Yên Bái: 'Cánh tay nối dài' của y tế cơ sở

Đội ngũ cô đỡ thôn bản giúp phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dan tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh tiếp cận với các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu, góp phần giảm tình trạng tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và bé. Họ đã trở thành 'cánh tay nối dài' đắc lực của ngành y tế tỉnh trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho phụ nữ, trẻ em.

Đội ngũ cô đỡ thôn bản trên địa bàn tỉnh được tập huấn cập nhật kiến thức chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em năm 2024.

Đội ngũ cô đỡ thôn bản trên địa bàn tỉnh được tập huấn cập nhật kiến thức chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em năm 2024.

Cô đỡ thôn bản chỉ những phụ nữ được trưởng trạm y tế xã và cán bộ làm công tác sinh đẻ của trạm lựa chọn ở một số thôn, bản khó khăn xa trạm y tế, nơi có tỷ lệ sinh tại nhà cao, tình nguyện tham gia công tác tuyên truyền, vận động, quản lý thai nghén tại thôn vùng đồng bào DTTS. Các cô đỡ thôn bản đều là người DTTS, được chọn từ cộng đồng, có cùng phong tục, tập quán với người dân địa phương.

Làm nhiệm vụ cô đỡ thôn bản, các cô đỡ được đào tạo chuyên sâu trong vòng 6 tháng tại tỉnh với các kiến thức về khám thai, CSSK thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ; kỹ năng và CSSK sau sinh, dinh dưỡng trẻ em... Bắt đầu công việc từ năm 2016, cô đỡ Giàng Thị Cở, sinh năm 1995, dân tộc Mông ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải luôn nhiệt tình trong vai trò cô đỡ thôn bản.

Cô đỡ Giàng Thị Cở chia sẻ: "Trong 8 năm làm cô đỡ thôn bản, phụ trách 3 bản Dào Xa, Lao Chải, Tà Ghênh của xã Lao Chải, công việc của tôi là đến từng bản để thực hiện các nhiệm vụ tái khám, chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh, tuyên truyền, vận động CSSK bà mẹ và trẻ em; quản lý thai nghén; thực hiện đỡ đẻ đối với các trường hợp không đến hoặc không kịp đến cơ sở y tế và báo cáo với Trạm Y tế xã để quản lý và có phương án hỗ trợ, giúp Trạm làm tốt công tác CSSK bà mẹ và trẻ em tại các bản. Ở các bản tôi phụ trách, 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông, trước đây, phụ nữ chủ yếu sinh con tại nhà. Với phương châm "Đi từng ngõ, gặp từng nhà” tuyên tuyền về lợi ích của việc đến cơ sở y tế sinh con, nên ở các bản tôi phụ trách đã nhiều năm nay không có trường hợp sinh con tại nhà”.

Bác sĩ chuyên khoa II Lại Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Yên Bái có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó, có 2 huyện nằm trong 62 huyện nghèo nhất trong cả nước là Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Tại đây, tỷ lệ phụ nữ có thai và sinh con tại nhà vẫn tương đối cao, trên địa bàn tỉnh vẫn có những ca bị mắc uốn ván sơ sinh, vẫn còn tình trạng tử vong mẹ, con. Vì thế, cô đỡ thôn bản là "cánh tay nối dài”, là đối tượng trực tiếp góp phần giảm tỷ lệ này trên địa bàn tỉnh”.

Cô đỡ thôn bản thực sự đóng vai trò là cầu nối quan trọng trong công tác CSSK bà mẹ và trẻ em tại vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là ở những khu vực còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng và nguồn lực y tế. Để phát huy vai trò của cô đỡ thôn bản, thời gian tới, cùng với việc đào tạo cập nhật nâng cao kiến thức chuyên môn, ngành y tế tỉnh cũng sẽ phối hợp tham mưu thực thi chính sách đãi ngộ đối với cô đỡ thôn bản nhằm hỗ trợ, động viên và duy trì hoạt động của đội ngũ này, góp phần vào việc CSSK, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; giảm tử vong ở bà mẹ, trẻ em; nâng cao tầm vóc, thể lực và chất lượng dân số vùng DTTS và miền núi của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 53 cô đỡ thôn bản đang hoạt động, trong đó, 20 người vừa làm cô đỡ thôn bản, vừa kiêm nhiệm vụ nhân viên y tế thôn bản. Do số lượng cô đỡ thôn bản còn thiếu nên một số cô đỡ phải phụ trách thêm các thôn bản lân cận, có những cô được phân công phụ trách 2-3 bản, gánh nặng công việc tăng lên mà mức phụ cấp còn rất khiêm tốn. Theo quy định, nhân viên y tế thôn bản trong thời gian công tác sẽ được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương cơ sở. Trước đây là 900.000 đồng, nay lên được 1.170.000 đồng, song cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn.

Thu Hiền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/265/342123/yen-bai-canh-tay-noi-dai-cua-y-te-co-so.aspx