Yên Bái: Đền Thác Bà đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia
Việc Đền Thác Bà được công nhận di tích quốc gia góp phần giúp huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội.
Sáng 30/1 (mùng 9 tháng Giêng), Ủy ban Nhân dân huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái tổ chức lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Đền Thác Bà, khai mạc Lễ hội Đền Thác Bà Xuân Quý Mão 2023.
Tại buổi lễ, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Đền Thác Bà.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Bình Nguyễn Xuân Trường nêu rõ việc Đền Thác Bà được công nhận di tích quốc gia là vinh dự, niềm tự hào đối với toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc cư trú lâu đời ở vùng Thác Bà-sông Chả.
Đây là nguồn động lực to lớn động viên, khích lệ Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình và tỉnh Yên Bái nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện.
Cùng với những di sản văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã được vinh danh, Di tích Quốc gia Đền Thác Bà thuộc Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Thác Bà sẽ là nguồn bổ sung lớn cho kho tàng di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đa dạng hóa các tiềm năng và các sản phẩm về du lịch trong tỉnh, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội tại địa phương.
Đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái. Đền Thác Bà hay còn gọi Đền Mẫu Thác Bà, rộng 1.800m2 nằm trên núi Hoàng Thi ở độ cao 70m so với chân núi, đền quay theo hướng Đông Bắc dựa lưng vào núi, nhìn ra sông Chảy.
Vượt qua 365 bậc đá, đến trước cửa sân đền, phóng tầm mắt ra xa, có thể bao quát toàn cảnh công trình thủy điện đầu tiên của cả nước và ngắm nhìn một vùng trời nước mênh mông, hữu tình của hồ Thác Bà.
Theo dân gian tương truyền, di tích Đền Thác Bà có từ lâu đời, gắn với nghi thức thờ Mẫu - công chúa Minh Đạt, con gái vua Hùng Vương đời thứ 18. Công chúa được cắt cử trông coi vùng sông Chảy Thác Bà, dạy dân khai khẩn đất hoang, trồng lúa, dệt vải. Khi bà mất được nhân dân tôn kính, lập đền thờ phụng tại Thác Bà.
Cảnh sắc thiên nhiên của đền Thác Bà đẹp lung linh huyền ảo, không chỉ đẹp mà nơi đây còn là nơi hội tụ các sắc màu văn hóa đa dạng của 13 dân tộc sinh sống với nhiều lễ hội truyền thống độc đáo của người Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Phù Lá…
Đền Mẫu Thác Bà gắn với địa danh Thác Bà và vùng đất châu thổ sông Chảy, châu Thu Vật xưa phát triển thịnh vượng về kinh tế, văn hóa. Đền thờ mẫu và các vị thần thánh khác.
Ở đây hội tụ mọi hình thái văn hóa dân gian lễ hội phong phú của người Việt Nam, đền được nhân dân khắp vùng phủ Yên Bình xưa, cũng là nơi nhân dân quanh vùng Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái gửi gắm niềm mong ước về cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Đền Mẫu tọa lạc bên hữu ngạn sông Chảy, mặt hướng ra sông theo hướng Đông Đông bắc. Sau nhiều lần tôn tạo, phục dựng nhưng đền vẫn giữ được dáng vẻ cổ xưa. Cảnh quan do con người và tạo hóa đắp đổi, tuy khiêm nhường về mặt vật chất nhưng công trình thực sự vẫn toát lên linh khí của đền xưa chốn cũ với dáng vẻ vừa mộng lại vừa thực, vắng mà không quạnh, lặng mà không đìu hiu, tĩnh động luôn hòa quyện, cổ kính song vẫn hiện đại.
Về kiến trúc, Đền Mẫu Thác Bà gồm có 5 gian đại bái, 3 gian trung cung và 3 gian hậu cung. Chính giữa gian Đại bái là bức cuốn thư “Thác Bà linh từ.”
Ở cung chính tâm: trên cùng thờ Tam Phủ: Đức Ngọc Hoàng, quan Nam Tào (bên phải) quan Bắc Đẩu (bên trái); Tiếp đó là vị trí thờ Ngũ Vị Tôn Ông (Tức 5 ông quan lớn trấn giữ 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc và phương chính giữa) với ông Hoàng Bảy (bên phải) và ông Hoàng Mười (bên trái), hai bên là hai đôi câu đối. Cung bên phải là bàn thờ Ban Trần Triều có tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Cung bên trái thiết lập phủ "Chúa Sơn Lâm" có 2 tượng cô hầu và 12 cô Sơn Trang.
Tại gian giữa “Tứ phủ Chầu bà” thờ 4 chầu cai quản 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc theo đúng tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Gian hậu cung thờ Mẫu Thác Bà và Tam Tòa Thánh Mẫu. Trong đền còn nhiều những hiện vật quý giá mang giá trị lịch sử, văn hóa. Qua các triều đại, đền được 5 lần sắc phong.
Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà được tổ chức vào ngày 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Lễ hội đền Mẫu Thác Bà có 3 lễ hội chính gồm Lễ hội mùa Xuân ngày mùng 9 tháng Giêng; Lễ hội mùa Hè ngày 17/5 (âm lịch); Lễ hội mùa Thu ngày 10/10 (âm lịch), trong đó lễ hội Xuân là lễ hội lớn nhất.
Trong phần lễ, từ đêm ngày mùng 8 tháng Giêng đã có lễ nấu và đánh chè kho nguyên liệu là đỗ xanh ngâm bỏ vỏ, rang lên nấu với mật mía, chè kho được đánh bằng đôi mái chèo nhỏ, đôi trai gái đánh chè theo nhịp điệu chèo thuyền, những người xung quanh hát các bài hò chèo thuyền hoặc vui chơi tâm tình bên bếp lửa ở khu vực đền.
Lễ hội bắt cá để tế lễ, trước kia được tiến hành tại soi Do, thuộc suối Do xã Văn Chính cũ cách đền khoảng 2km, thời gian vào đêm mùng 8 tháng Giêng.
Hình thức bắt dùng phên nứa (khoảng 3 cây nứa băm đan lại) úp mặt trắng vào phía trong, quây thành vùng, cá vào thấy phên nứa trắng tưởng bờ ao luẩn quẩn ở trong, mọi người đốt đuốc sáng rực hò reo, dùng tay hoặc dùng dập (một loại vó con) kéo vây bắt.
Cá được nhốt lại chọn 2 con to, đẹp, ngon nhất vào sáng ngày mùng 9 tháng Giêng cho vào thúng sơn son có nước, rước lên đền để tế sống. Sau đó cá được làm thực phẩm để sinh hoạt ngay tại đền, hoặc xả chia nhau.
Kiệu rước cá là loại kiệu song loan (4 người khiêng), thời gian rước khoảng 7 đến 8 giờ sáng. Lễ chay tế cung mẫu chỉ cúng bằng chè kho. Lễ vật tế cung ngoài (lễ mặn) xôi nếp loại ngon, thịt gà, vịt (không có thịt trâu, bò), thịt lợn được cắt kì cho các gia đình nuôi.
Lễ rước kiệu gồm 3 kiệu: Kiệu hoa, kiệu võng, kiệu bát cống (8 người khiêng), rước mẫu từ đền Thác Bà lên đền Đồng Sủng thuộc xã Văn Chính, cách đền 3 km, sau đó rước lại. Tục rước này hiện nay không còn vì Hồ Thác Bà đã dâng nước, chùa xưa đền cũ không còn. Hát phụ đồng (hầu đồng giáng bút) là màn đặc sắc của các đền thờ mẫu, người lên đồng viết chữ nôm lên mâm gạo, người hầu đồng ghi lại thành bài ca chầu.
Ở phần hội, sau phần lễ nghiêm trang là phần hội của đền Mẫu Thác Bà mang sắc thái của dân bản địa cổ của người Châu Thu Vật xưa của người dân tộc Tày, Kinh, Nùng, Dao, Cao Lan vùng Thác Bà, Sông Chảy như ném còn, đánh yến, chọi gà, vật, hội đánh đu, đua thuyền, đẩy gậy...
Những hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc dân gian đã tạo cho ngày hội của nhân dân vùng hạ lưu sông Chảy thêm sống động và thực sự là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong vùng.
Đền Thác Bà không chỉ mang ý nghĩa của công trình văn hóa tâm linh để nhân dân và khách hành hương trong vùng cùng các tỉnh lân cận đến chiêm bái, cầu bình an mà còn là điểm đến hấp dẫn trong hành trình hướng về miền linh địa và khám phá cảnh quan sinh thái nên thơ và kỳ thú của Hồ Thác Bà.
Đến với lễ hội đền mẫu Thác Bà, du khách sẽ được thưởng thức những nét văn hóa độc đáo của vùng Thác Bà sông Chảy, được nghe những tích sử gắn với truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha, để được về với miền trong xanh thanh tịnh, và để cầu mong một năm nhiều may mắn, hạnh phúc.
Đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà huyện Yên Bình đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh theo quyết định số 701/2004/QĐ-UBND ngày 28/12/2004.
Ngày 18/6/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 1905 công nhận Đền Thác Bà là Di tích Quốc gia thuộc Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quốc gia hồ Thác Bà./.