Yemen có thể là mồi lửa bùng phát cuộc chiến liên minh Mỹ chống Iran
Ngày 14.05.2019, Ả rập Xê út ngừng bơm dầu trên đường ống Đông-Tây dài 1.200km sau khi hệ thống đường ống dẫn dầu này bị các máy bay không người lái (UAV) tự sát của Houthi tấn công. Riyadh xác nhận, UAV gây hỏa hoạn tại Trạm bơm số 8 trên tuyến dẫn dầu, cách Yemen hơn 760km
Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Công nghiệp và Tài nguyên khoáng sản của Vương quốc Dầu mỏ Khalid al-Falih thừa nhận cuộc tấn công của các chiến binh Ansar Allah vào đường ống dẫn dầu thô từ những mỏ dầu chiến lược phía đông đến thành phố cảng Yanbu phía tây của Ả rập Xê út. Theo ông, vụ tấn công là hành động khủng bố của Houthi và tuyên bố: sự cố này chứng minh tầm quan trọng của sứ mệnh tiêu diệt tất cả các tổ chức khủng bố.
Các cơ sở cung cấp dầu mục tiêu nằm trong các thị trấn al-Duwadimi và Afif. Theo thông tin ban đầu, không có thương vong dân thường.
Bộ trưởng năng lượng Ả rập Xê út nhấn mạnh, việc sản xuất và xuất khẩu dầu của quốc gia vẫn tiếp tục không gián đoạn. Nhưng giá dầu toàn cầu tăng lên sau sự cố này.
Cùng ngày, kênh truyền hình Masirah TV của Yemen, cơ quan truyền thông của phong trào Ansar Allah (còn được gọi là Houthis) cho biết, không quân Yemen thuộc phong trào Houthi sử dụng 7 máy bay không người lái tấn công các cơ sở công nghiệp quan trọng của Ả rập Xê út.
Theo phát ngôn của đại diện chính thức phong trào Houthi, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được thực hiện nhằm đáp trả cuộc chiến tranh xâm lược và những cuộc không kích bừa bãi của quân đội Ả rập Xê út vào người dân Yemen.
Đài truyền hình Masirah TV dẫn phát biểu của một quan chức từ chính quyền tự xưng Ansar Allah cho biết: lực lượng Yemen sẵn sàng thực hiện nhiều cuộc tấn công vào những mục tiêu quan trọng và có giá trị lớn về kinh tế của Ả rập Xê út khi cuộc chiến tranh xâm lược vẫn tiếp diễn.
Lợi dụng tình hình, Mỹ, Israel và Ả rập Xê út cáo buộc bất kỳ hoạt động nào do lực lượng Ansar Allah thực hiện chống Liên minh vùng Vịnh là do Iran hậu thuẫn, tìm mọi cớ để thực hiện các hành động trừng phạt quốc gia Hồi giáo này.
Một tình huống khác, làm gia tăng mối lo ngại về nguy cơ làm gián đoạn cung cấp dầu và gây lên nguy cơ cuộc chiến giữa liên minh các quốc gia do Mỹ dẫn đầu và Iran, là cuộc tấn công vào bốn tàu chở dầu thương mại ngoài khơi biển Fujairah thuộc vùng nước do Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) ngày 12.05.2019.
Lúc đầu UAE bác bỏ tình huống bị tập kích, nhưng sau đó lại thừa nhận có một số sự cố phá hoại đối với các tàu chở dầu. Những tàu bị tấn công được xác định là tàu chở dầu thô (VLCC) siêu trường siêu trọng Amjad và tàu chở dầu thô Al Marzoqah, thuộc sở hữu của hãng tàu Bahri Ả rập Xê út. Hai chiếc còn lại là sà lan chở nhiên treo cờ UAE mang tên A Michel và tàu chở dầu đăng ký ở Na Uy mang tên MT AndreA Victory.
Hãng quản lý tàu biển Thome cho biết, tàu chở dầu MT Andrew Victory, đăng ký tại Na Uy của hãng bị tấn công bởi một đối tượng không xác định. Jaber Al Lamki, giám đốc điều hành tại Hội đồng truyền thông quốc gia UAE tuyên bố, cuộc tập kích này nhằm mục đích phá hoại nguồn cung dầu và an ninh hàng hải thương mại toàn cầu.
Không có bất kỳ chứng cứ nào, các phương tiện truyền thông chính thống phương Tây, nhiều hãng tin Trung Đông thân UAE và Ả rập Xê út ngay lập tức cáo buộc Iran đứng sau những cuộc tấn công này.
Teheran lập tức bác bỏ mọi cáo buộc và tuyên bố đó là một hoạt động giả tạo, khiêu khích. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif cho biết, Iran không ngạc nhiên và luôn chờ dợi những hành động phá hoại giả tạo khiêu kích tương tự, được các thế lực căm ghét Iran thực hiện nhằm tạo ra những căng thẳng trong khu vực.
Ngay lúc này, Mỹ triển khai cụm tàu sân bay tấn công Abraham Lincoln và tàu trực thăng vận tải đổ bộ USS Arlington, chuyên chở lính thủy đánh bộ, thiết giáp đổ bộ lưỡng cư và trực thăng đa nhiệm cánh quạt xoay, trang bị tên lửa phòng không chống tên lửa Patriot gần Vịnh Ba Tư. Một lực lượng không quân đặc nhiệm ném bom chiến lược tăng cường được điều đến căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ ở Qatar.
Tương tự như những trường hợp khác, Mỹ viện dẫn nguyên nhân điều động binh lực là mối đe dọa ngày càng tăng của Iran đối với lợi ích quốc gia ở Trung Đông, cho rằng các cuộc tấn công của Iran có thể được tiến hành nhằm vào lực lượng quân sự chống khủng bố và các cơ sở hạ tầng quân sự và kinh tế của Mỹ ở Trung Đông.
Truyền thông đại chúng trên thế giới cho rằng, Mỹ đang tích cực đưa vào hiện thực kế hoạch về một chiến dịch quân sự chống Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump báo bỏ những báo cáo của NewYork Times (NYT) về kế hoạch điều chuyển 120.000 binh sĩ đến Trung Đông.
Nhưng Nhà Trắng thường xuyên khẳng định, Mỹ sẵn sàng cho những giải pháp mạnh hơn trong trường hợp tình hình căng thăng leo thang hoặc thậm chí trong trường hợp Iran rút khỏi các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, dù Mỹ đã rút khỏi hiệp định này.
Mỹ cũng đã thực hiện nhiều động thái khác nhau để phá hủy thỏa thuận này và đang tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt và cáo buộc Iran, đẩy vùng Trung Đông tới cuộc khủng hoảng mới.