành phần có liên quan.
4. Một số gợi ý nhằm thực hiện mô hình xây dựng kế hoạch có sự tham gia
Để thực hiện thành công việc xây dựng kế hoạch có sự tham gia, một số gợi ý sau có thể được thực hiện:
Một là, phải đánh giá được thực trạng phát triển nông nghiệp của địa phương, qua đó xác định được những sản phẩm thế mạnh của mình theo định hướng OCOP mà có thể thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình sản xuất;
Hai là, thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và công khai quy hoạch tới cộng đồng doanh nghiệp; từ kết quả quy hoạch đó, địa phương phải tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư để thu hút doanh nghiệp;
Ba là, tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện cơ chế hợp tác với doanh nghiệp;
Bốn là, cần xây dựng và ban hành quy định thống nhất về quy trình xây dựng kế hoạch có sự tham gia áp dụng tại địa phương;
Năm là, thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi giữa doanh nghiệp với chính quyền để cùng nhau xây dựng chiến lược và kế hoạch thực hiện, cũng như tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
5. Kết luận
Để phát triển nông nghiệp được thành công, bền vững và gắn với thị trường để từ đó, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vừa góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân, các địa phương cần phải thay đổi phương thức xây dựng kế hoạch theo hướng có sự tham gia. Sự tham gia được hiểu là tham gia của doanh nghiệp và người dân cùng với chính quyền địa phương. Để cách thức xây dựng kế hoạch này được thành công, các địa phương cần phải xây dựng các mô hình liên kết trong phát triển nông nghiệp, trong đó có liên kết trong và liên kết ngoài. Đồng thời, cần phải xây dựng được quy định về xây dựng kế hoạch có sự tham gia để làm cơ sở cho các bên thực hiện. Trách nhiệm trong xây dựng kế hoạch phải được phân bổ cho cả chính quyền địa phương và doanh nghiệp, đồng thời không thể bỏ qua tiếng nói của người dân.

Bài báo là sản phẩm của đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Đại học Thái Nguyên mã số ĐH 2017 -TN08 - 13.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Quang Hợp, 2015. Public - Private Partnership in Agriculture for Sustainable Livelihood Development for Rural residents - Case Study in Bac Kan. Proceedings of the international conference On livelihood development and Sustainable Environmental Management in the context of Climate Change. Tr 486-493.
2. Nguyen Quang Hop, 2016. New ideas for model of agriculture economy development in northern mountainous areas in Vietnam. Proceedings International Conference on Agriculture development in the context of international integration: Opportunities and Challenges, 2016, page: 311-319.
3. Trần Quang Huy, 2016. Nghiên cứu giải pháp đổi mới và phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nông dân trong xây dựng nông thôn mới huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020. Đề tài NCKH cấp tỉnh năm 2016.

MAKING AGRICULTURAL DEVELOPMENT PLANS WITH THE PARTICIPATION OF THE BUSINESS COMMUNITY

Ph.D Nguyen Quang Hop
Thai Nguyen University - University of Economics & Business Administration
Master. Nguyen Hai Duong
Department of Finance - Ha Giang Province
Master. Nong Quoc Huy
Department of Social Insurance - Bac Kan Province

ABSTRACT:
In the context of the economic growth toward the market economy with the State’s control, all economic sectors, especially the private sector, are increasingly taking part in development economic sectors including agriculture and rural fields. Besides the leading role of the State and the proactive role of farmers, enterprises also play a key role in helping the agriculture sector develop sustainably and in line with the market demand. It is necessary for enterprises to take part in the planning and implementation processes of agricultural development policies of localities. By assessing the role of enterprises, this article presents some ideas on the making agricultural development plans of localities with the participation of the business community.
Keywords: Plan, enterprise, administrative authorities, community, private economy.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/y-tuong-ve-doi-moi-mo-hinh-xay-dung-ke-hoach-phat-trien-nong-nghiep-co-su-tham-gia-cua-cong-dong-doanh-nghiep-63622.htm