Yên Bái - Điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư
Yên Bái hiện đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, hấp dẫn,...
Yên Bái - Điểm đến đầu tư hấp dẫn
Yên Bái nằm ở trung tâm của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ (TDMNBB), là trung điểm của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cùng mạng lưới giao thông đa dạng, liên hoàn, kết nối chặt chẽ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và 05 tuyến quốc lộ khác, thuận lợi kết nối giao thương với các trung tâm kinh tế, cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không quốc tế quan trọng.
Tổng diện tích đất tự nhiên là 689.267 ha với tỷ lệ che phủ rừng đạt 63% khiến Yên Bái được coi là “lá phổi xanh” của vùng đồng bằng sông Hồng và Hà Nội, tạo điều kiện thổ nhưỡng phù hợp phát triển các loại cây trồng nông, lâm nghiệp, dược liệu và các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.
Với địa hình tự nhiên cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Khu du lịch danh thắng quốc gia hồ Thác Bà rộng 19.000 ha được ví như "Vịnh Hạ Long trên núi" của Việt Nam; di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải,... cùng nhiều giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Yên Bái sở hữu triển vọng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm và khám phá cộng đồng... 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã đón khoảng 1.000.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, Yên Bái sở hữu tiềm năng phát triển các ngành chế biến khoáng sản với trữ lượng lớn, đa dạng chủng loại như: Đá vôi trắng (2,4 tỷ m3), quặng sắt (200 triệu tấn), vật liệu xây dựng thông thường (450 triệu tấn), đất hiếm,...
Dân số của tỉnh Yên Bái đạt trên 85 vạn người, với khoảng 62% trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 66%, năng suất lao động không ngừng được nâng cao - là một trong những ưu thế lớn của tỉnh trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.
Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, hấp dẫn,... Yên Bái hiện đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nỗ lực đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững
Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỷ 2020-2025 với mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng TDMNBB vào năm 2030, kinh tế - xã hội của Yên Bái năm 2022 tiếp tục duy trì tốc độ đạt 7,86%, đứng thứ 3/14 khu vực TDMNBB. Tốc độ tăng GRDP của tỉnh đạt 8,62%; thu ngân sách đạt trên 4.600 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.
Đến nay, tỉnh Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 612 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 483 triệu USD (87.730 tỷ đồng). Toàn tỉnh có 04 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 966 ha và 15 cụm công nghiệp với tổng diện tích 773 ha đã và đang được quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phục vụ các nhà đầu tư, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp như Vingroup, TH, SunGroup, Eurowindow,…
Bên cạnh đó, Yên Bái đã đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương, đối tác nước ngoài, nhất là với các đối tác Nhật Bản, góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất và hiệu quả.
Tỉnh đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị cấp địa phương với thành phố Mimasaka, tỉnh Okayama từ năm 2019; tiếp tục chủ động tìm kiếm, kết nối với thành phố Meabashi, tỉnh Gunma để tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh của hai địa phương như thương mại, du lịch, sản xuất, chế biến nông lâm sản, đào tạo nghề.
Hiện có 03 dự án “triệu đô” của Nhật Bản đang đầu tư tại Yên Bái, gồm: (i) Dự án đầu tư chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao của Chi nhánh Công ty TNHH Nippon Zoki với tổng vốn đầu tư đăng ký 78.600.000 USD (1.700 tỷ đồng), mục tiêu sản xuất 30.000 thỏ giống/năm; (ii) Dự án xây dựng nhà máy chế biến măng của Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.300.390 USD (30 tỷ đồng). (iii) Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối EREX SAKURA Yên Bái, với tổng vốn đầu tư đăng ký 20.400.000 USD (474 tỷ đồng), dự kiến sản xuất 150.000 tấn viên gỗ nén chất lượng cao/năm và 350.000 tấn sản phẩm dăm gỗ/năm.
Ngoài ra, Yên Bái đang hướng dẫn, hỗ trợ Công ty Cổ phần EREX (Nhật Bản) triển khai dự án sản xuất điện sinh khối trên địa bàn tỉnh với công suất 50MW và tổng vốn đầu tư dự kiến 100 triệu USD.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Nhằm hiện thực hóa 03 đột phá chiến lược và 07 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, thời gian tới, Yên Bái sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực: (1) Công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, công nghiệp hỗ trợ; (2) Nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; phát triển lâm nghiệp bền vững; chế biến sản xuất các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm; (3) Dịch vụ du lịch, y tế, đào tạo, tài chính ngân hàng, vận tải logistics, dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, nông nghiệp; (4) Kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, dịch vụ.
Do đó, tỉnh đặt trọng tâm đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cho các khu, cụm công nghiệp hiện có, song song với cải cách thủ tục hành chính toàn diện trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trên Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia cũng được tăng cường, với quy trình đơn giản, rõ ràng, chính xác, dễ dàng thực hiện để giảm chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, bình đẳng, thông qua thực hiện đồng bộ và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu… và triển khai các dự án đầu tư với tinh thần “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư”.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/yen-bai-diem-den-tiem-nang-cua-cac-nha-dau-tu-245392.html