Yên Bái chủ động chống hạn cho cây trồng
Xác định năm 2024 là năm có khả năng hạn hán do biến đổi khí hậu nên ngay từ sau đầu năm, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trực tiếp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực thủy lợi, Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái đã tiến hành nhiều giải pháp cụ thể, góp phần vào việc bảo vệ, lưu trữ, khai thác nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, Chi cục đã tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các báo cáo, tờ trình của ngành nông nghiệp, kịp thời tham mưu các giải pháp chống hạn, cùng Công ty TNHH Tân Phú đến các địa phương kiểm tra, hướng dẫn, triển khai kế hoạch giữ nước tại các hồ đập lớn, kiểm tra, đánh giá lại năng lực, hiện trạng của 2.333 công trình và cụm công trình thủy lợi; trong đó có 133 hồ chứa, 2.166 đập dâng, 34 trạm bơm.
Chi cục cũng đồng thời kiểm tra công tác tưới, tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định; theo dõi, giám sát, quan trắc diễn biến bồi lắng, xói lở công trình thủy lợi; hướng dẫn, quản lý việc khai thác, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm, an toàn, có hiệu quả nguồn nước từ các công trình thủy lợi; bảo đảm cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt trong thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, sa mạc hóa, ngập lụt, úng trên địa bàn...
Đồng thời, Chi cục đề nghị Công ty TNHH Tân Phú phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, thị trấn, phòng nông nghiệp các huyện và thành phố Yên Bái xây dựng kế hoạch bơm nước sát với kế hoạch làm đất và lịch gieo cấy lúa đã xây dựng; đặc biệt thống kê, rà soát hoạt động tưới tiêu của gần 4.450 km kênh mương trong toàn tỉnh, bởi những kênh mương này đã được xây dựng từ nhiều năm nên thường xuyên bị bồi lắng và tắc nghẽn gây thất thoát nước.
Đối với các hồ chứa nước, dù đã được nâng cấp, sửa chữa bằng nguồn vốn nhiều dự án song vẫn cần theo dõi chặt chẽ nguồn nước dự trữ, khơi thông dòng chảy đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, không để tình trạng thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy lợi đề nghị các phòng nông nghiệp, chính quyền cơ sở, Công ty TNHH Tân Phú tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu tác động của hạn hán. Một trong những biện pháp điển hình là áp dụng các phương pháp tưới tiêu thông minh, sử dụng hệ thống tưới tự động và cảm biến đất đa chức năng để kiểm soát lượng nước cần thiết cho cây trồng. Công nghệ thông tin cũng được sử dụng để thu thập dữ liệu về thời tiết, đất đai và nhu cầu nước của cây trồng, giúp nông dân đưa ra quyết định can thiệp hợp lý và kịp thời.
Qua đó, một số ứng dụng công nghệ đã mang lại kết quả rõ rệt như hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả trên địa bàn huyện Yên Bình, thành phố Yên Bái, huyện Văn Chấn; hệ thống tưới phun mưa cho cây hoa trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Với công nghệ này, đã có 72,1 ha cây nông nghiệp được áp dụng biện pháp tưới tiên tiến.
Để chủ động phòng chống hạn hán, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 11/01/2024 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Đông xuân năm 2023 - 2024 và vụ Hè thu năm 2024; ban hành các văn bản yêu cầu đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi sử dụng nguồn kinh phí của đơn vị tiến hành sửa chữa khẩn trương các hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng do mưa, bão gây ra trong năm 2023; tổ chức tu sửa, nạo vét, phát dọn các tuyến kênh mương, khơi thông dòng chảy theo phương châm "4 tại chỗ"; kiểm tra các diện tích có nguồn bổ sung để bơm chống hạn đảm bảo nước tưới cho sản xuất.
"Các địa phương cần phối hợp với đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi rà soát các diện tích không có nguồn bơm chống hạn để có hướng chuyển đổi cây trồng cho phù hợp. Cùng với đó, người dân cần nâng cao ý thức trong chấp hành kế hoạch sản xuất, lịch gieo cấy và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả...” - ông Trần Anh Văn - Phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái cho biết thêm.
Với việc chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hạn hán trong sản xuất nông nghiệp, đến thời điểm này, hầu hết các diện tích nông nghiệp vẫn đủ nước tưới; hệ thống kênh mương đã kịp thời kiên cố, sửa chữa; các hồ đập đã và đang hoàn thành các phương án tích trữ nước sẵn sàng tình huống hạn hán kéo dài có thể xảy ra, giúp nông dân tăng khả năng đối phó với hạn hán, đảm bảo sự phát triển ổn định của sản xuất nông nghiệp trong mùa nắng nóng sắp tới.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/320924/yen-bai-chu-dong-chong-han-cho-cay-trong.aspx