Yên Bái: Giải phóng mặt bằng - Yếu tố quyết định thành công của các dự án
Những năm gần đây, nhiều công trình dự án trọng điểm, đặc biệt các công trình hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng đã đem lại diện mạo mới cho tỉnh Yên Bái. Để các dự án được triển khai đúng tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng, lợi ích của người dân luôn phải được đặt lên hàng đầu.
Cuối năm 2018, công trình cầu Tuần Quán đã chính thức thông xe kỹ thuật, cùng với các công trình cầu Bách Lẫm, đường Âu Cơ, Quốc lộ 37 tạo thành các trục ngang, kết nối hạ tầng giao thông giữa thành phố Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị thành phố Yên Bái về phía hữu ngạn sông Hồng, tạo đà thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Nhằm phát huy hiệu quả của dự án, UBND tỉnh Yên Bái đã có quyết định bổ sung thêm đoạn tuyến từ đầu cầu Tuần Quán đi nhà máy Sứ với chiều dài trên 1km, bề rộng mặt đường 10,5m, tổng vốn điều chỉnh bổ sung trên 32 tỷ đồng.
Để thi công đoạn tuyến này, thành phố Yên Bái đã phải thu hồi đất của 48 hộ gia đình và tổ chức. Tuy nhiên, với cách làm công khai, dân chủ, minh bạch, tất cả các hộ dân, tổ chức nằm trong diện thu hồi đất để giải phóng mặt bằng đều đồng thuận cao. Ông Nguyễn Đình Thi, tổ 12, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cho biết: “Hệ thống giao thông của tỉnh được đồng bộ chúng tôi càng phấn khởi. Chúng tôi rất cảm ơn tỉnh đã tạo điều kiện xây dựng những con đường, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân”.
Trên quan điểm lợi ích chính đáng đặt người dân lên hàng đầu, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng, lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng các ngành chức năng thường xuyên xuống hiện trường, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, đôn đốc, kiểm tra định kỳ và có chỉ đạo cụ thể, nhằm nhanh chóng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để dự án được triển khai đúng tiến độ.
Tháng 12/2019, công trình cầu Cổ Phúc được khởi công trong niềm vui, phấn khởi của nhân dân địa phương. Chủ trương xây cầu đã có, nguồn vốn được đáp ứng đầy đủ. Thế nhưng, bắt tay vào thực hiện lại không phải chuyện đơn giản. Gần 140 hộ gia đình cùng 3 tổ chức bị thu hồi đất để phục vụ dự án. Hộ mất sân, tường rào, hộ mất ruộng nương, vườn tược, thậm chí nhiều hộ mất cả nhà. Bài toán đặt ra là làm thế nào để công tác giải phóng mặt bằng được nhanh chóng và suôn sẻ.
Xác định những khó khăn sẽ gặp phải, nên ngay từ khi có chủ trương đầu tư của tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Trấn Yên đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, phổ biến tới người dân, những chính sách bồi thường, tái định cư của Nhà nước, thường xuyên tiếp xúc cơ sở, nắm bắt nguyện vọng liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Ông Nguyễn Ngọ Bắc - Chủ tịch UBND thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên cho biết: “Nhân dân rất đồng tình ủng hộ, có những hộ dân còn chưa được ký hồ sơ giải phóng mặt bằng mà đã tự nguyện cho đơn vị thi công chặt cây, tháo dỡ những phần kiến trúc cơ bản để làm sao có được mặt bằng nhanh nhất để đơn vị tiến hành thi công”. Đến nay, cầu Cổ Phúc đã hoàn thành các hạng mục thi công được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, gồm 6 nhịp, dài 400m, rộng 12m, cùng với phần đường dẫn 2 bên đầu cầu đã kết nối các xã hữu ngạn sông Hồng của huyện Trấn Yên với trung tâm huyện, mở ra cơ hội cho địa phương phát triển kinh tế.
Thực tế, đối với nhiều dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái, công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Việc không giải quyết hài hòa giữa bên thu hồi đất và bên bị thu hồi dẫn đến nhiều tiêu cực nảy sinh, làm chậm tiến độ của các dự án. Công khai, minh bạch, tuyên truyền vận động, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân, đó chính là những kinh nghiệm bài học quý trong công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án trên địa bàn tỉnh Yên Bái.