Yên Bái: Đặc sắc đám cưới người dao đỏ ở Phúc Lợi, huyện Lục Yên
Mặc dù đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc Dao đỏ tại xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên (Yên Bái) vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc, nhất là lễ cưới truyền thống được duy trì theo đúng bản sắc từ xưa để lại.
Lễ cưới truyền thống của người Dao đỏ ở Phúc Lợi
Phúc lợi là một xã vùng III, cách trung tâm huyện hơn 40 km, có diện tích tự nhiên gần 128 km2, được chia thành 11 thôn với dân số hiện nay khoảng 6.657 người, có 5 dân tộc anh em (Dao,Tày, Nùng, mường, kinh,) đồng bào dân tộc Dao đỏ và Dao quần trắng (chiếm tỷ lệ 71% tổng dân số 4730/6657 nhân khẩu), chiếm đại đa số so với các dân tộc khác và có nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó người Dao đỏ chiếm tỷ lệ 22 % với 1450/6657 nhân khẩu.
Lễ cưới là một trong những nét văn hóa truyền thống của người Dao đỏ ở Yên Bái, trong đó chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử. Lễ cưới hỏi của người Dao góp phần làm phong phú thêm những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Anh Nông thành Xoạn, cán bộ Văn hóa - Xã hội UBND xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, “phong tục cưới hỏi truyền thống của người Dao đỏ ở Phúc Lợi thường có các nghi lễ như: Lễ đánh tiếng, Lễ ăn hỏi và tổ chức Lễ cưới, trong đó Lễ cưới là nghi lễ quan trọng nhất, phản ánh đậm nét đời sống, tín ngưỡng của đồng bào Dao đỏ”.
Với Lễ đánh tiếng (Dặm ngõ): nhà trai chuẩn bị 1 chai rượu 2 vòng tay bạc đến nhà gái để xem mặt, nói chuyện ngỏ ý với nhà gái gả con gái cho nhà trai sau đó nhà trai đặt đôi vòng tay để làm tin và hỏi thông tin ngày tháng năm sinh của cô con gái. Sau một thời gian từ 1 đến 2 tháng nếu nhà gái không trả lại vòng là có nghĩa đã đồng ý và thông tin lại cho nhà trai. Sau đó nhà trai mới nhờ thầy xem tuổi, xem ngày lành tháng tốt để tiến tới Lễ ăn gà đôi.
Đến (Lễ ăn gà đôi ) nhà trai mang đôi gà 1 gà trống thiến và 1 gà mái sang nhà gái với 2 lít riệu sang nhà gái, hai bên bàn thống nhất những sính lễ mà nhà trai cần chuẩn bị, sau đó ấn định lành tháng tốt để tổ chức lễ “ quếlẩy” (ăn hỏi).
Trong lễ ăn hỏi; nhà trai phải chuẩn bị và mang các sính lễ gồm: ba đồng bạc trắng, một con lợn khoảng 50kg – 60kg, bảy con gà thiến, 25 kg gạo, nếp, 20 lít rượu sang nhà gái tổ chức bữa cơm thân mật, mời anh em họ hàng nhà gái, đồng thời hai bên gia đình ấn định ngày tổ chức đám cưới trong vòng sáu tháng đến một năm.
Khi tổ chức đám cưới thì nhà gái tự tổ chức đám cưới cho con đêm hôm trước, đến hôm sau nhà gái tổ chức đoàn đưa dâu sang nhà trai. Phía nhà trai tổ chức thổi kèn, đánh trống, nạo bạt đón dâu phái đoàn nhà gái, cách nhà trai khoảng 15-20m. khi cô dâu vào nhà sẽ thực hiện các nghi lễ vái lậy tổ tiên, bố mẹ hai bên và các vai trên của cô dâu và chú rể.
Trước đây Lễ cưới truyền thống của người Dao đỏ thường diễn ra trong ba ngày ba đêm, hiện nay theo nếp sống mới đã rút ngắn lại, trong một ngày, một đêm ở nhà trai, còn nhà gái chỉ tổ chức một bữa ăn vui vẻ đưa cô dâu về nhà chồng.
Anh Nông thành Xoạn, cán bộ Văn hóa - Xã hội UBND xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết thêm, “Về trang phục của người Dao trong đám cưới, ngày vui trọng đại của hai bên gia đình. Người phụ nữ Dao thường khoác trên mình những bộ trang phục truyền thống rực rỡ bởi những chi tiết bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Bộ trang phục có năm màu cơ bản: đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người”.
Chiếc áo là điểm nhấn và là phần quan trọng nhất của bộ trang phục. Người Dao đỏ thường dùng vải lanh nhuộm chàm để may trang phục. Họ thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ để nẹp cổ liền với ngực thân áo. Đặc biệt, hai đầu của nẹp ngực được đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ sặc sỡ. Mỗi thân áo được đính một dải vải nhỏ để làm dây buộc phía sau lưng. Nét đặc sắc trong trang phục người Dao đỏ không thể thiếu những họa tiết hoa văn trang trí. Người phụ nữ Dao đỏ có cách thêu rất độc đáo, không theo mẫu mà thêu theo trí tưởng tượng của mình. Với mô típ là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với đời sống như: hoa lá, cỏ cây, rừng núi, loài động vật... các hoa văn được sắp xếp bố cục hài hòa, tinh tế, sử dụng màu sắc tươi sáng.
Khăn đội đầu là một trong những điểm không thể thiếu của phụ nữ người Dao. Khăn được trang trí bằng nhiều họa tiết: cây vạn hoa, hình cách đoạn, hình vết hổ... Khi đội lên đầu, các hoa văn họa tiết sẽ phô ra ngoài, làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn.
Những tấm vải đỏ được treo ngay phía trên cửa chính của ngôi nhà với mong muốn trừ tà ma, bảo vệ đám cưới được diễn ra may mắn, an toàn, suôn sẻ. Từ sáng sớm, gia đình nhà trai đã làm hai mâm cơm cúng tổ tiên, thổ địa, thần làng. Một điều không thể thiếu trong mỗi đám cưới của người dân tộc Dao đỏ là những câu đối chúc phúc, được họ hàng, người thân của nhà trai chuẩn bị với nội dung cầu mong cho cô dâu, chủ rể được hạnh phúc, sum vầy.
Đám cưới của người Dao đỏ chủ yếu diễn ra ở nhà trai. Nhà gái chỉ tổ chức một bữa cỗ mời họ hàng, bà con làng xóm để tiễn cô dâu về nhà chồng. Điều đặc biệt trong đám cưới người Dao đỏ, nhà trai và chú rể không phải sang đón mà cô dâu cùng đoàn nhà gái sẽ tự về nhà chồng. Trước khi về nhà chồng, cô dâu được làm phép với mong muốn sẽ gặp may mắn, hạnh phúc. Trên đường đi đến nhà trai, cô dâu phải che mặt, bởi người Dao đỏ quan niệm không để mặt trời soi mặt cô dâu vì sợ mất vía, cô dâu sẽ không gặp may trong đời sống sau này.
Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy – chứng nhận văn hóa phi vật thể là Nghệ nhân người dao đỏ, chuyên làm về trang phục cưới chia sẻ: “Đám cưới người Dao đỏ ngày xưa thì chủ yếu diễn ra bên nhà trai, bên nhà gái thì rất là đơn giản, có lợn gà và làm mấy mâm mời anh em, họ hàng của mình thôi. Bây giờ thì mở rộng hơn, nhà gái cũng mời to, giống như bên nhà trai và ngày xưa chỉ có anh, em họ hàng, còn bây giờ thì mời cả bạn bè”.
“Theo tục lệ ngày xưa, đúng lễ nhà trai không phải đi đón dâu, bên nhà gái khắc có trách nhiệm, tìm người làm trưởng đoàn để đưa dâu đến nhà trai, đưa đến cách tầm 100m thì người bên nhà trai mới thổi kèn, đánh trống để đến rước”. Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy cho biết thêm.
Trên trang phục của cô dâu, nhất thiết phải có bạc và nhiều màu sắc như: Màu đỏ thể hiện ánh bình minh rực rỡ, con người luôn hướng về phía mặt trời; màu xanh là của núi rừng, nơi con người sinh sống; màu trắng thể hiện sự trong trắng, thủy chung của người con gái. Mũ áo của cô dâu người Dao đỏ là một tác phẩm độc đáo của sắc màu, thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm độc đáo. Đoàn nhà gái khi đến gần nhà trai, sẽ nghỉ ngơi để cô dâu chỉnh lại trang phục truyền thống và đợi giờ đẹp mới vào nhà trai.
Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy – chứng nhận văn hóa phi vật thể là Nghệ nhân người dao đỏ, chuyên làm về trang phục cưới cho biết, “Trên trang phục cô dâu phải có bạc, vòng cổ, yếm bạc, vòng tai. Khi làm dâu phải có đầy đủ trang sức, quần áo, gia đình không có điều kiện năm hoặc sáu vòng to thì phải đi mượn anh em họ mình cho cô dâu đeo, phải khác hơn người ngoài”.
Khi giờ đẹp đến, đoàn nhà trai sẽ nổi kèn, đánh trống, chiêng và ra đón nhà gái. Sau đó, đội kèn dẫn đoàn về một bãi đất trống gần nhà trai để làm thủ tục kết tình duyên. Tại đây, đoàn nhà gái đứng cạnh nhau để đội kèn trống của nhà trai đi vòng tròn xung quanh và đi hình số tám quanh nhà gái với ý nghĩa chúc đôi bạn trẻ mãi mãi hạnh phúc, chúc nghĩa tình thông gia thêm bền chặt. Trong khi làm các thủ tục đó, nhà trai mời trà, mời rượu bên nhà gái để thể hiện tấm lòng chân thành, quý trọng.
Trước khi vào nhà làm lễ bái đường, cô dâu phải đứng trước cửa gian chính giữa ngôi nhà, mặt quay ra ngoài. Lễ bái đường là phần quan trọng nhất trong đám cưới của người Dao đỏ. Theo phong tục, chú rể sẽ đứng bên trái, cô dâu đứng bên phải, mặt hướng lên bàn thờ, cạnh đó là cụ ông, cụ bà và các bậc bề trên trong nội tộc của gia đình cô dâu, chú rể.
Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy – chứng nhận văn hóa phi vật thể là Nghệ nhân người dao đỏ, chuyên làm về trang phục cưới cho biết, “Làm lễ bái đường, trước khi bước cửa vào nhà, cô dâu phải đến chỗ cửa giữa phải đứng vào đó rồi quay mặt ra phía ngoài để người ta làm lễ. Cô dâu đến cửa giữa nhà, quay đầu ra ngoài người ta làm lễ xong mới bước vào nhà. Trước khi bước vào nhà, phải lên thẳng bàn thờ tổ tiên. Trước kia phải để đến đêm, ăn cơm tối xong thì khoảng tám đến chín giờ tối, hai vợ chồng mới làm lễ bái đường”.
Nghi lễ này mang ý nghĩa cảm ơn ông bà, cha mẹ, các bậc bề trên đã có công sinh thành, nuôi dưỡng, dạy bảo; cảm ơn tổ tiên đã chở che cho con cháu khôn lớn rồi kết thành phu thê. Khi lễ bái đường được thực hiện xong, cô dâu và chú rể mới được tháo khăn, mũ ra để lộ mặt trước họ hàng hai bên và khách mời. Mỗi mâm cỗ mời nhà gái, nhà trai sẽ chọn một người ngồi cùng để lau bát đũa, kiểm tra thức ăn, rót rượu và gắp thức ăn.
Độc đáo kèn trong lễ cưới của người Dao đỏ
Kèn còn gọi là phàn tỵ là một trong những loại nhạc cụ gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người Dao đỏ. Người Dao đỏ chỉ sử dụng kèn trong lễ cưới xin và lễ cấp sắc 12 đèn mà không sử dụng kèn trong các lễ hội, ma chay như nhiều dân tộc khác. Họ quan niệm tiếng kèn là niềm vui, niềm hạnh phúc lứa đôi.
Nếu thiếu đi tiếng kèn, ngày cưới của người Dao đỏ sẽ mất vui. Khi tiếng kèn cất lên, người dân biết hôm nay là ngày vui của gia đình và cũng là ngày vui của cả bản. Tiếng kèn là sự báo hiệu của hạnh phúc lứa đôi. Khi nghe tiếng khèn, trong lòng ai cũng thấy phấn chấn, vui cùng niềm vui của chủ nhà.
Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy – chứng nhận văn hóa phi vật thể là Nghệ nhân người dao đỏ, chuyên làm về trang phục cưới cho biết, “Người Dao đỏ chỉ sử dụng kèn ở hai việc đó là lễ cưới và lễ cấp sắc 12 đèn. Tuy nhiên lễ cấp sắc 12 đèn ngày nay rất ít gia đình tổ chức bởi sự tốn kếm, mất nhiêu thời gian. Vì vậy, mỗi khi tiếng kèn vang lên ai cũng cảm thấy xốn xang, hạnh phúc, nhất là những đôi bạn trẻ. Đây là nét văn hóa rất độc đáo và riêng có của người Dao đỏ. Tiếng kèn là nét văn hóa đặc trưng của Dao mà các dân tộc khác không có được.
Người Dao đỏ có câu: “Sống kèn trống, chết đèn dầu”, điều này cho thấy rõ vai trò của kèn trong đời sống của họ. Vì thế, tiếng kèn trong ngày cưới, ngày hạnh phúc nhất của những chàng trai cô gái Dao, càng thêm phần ý nghĩa. Trong lễ cưới của người Dao đỏ kèn được sử dụng vào từng thời điểm khác nhau. Vì thế điệu thổi cũng phải tương ứng với bối cảnh của nó. Như điệu kèn đầu tiên trong lễ rước dâu được thổi dài hơi hơn với tiết tấu vui nhộn thể hiện được tình cảm quý mến của gia đình nhà trai khi cô dâu cùng đoàn đưa dâu của nhà gái về đến nhà chồng.
Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy – chứng nhận văn hóa phi vật thể là Nghệ nhân người dao đỏ, chuyên làm về trang phục cưới chia sẻ,“Độc đáo trong đám cưới người Dao có thổi kèn, đánh trống, cồng chiêng. Ngày xưa có hai đứa yêu nhau quá, người ta ngăn cấm không cho lấy nhau, hai đứa chạy trốn vào rừng, người ta mới đi tìm, họ nghĩ là chết rồi nên ở nhà người ta vẫn làm ma. Có người đi tìm thì thấy hai đứa vẫn còn sống. Lúc đang làm ma chỉ đánh trống, cồng chiêng thôi. Đến lúc tìm thấy hai đứa chưa chết, quay về rồi thêm thổi kèn và cả dàn nhạc để chuyển từ đám ma sang đám cưới. Ngày xưa người Dao làm đám ma không thổi kèn đâu, chỉ đánh trống và cồng chiêng thôi. Đến khi phấn khởi quá, tìm thấy hai đứa về mới chuyển từ đám ma sang đám cưới”.
Từ tiếng kèn đầu tiên báo hiệu cô dâu về nhà chồng, trong suốt lễ cưới kèn tiếp tục được thổi tám lần nữa với các giai điệu khác nhau như: điệu kèn rước dâu vào nhà chồng ; điệu kèn cô dâu chú dể làm lễ bái đường; điệu cảm ơn tấm lòng cha mẹ hai bên; điệu chào đón khách quý và tiễn đoàn đưa dâu khi kết thúc lễ cưới… Nhưng hay và ý nghĩa hơn cả là điệu thổi dành cho cha mẹ hai bên. Tiếng kèn được thổi với tiết tấu chậm rãi, nghe cảm nhận rõ sự trầm lắng, có chút buồn của người con gái sắp phải xa nơi mình sinh ra, lớn lên để đến nhà chồng. Tiếng kèn này cũng như thay lời cô dâu cảm ơn cha mẹ đã có công sinh thành, nuôi nấng, dạy dỗ con gái để trở thành người vợ hiền dâu thảo khi bước chân về nhà chồng.
Hòa cùng kèn còn có trống, chiêng và chũm chọe. Kèn trong lễ cưới người Dao đỏ được thổi theo giờ ăn trưa, ăn tối, ăn sáng và thổi đón chào khách đến chia vui cùng gia đình. Người ta thường thổi một bài kéo dài năm đến bảy phút.
Kèn có cấu tạo khá đơn giản gồm bốn phần: Miệng kèn, cổ kèn, thân kèn và loa kèn. Trên thân kèn đục bảy lỗ tương đương cho bảy thanh âm cao thấp khi thổi.
Nghệ nhân Triệu Quý Kim, ở thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, người có kinh nghiệm 16 năm thổi kèn cho biết, “Học thổi phạn tỳ không khó, nhưng quan trọng hơn cả người học thổi kèn phải hiểu dược nội dung từng giai điệu, giai điệu đó thổi ở bối cảnh nào, nếu chúng ta thổi không đúng, coi như người đó chưa hiểu về văn hóa sử dụng kèn.Vì vậy người bắt đầu học thổi kèn ngay từ đầu phải phân biệt được giai điệu đó thổi ở bối cảnh nào cho đúng”.
Xã hội ngày một phát triển, cuộc sống của người Dao đỏ cũng có nhiều đổi thay cho phù hợp. Tuy nhiên những gì thuộc về truyền thống, về văn hóa thì người Dao đỏ vẫn giữ gìn. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong đám cưới, lễ cấp sắc của người Dao đỏ, chiếc kèn vẫn là loại nhạc cụ chính. Tiếng kèn chính là niềm mong ước về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi sẽ bền chặt mãi mãi.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường Trưởng khoa Văn hóa - Dân tộc - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ, “Để bảo tồn những giá trị văn hóa như Đám cưới của người Dao đỏ thì Đối với chính quyền địa phương: Cần nâng cao nhận thức cho người Dao về ý nghĩa và cách bảo tồn văn hóa và cần được tuyên truyền thường xuyên để họ tự ý thức về giá trị di sản các nghi lễ trong hôn nhân; Cần kiên trì tuyên truyền, khuyến khích đồng bào lựa chọn đúng hướng, phù hợp với nhu cầu cá nhân, gia đình, cộng đồng nhưng vẫn giữ được bản sắc của các nghi lễ trong hôn nhân”.
“Các ban ngành và đoàn thể ở địa phương cần gia tăng thời lượng tuyên truyền cho lớp trẻ biết trân trọng giá trị di sản các nghi lễ trong hôn nhân do cha ông để lại, bởi họ sẽ là chủ nhân tương lai giữ gìn và phát huy vốn văn hóa; Cần phát huy hơn nữa vai trò các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,… Đặc biệt, cần đưa nội dung tuyên truyền về bảo tồn giá trị hôn nhân truyền thống vào các cuộc sinh hoạt của hội, thôn/ làng; vận động các thành viên các hội, nhất là Hội Người cao tuổi để nhắc nhở con cháu trân trọng, giữ gìn các nghi lễ truyền thống diễn ra trong đám cưới”. Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường Trưởng khoa Văn hóa – Dân tộc TS- Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh.
Ông Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Để nâng cao ý thức của người dân về bảo tồn giá trị văn hóa như đám cưới của người Dao đỏ trên bàn xã. UBND xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến người dân thông các họp thôn, các buổi tọa đàm về văn hóa truyền thống của người Dao đỏ, tập trung tuyên truyền về ý nghĩa của việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Sử dụng các phương tiện truyền thông đa dạng như đài truyền thanh, trang thông tin điện tử xã, các trang mạng xã hội để phổ biến thông tin về đám cưới của người Dao đỏ. Viết bài, ghi hình ảnh, xây dựng video chia sẻ để mọi người hiểu rõ hơn về nét đẹp và giá trị của nghi lễ đám cưới người Dao.
“Tích cực vận động Nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ do xã , huyện tổ chức và sân khấu hóa, trích đoạn các nghi lễ trong đám cưới để giúp người dân có cơ hội trực tiếp trải nghiệm và hiểu sâu hơn về văn hóa của người Dao đỏ. Phối hợp với các đơn vị trường học trên địa bàn xã tổ chức các động ngoại khóa trưng bày những bộ trang phục cô dâu, chú rể truyền thống của người Dao trong đám cưới, đồng thời truyền đạt kiến thức và giáo dục cho thế hệ trẻ, giúp các cháu hiểu và trân trọng giá trị văn hóa của đám cưới của dân tộc mình. Bên cạnh đó xã cũng đã xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn nghệ thuật quần chúng của tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng trình diễn trang phục dân tộc do huyện tổ chức”. Ông Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết thêm.
Đám cưới là một trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Dao đỏ ở Yên Bái, trong đó chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử và giáo dục. Việc bảo tồn những giá trị văn hóa là việc làm cần thiết góp phần làm phong phú những sinh hoạt văn hóa không chỉ riêng ở vùng cao Yên Bái, mà còn đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.