Yên Bái đẩy mạnh ứng dụng khoa học- công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Trong những năm qua, hoạt động ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân, doanh nghiệp.

Cán bộ Trung tâm thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHKT tỉnh kiểm tra mô hình trồng Na Đài Loan và Na Thái Lan tại thôn Tát Diêu, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên

Cán bộ Trung tâm thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHKT tỉnh kiểm tra mô hình trồng Na Đài Loan và Na Thái Lan tại thôn Tát Diêu, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên

Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Yên Bái đã tổ chức triển khai thực hiện 50 nhiệm vụ đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông lâm nghiệp với tổng số kinh phí trên gần 42 tỷ đồng, chiếm 76% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học.

Qua đánh giá, hầu hết, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào phục vụ phát triển sản xuất. Trong quá trình thực hiện đã kịp thời bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh, trong đó ưu tiên các sản phẩm được đánh giá, cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao.

Cùng với đó, các thành tựu khoa học - công nghệ đã được ứng dụng phổ biến trong sản xuất, nhiều giống cây trồng, giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng được ứng dụng vào sản xuất. Đã có 39 giống mới được ứng dụng vào thực tiễn, sản xuất đại trà, góp phần làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong đó, có 26 giống cây trồng, 3 giống cây lâm nghiệp, 1 giống vật nuôi và 9 giống cây dược liệu.

Việc ứng dụng phổ biến các tiến bộ kỹ thuật, máy móc hiện đại, đẩy nhanh cơ giới hóa vừa góp phần giải phóng sức lao động của người nông dân, vừa bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất và giảm tổn thất sau thu hoạch như Chương trình "3 giảm 3 tăng” (3 giảm: giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu; 3 tăng: tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả) và mô hình "công nghệ sinh thái”. Các quy trình công nghệ tiên tiến, các chế phẩm sinh học ưu việt, an toàn ngày càng được sử dụng phổ biến trong bảo quản nông phẩm.

Cùng với đó, trong giai đoạn 2021 - 2023, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt triển khai 17 nhiệm vụ khoa học xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chủ lực, thế mạnh của các địa phương. Đến nay, tỉnh Yên Bái có 44 sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ; trong đó, có 10 chỉ dẫn địa lý, 21 nhãn hiệu chứng nhận và 13 nhãn hiệu tập thể.

Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/304543/yen-bai-day-manh-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-tr111ng-san-xuat-nong-nghiep.aspx