Yên Bái: Để hạnh phúc, người dân phải hài lòng về nhiều mặt
Chỉ số 'hạnh phúc' mà tỉnh Yên Bái đưa vào Nghị quyết Đại hội chính là việc xác định mức độ hài lòng của người dân trên 3 tiêu chí chính: Sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường sống và tuổi thọ trung bình, cùng số năm sống khỏe của người dân…
Có thể thấy, để hạnh phúc, người dân phải hài lòng về nhiều mặt. Từ lẽ đó, để cụ thể hóa Nghị quyết, tỉnh Yên Bái đã ban hành hàng trăm đề án, kế hoạch, bảo đảm phủ kín trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế tới văn hóa, xã hội, môi trường, cho cả vùng thấp và vùng cao, nông thôn, thành thị... Đây là yếu tố quan trọng để triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân. Đây là nội dung bài số 3 cũng là bài cuối của loạt bài “Chỉ số Hạnh phúc” - Thước đo hoạt động cấp ủy Yên Bái”.
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khi nói về quan điểm và cách thức triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX của tỉnh luôn nhắc đi nhắc lại về “chỉ số hạnh phúc”: "Có thể nhắc lại việc đưa Chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và định hướng phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” được coi là điểm mới trong chiến lược phát triển của tỉnh - xuất phát từ nhận định và triết lý riêng của Yên Bái. Đây cũng là việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ, nên tỉnh Yên Bái xác định không cầu toàn mà phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm theo lộ trình và bước đi cụ thể, thận trọng, bài bản từng năm".
Theo nữ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ngay trong những năm đầu của nhiệm kỳ, tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách, phủ kín trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường.... Đặc biệt, đã quan tâm bố trí nguồn lực và ban hành các chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.
Bên cạnh đó, hàng năm, Tỉnh ủy đều ban hành Kế hoạch, theo tinh thần “giao chỉ tiêu, khoán sản phẩm” và “đặt hàng”, phân công cụ thể cho từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị của tỉnh trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, cũng như nâng cao "chỉ số hạnh phúc” cho người dân. Qua đó, từng ngành, từng địa phương phải xác định được các giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; có kết quả, sản phẩm cụ thể thể hiện đặc trưng của mỗi ngành, mỗi địa phương.
Tại huyện Trạm Tấu, ông Giàng A Thào, Bí thư Huyện ủy cho biết, để nâng cao sự hài lòng của người dân về cuộc sống, huyện xác định trước hết phải nâng cao các điều kiện kinh tế, vật chất. Từ quan điểm này, huyện đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để thay đổi tư duy của bà con từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, chuyển dịch mạnh từ sản xuất lấy số lượng, sản lượng làm mục tiêu sang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm… Từ tư duy và cách làm này, đến nay huyện đã xây dựng được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như hơn 610 ha các giống lúa nương đặc sản, hơn 400 ha khoai sọ nương, gần 740 ha cây chè Shan tuyết, hơn 4.600 ha cây sơn tra…
"Từ Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, thủ trưởng các cơ quan, đặc biệt là ở các xã triển khai trực tiếp cho người dân để phát triển kinh tế. Nếu cán bộ tốt, cán bộ làm mạnh, cán bộ giỏi, cán bộ tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và làm theo thì chắc chắn sẽ thành công", Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu khẳng định.
Trong việc nâng cao sự hài lòng của người dân về đời sống xã hội - tinh thần, ngoài quan tâm phát triển, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh...., Yên Bái cũng nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước để đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức. Nhờ đó, năm 2022, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đã xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 10 bậc so với năm trước; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cũng tăng 5 bậc...
Ở các tiêu chí “Nâng cao sự hài lòng của người dân về môi trường sống” và "Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, nâng cao tuổi thọ trung bình của người dân", Yên Bái đã tăng cường việc quản lý tài nguyên khoáng sản, xử lý nước thải, chất thải; quan tâm sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các công trình cấp nước sạch tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ; quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực ngành y tế; bảo đảm mọi người dân được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế...
- Chỉ tiêu về chỉ số hạnh phúc của người dân, qua khảo sát trên phạm vi toàn tỉnh, chỉ số này đều tăng qua các năm, đến năm 2022 là 62,57%, đạt mức 2 (mức Khá hạnh phúc), số này tăng 8,27% so với năm 2020.
- Mục tiêu của Yên Bái là hết năm 2023, đưa chỉ số hạnh phúc của người dân lên 63,3% và phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng 15% so với năm 2020.
Theo ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, để tiếp tục nâng cao "Chỉ số hạnh phúc" cho người dân, không có nhiệm vụ, giải pháp nào nằm ngoài các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong đó, tỉnh sẽ luôn chú ý phát huy tinh thần gương mẫu, tích cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân và các phong trào được phát động tại cơ quan, đơn vị, khu dân cư, để từ đó xây dựng gia đình, khu dân cư, trường học, cơ quan hạnh phúc.
"Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, chúng tôi tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để nâng cao các chỉ số thành phần để góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân. Nhân rộng các mô hình xây dựng chỉ số hạnh phúc mà đã phát huy hiệu quả. Chúng tôi cho rằng, bắt đầu từ những tế bào của xã hội là các gia đình, lớn hơn nữa là cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học… đều cảm thấy hạnh phúc thì sẽ có một tỉnh Yên Bái hạnh phúc".
Ông Đỗ Đức Duy khẳng định, đồng thời cho rằng, trên quan điểm lấy hạnh phúc nhân dân là giá trị cốt lõi, là thước đo của sự phát triển, từ nay đến hết nhiệm kỳ, Yên Bái cũng sẽ tiếp tục thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, rút ra những kinh nghiệm hay, bài học quý để tiếp tục đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng “Tỉnh hạnh phúc”.
Tất cả các nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế, xã hội suy cho cùng đều hướng tới việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trực tiếp góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc người dân theo bộ chỉ số đánh giá Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành. Thế nên dù còn nhiều khó khăn song huyện Mù Căng Chải đã quyết tâm biến những khó khăn thành lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, gắn với giảm nghèo bền vững, ngày càng nâng cao hơn nữa chỉ số hạnh phúc cho nhân dân
Con mong mỗi ngày đều được đến trường để gặp các bạn và cô giáo. Con đến trường cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được các thầy cô giáo giảng dạy cho những kiến thức và yêu thương con
Nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, làm việc đã chia sẻ, động viên Yên Bái rằng Yên Bái có thể không phải là tỉnh giàu nhất, phát triển nhất nhưng có thể là tỉnh hạnh phúc nhất.
Có thể khẳng định, chỉ số hạnh phúc đã thực sự trở thành động lực, nền tảng tinh thần rất quan trọng, thể hiện quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vì mục tiêu “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”