Ý Yên sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai
Huyện Ý Yên đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng các phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tăng cường công tác quản lý an toàn công trình thủy lợi, đê điều; duy trì và thực hiện hiệu quả chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện nhằm đảm bảo
Là một trong những địa phương nằm trong vùng trung tâm lụt bão, để chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão năm 2019, huyện Ý Yên đã chủ động triển khai nhiều phương án, giải pháp cụ thể.
Huyện Ý Yên đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng các phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tăng cường công tác quản lý an toàn công trình thủy lợi, đê điều; duy trì và thực hiện hiệu quả chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện nhằm đảm bảo “4 tại chỗ” và “3 giai đoạn” trong xử lý tình huống ứng cứu khi mưa bão. Đồng chí Trịnh Thị Kim Tình, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ý Yên cho biết: Ngoài việc kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện còn thành lập các cụm phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; bộ phận chỉ đạo chống úng nội đồng. Để tránh rơi vào tình huống bị động, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện chủ động kiểm tra trước mùa mưa bão, xác định những vùng, vị trí trọng điểm và xây dựng phương án ứng phó với 4 tình huống thiên tai, bao gồm: bão và bão mạnh; bão rất mạnh và siêu bão; lũ trên báo động 3 và bão rất mạnh gây mưa lớn, mực nước lũ trên báo động 3. Việc chủ động xác định những vùng, vị trí trọng điểm và các tình huống có thể xảy ra do thiên tai, mưa bão sẽ giúp Ban chỉ huy chủ động xây dựng và triển khai các phương án ứng phó hiệu quả. Theo đó, địa bàn huyện được chia thành 5 cụm phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, mỗi cụm đều có 1 đồng chí cán bộ Thường vụ Huyện ủy phụ trách; chỉ đạo các xã, thị trấn và các đơn vị thực hiện nghiêm quy định thường trực 24/24h trong mùa mưa bão. Cống Đông Duy và đoạn đê từ Km149 đến Km152+100 trên đê tả Đáy thuộc địa bàn xã Yên Quang là một trong những trọng điểm phòng, chống lụt bão của huyện trong mùa mưa bão năm nay. Công trình cống Đông Duy được xây dựng đã lâu trong khu vực có địa chất nền yếu, phía hạ lưu mái đá bị lún; còn đoạn đê từ Km149 đến Km152+100 cong vòng trong phía đồng nên dòng chủ lưu chảy sát chân đê, kè, trong khi địa chất nền yếu, thân đê được đắp đất nhiều lần nên có khe phân cách, hệ số thấm lớn. Thời gian qua mặc dù đã được tỉnh đầu tư tu bổ, sửa chữa đắp áp trúc mái đê phía đồng nhưng do đất đắp mới nên chưa ổn định không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay. Để đảm bảo an toàn công trình cống Đông Duy và tuyến đê, huyện đã xây dựng phương án theo các tình huống có thể xảy ra; giao cụm phòng, chống lụt bão số 3 triển khai phương án bảo vệ cống Đông Duy, tuyến đê. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, huyện đã chuẩn bị tập kết 100m3 đất, 20m3 cát, đá dăm, 2.000 con rồng rào, 50 nghìn bao tải và 6.100 cây tre bụi, 100kg thừng chão để sẵn sàng xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu nhằm đảm bảo an toàn công trình theo chỉ tiêu thiết kế khi mực nước sông Đáy nhỏ hơn +4,65m tại vị trí công trình… Cùng với việc xây dựng các phương án ứng phó, đến thời điểm này việc bố trí nhân lực, phương tiện, vật tư cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được huyện Ý Yên chuẩn bị đầy đủ, tập kết tại các kho dự trữ và các vị trí xung yếu ở 32 xã, thị trấn; các phương án sơ tán dân đến nơi khác khi có tình huống thiên tai cũng được chuẩn bị chu đáo. Theo đó, huyện thành lập các đội xung kích của 32 xã, thị trấn với lực lượng chủ lực là 5.950 người, trong đó lực lượng tuần tra, canh gác, bảo vệ các tuyến đê, kè và các công trình thủy lợi phục vụ công tác phòng, chống lụt bão là 502 người. Vật tư dự trữ của Nhà nước trên địa bàn huyện bao gồm: Đá hộc 3.615,5m3, đá dăm 167,7m3, rọ thép 166 bộ, nhà bạt 25 cái, áo phao cứu sinh 297 cái, phao bè 8 cái, phao tròn 822 cái, bạt chắn sóng 11.250m2, bao tải 5.500 chiếc. Trong đó, phân bổ giao 13 xã ven đê quản lý 23 bộ nhà bạt các loại, 255 áo phao cứu sinh, phao bè 7 cái, phao tròn 622 cái. Các xã, thị trấn chuẩn bị 130 bạt chắn sóng, đắp bổ sung đất dự trữ 430m3 ở vị trí gần các cống dưới đê, tre bụi 35 nghìn cây, bao tải 67 nghìn cái, rồng rào 22 nghìn con, xe vận tải nhỏ 160 chiếc. Ở các xã nội đồng, mỗi gia đình chuẩn bị 2 bao tải; ở 13 xã ven đê, mỗi gia đình chuẩn bị 3 bao tải để tại nhà khi có lệnh huy động các gia đình đóng đất vào bao để kịp thời phục vụ hộ đê. Về kinh phí ở huyện bố trí khoảng 1 tỷ đồng phục vụ nhiệm vụ thường xuyên cho các hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; trong trường hợp thiên tai xảy ra, có thể huy động từ 10-15 tỷ đồng. Các xã, thị trấn chuẩn bị đủ từ 70-100 triệu đồng và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác hộ đê, phòng chống thiên tai như: lương thực, thực phẩm, cơ sở vật chất, y tế; đảm bảo ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội ở các vùng ngập lụt. Trong quá trình di dân, huyện bố trí lực lượng xung kích tại các vị trí chốt chặn để hướng dẫn, sẵn sàng ứng cứu kịp thời và đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình sơ tán dân. Việc sơ tán cũng được thực hiện theo mức độ ưu tiên cho trẻ em dưới 14 tuổi, đến người già trên 70 tuổi và phụ nữ mang thai...
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ý Yên trong việc chủ động xây dựng và thực hiện các phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể chắc chắn sẽ hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra cho người dân trên địa bàn trong mùa mưa bão năm nay./.
Bài và ảnh: Văn Đại