Yakovlev Yak-52: 'Người thầy' bay của nhiều thế hệ phi công huyền thoại

Yak-52 là loại máy bay huấn luyện vừa gặp nạn khiến 2 phi công hy sinh ở Khánh Hòa. Từ khi ra đời vào những năm 1970, mẫu máy bay huấn luyện Yakovlev Yak-52 đã trở thành phương tiện huấn luyện bay cho hàng ngàn phi công khắp thế giới, trong đó có những huyền thoại bay.

Máy bay huấn luyện Yak-52 do phòng thiết kế Yakovlev của Liên Xô thiết kế và chế tạo trong những năm 1970, chuyên phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện bay cho cả phi công dân sự lẫn quân sự. Mẫu máy bay được phát triển dựa trên mẫu máy bay nhào lộn một chỗ ngồi Yak-50, theo RIA.

 Máy bay Yak-52 huấn luyện của Nga.

Máy bay Yak-52 huấn luyện của Nga.

Kể từ khi thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 1979, mẫu máy bay này trở thành phương tiện huấn luyện cho hàng ngàn phi công, trong đó có những ‘huyền thoại bay’ của Liên Xô và nhiều nước khác vì nó chính là phương tiện đầu tiên mà các phi công học các kĩ năng bay sơ đẳng nhất, trước khi chuyển lên điều khiển các máy bay cỡ lớn hay tiêm kích chiến đấu.

Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, ưu điểm vượt trội của Yak-52 so với các mẫu máy bay khác là nhỏ, nhẹ, tính đơn giản, dễ điều khiển. Giống như đã số phương tiện quân sự của Liên Xô, Yak-52 sở hữu thiết kế tối ưu để hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và ít phải bảo trì.

Tuy có thiết kế đơn giản, song chiếc máy bay này lại sở hữu động cơ 360 HP đặc biệt vì có thể sử dụng hỗn hợp nhiên liệu vừa xăng vừa dầu. Khi bay, phi công có thể thay đổi hệ thống nhiên liệu chỉ trong 2 phút để tăng hiệu suất của động cơ, phù hợp cho việc bay nhào lộn.

Máy bay Yak-52 bay cùng máy bay An-2. Ảnh: Airliner

Máy bay Yak-52 bay cùng máy bay An-2. Ảnh: Airliner

Tốc độ tối đa của loại máy bay này khoảng 285 km/h. Tuy nhiên, phi công thường bay hành trình nó ở dưới mức 200 km/h. Máy bay có tốc độ tối thiểu chỉ 90 km/h - đảm bảo an toàn cho học viên khi thực hiện các bài tập hạ cánh và cất cánh lần đầu tiên trong đời phi công.

Khi ra đời, mẫu máy bay này thậm chí còn tạo ra một cuộc cách mạng đối với các mẫu máy bay huấn luyện cỡ nhỏ, mà sau này các đối thủ khác của phương Tây đều học theo, đó là được trang bị hệ thống càng đáp có thể gấp vào trong thân giống như trên tiêm kích, từ đó tăng cường tính khí động học cho máy bay.

Từ đầu những năm 1990 và sau khi Liên Xô sụp đổ, máy bay Yak-52 thậm chí còn được nhiều nước phương Tây đặt mua.

Mẫu máy bay Yak-52 cánh quạt cũ và cánh quạt mới. Ảnh: ITN

Mẫu máy bay Yak-52 cánh quạt cũ và cánh quạt mới. Ảnh: ITN

Các phiên bản ban đầu của Yak-52 đã ngừng sản xuất mới từ năm 1998, song các phiên bản "phương Tây hóa" của Yak-52 hiện nay vẫn được sản xuất. Chúng được thay thế hệ thống điện tử mới, cánh quạt được thay bằng loại có 3 lưỡi (Yak-52W) và hệ thống bánh đáp mới (Yak-52TW), đây là những thay đổi chính trong mẫu máy bay tiêu chuẩn Yak-52.

Tính đến nay, khoảng 1.800 chiếc Yak-52 đã được chế tạo. Mẫu máy bay này được sử dụng trong các chuyến bay nhào lộn, huấn luyện ở 10 quốc gia, từ Nga, Ukraine, Mỹ, Anh, New Zealand, Australia và nhiều nước khác.

Tại Việt Nam, Yak-52 là mẫu máy bay huấn luyện sơ cấp, Yak-52 đã gắn liền với nhiều thế hệ phi công Việt Nam, không ít trong số đó sau này đã trở thành các phi công điều khiển các chiến đấu cơ hiện đại Su-27, Su-30….

Thái An

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/yakovlev-yak-52-nguoi-thay-bay-cua-nhieu-the-he-phi-cong-huyen-thoai-71418.html