Yên Bái chung tay bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm
Thời gian qua, công tác bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm tại tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân đã được triển khai sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn các loài động vật nguy cấp.

Tổ chức Động vật châu Á vận chuyển cá thể gấu ngựa của gia đình ông Đỗ Văn Vượng đến Trung tâm cứu trợ gấu Việt Nam, Vườn quốc gia Tam Đảo.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đang tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 49/QĐ-TTg ngày 8/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt "Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Nhờ vậy, nhiều người dân đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng để giao nộp các loài động vật hoang dã, quý hiếm đang nuôi giữ trái phép hoặc không còn phù hợp điều kiện chăm sóc.
Điển hình là gia đình ông Đỗ Văn Vượng ở thôn 1, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên. Ông Vượng đã nuôi hai cá thể gấu ngựa từ năm 2004, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật như đăng ký, gắn chip theo dõi, thường xuyên được kiểm tra về sức khỏe và điều kiện chuồng trại. Sau hơn 20 năm gắn bó, ông Vượng đã tự nguyện bàn giao cả hai cá thể gấu cho Tổ chức Động vật châu Á – đơn vị chuyên trách trong lĩnh vực cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã. Gắn bó với con vật, đến giờ lúc bàn giao, ông Vượng vẫn tỷ mẫn chia sẻ cách cho ăn, thói quen của con vật với bên tiếp nhận. "Trong thời gian nuôi, tôi đã chấp hành nghiêm tất cả thủ tục đăng ký, gắn chip theo dõi và hàng tháng có cán bộ kiểm lâm đến kiểm tra, đánh giá về an toàn chuồng trại, sức khỏe con vật. Về khẩu phần ăn, gia đình cho gấu ăn với chế độ khá cao, ví dụ như mật ong, trứng, xương lợn hầm với cháo... Tôi mong muốn, Tổ chức Động vật châu Á cũng cho gấu ăn như thế trong thời gian đầu tiếp nhận để gấu sớm thích nghi điều kiện mới, đảm bảo sức khỏe, nhanh chóng hòa nhập với môi trường tự nhiên” - ông Vượng chia sẻ.
Theo ông Kiều Tư Giang – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, trong hai năm gần đây, đơn vị đã tiếp nhận nhiều động vật quý hiếm do người dân tự nguyện bàn giao, như khỉ, rắn hổ mang chúa ở xã Mông Sơn, huyện Yên Bình. Đây đều là những loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, thuộc nhóm 1B – nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Sau khi tiếp nhận, Chi cục chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm cấp huyện phối hợp với Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã, Vườn Quốc gia Hoàng Liên để tiếp nhận, chăm sóc và tiến hành tái thả về rừng tự nhiên. Tính đến nay, trong số ba cá thể gấu đang được người dân nuôi giữ trên địa bàn tỉnh, đã có hai cá thể được bàn giao và hướng tới vận động bàn giao nốt cá thể còn lại trong thời gian tới.
Ông Giang cho biết thêm, Yên Bái là một tỉnh có hệ sinh thái đa dạng, nơi cư trú của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Chính vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ và bảo tồn các loài động vật hoang dã tại địa phương là một yêu cầu bức thiết, lâu dài. Lực lượng kiểm lâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động báo tin khi phát hiện các trường hợp nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển trái phép động vật quý hiếm. "Đối với các hành vi vi phạm như buôn bán, vận chuyển động vật nằm trong Sách đỏ, Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, thậm chí tiến hành khởi tố theo quy định pháp luật” – ông Giang khẳng định.
Trong thời gian tới, cùng với công tác tuyên truyền, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã được pháp luật cho phép. Việc quản lý, theo dõi chặt chẽ, đảm bảo đăng ký, kê khai rõ ràng sẽ là cơ sở để bảo vệ tốt hơn các loài động vật quý hiếm, góp phần duy trì đa dạng sinh học và bảo vệ cân bằng sinh thái tự nhiên của tỉnh nhà.