Yên Bái giữ vai trò động lực tăng trưởng của vùng Tây Bắc

Vượt qua nhiều khó khăn, nhất là những thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3 nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP của Yên Bái năm 2024 vẫn dự kiến đạt 7,9% và là năm thứ mười liên tiếp tăng trưởng trên mức 7%.

Yên Bái tích cực tham gia Hội chợ xuất - nhập khẩu hàng hóa tại các thị trường quốc tế nhằm nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. (Ảnh minh họa)

Yên Bái tích cực tham gia Hội chợ xuất - nhập khẩu hàng hóa tại các thị trường quốc tế nhằm nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. (Ảnh minh họa)

Con số đó thể hiện sự phát triển bền vững của tỉnh, khẳng định vai trò động lực tăng trưởng của vùng Tây Bắc. Nổi bật là giá trị sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giá trị xuất khẩu hàng hóa, mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ… đều tăng khá cao so cùng kỳ.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh, đông đảo cử tri bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái. UBND tỉnh, bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Chương trình hành động số 188 của Tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024; các nhiệm vụ của năm đều được triển khai bảo đảm kế hoạch đề ra và đạt kết quả khá tích cực. Dự ước đến hết năm 2024, có 31/32 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó: 15 chỉ tiêu vượt, 16 chỉ tiêu đạt.

Nổi bật, tốc độ tăng trưởng GRDP của Yên Bái bật tăng trở lại sau tác động nặng nề của cơn bão số 3 và ước đạt 7,91%, đứng thứ 7/14 tỉnh trong khu vực, đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đây thực sự là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 107,5% kế hoạch. Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 101,3% kế hoạch. Dự kiến cấp chứng nhận đăng ký thành lập mới 300 doanh nghiệp, bằng 100% kế hoạch; 103 hợp tác xã, bằng 128,8% kế hoạch và 532 tổ hợp tác, bằng 177,3% kế hoạch.

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 100,1% kế hoạch. Điều này khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của Yên Bái, giữ vai trò động lực tăng trưởng của vùng Tây Bắc. Nếu trong tháng 9, do ảnh hưởng cơn bão số 3, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Yên Bái giảm tới 1,5% so với tháng trước nhưng ngay sau bão, nhờ những giải pháp tích cực của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, khu vực công nghiệp hồi phục nhanh, ổn định, tính chung IIP toàn ngành công nghiệp 11 tháng năm 2024, tăng 9,24% so với cùng kỳ năm trước.

Dự tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 11 tháng ước đạt 3.698,7 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện được 2.873 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện được 785 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước cấp xã thực hiện được 40,5 tỷ đồng.

Tiến độ thi công một số công trình dự án, trọng điểm của tỉnh được đẩy nhanh như: Dự án đường nối quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với đường tỉnh 174 (huyện Trạm Tấu). Dự án bao gồm 5 gói thầu xây lắp; trong đó đã thi công hoàn thành 4 gói thầu, hiện đang tổ chức thi công hoàn thiện mặt đường gói thầu số 119 đoạn Km18+325 - Km23+500), giá trị xây lắp thực hiện đến nay ước đạt 311,8 tỷ đồng, bằng 96,4% giá trị hợp đồng.

Đối với hạng mục bổ sung cải tạo, sửa chữa cũ từ ngã ba (điểm kết nối với dự án tại Km19+253,5m) đến trụ sở UBND xã Làng Nhì đã thực hiện hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công xây dựng từ ngày 3/10/2024. Dự án đường nối quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai (IC14): gồm 2 gói thầu xây lắp, trong đó gói thầu số 14 (đoạn từ Km5 - Km11+800) và Khu tái định cư số 02 và số 03 đang tổ chức thi công nền đường, công trình thoát nước; giá trị thực hiện đến nay ước đạt là 36 tỷ đồng, bằng 8,9% giá trị hợp đồng; gói thầu số 13 (đoạn Km0 - Km5 và khu tái định cư số 01) đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất, hiện đang tiến hành thi công nền đường, công trình thoát nước.

Dự án nút giao IC13 cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Hiện nay, phần đường dẫn (đường nối tỉnh lộ 163 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai) đang triển khai thi công nền, mặt đường, công trình thoát nước, giá trị xây lắp thực hiện đến nay ước đạt 70,1 tỷ đồng; phần nút giao đang triển khai thi công nền, móng đường các nhánh lên, xuống cao tốc, hệ thống đèn chiếu sáng, cáp ngầm; giá trị xây lắp đến nay ước thực hiện đạt 68,9% giá trị hợp đồng.

Không chỉ tiếp tục giữ đà tăng trưởng Yên Bái còn không ngừng thúc đẩy xúc tiến đầu tư. Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã tập trung đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư. Để mở ra không gian phát triển mới, Yên Bái đã tăng tốc, tạo đột phá trong đầu tư các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội lớn.

Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, giúp cải thiện đáng kể khả năng kết nối của tỉnh với các khu vực kinh tế trọng điểm khác trong cả nước. Hạ tầng công nghiệp cũng được tỉnh chú trọng, chuẩn bị sẵn sàng để cung ứng cho nhà đầu tư. Hạ tầng điện, nước sạch, xử lý nước thải, các công trình phục vụ đời sống sinh hoạt, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe người dân bản địa, các doanh nghiệp, du khách đến sinh sống, làm việc, tham quan, du lịch tại tỉnh cũng được quan tâm đầu tư.

Đồng thời, tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết các thủ tục đầu tư, xây dựng cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất… Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn BB Group, Tổng Công ty Viglacera, Flamingo Holding Group, Tập đoàn Erex Nhật Bản đã và đang quan tâm đầu tư vào tỉnh như: Dự án Nhà máy điện sinh khối Yên Bái 1 vốn đầu tư 118 triệu USD; Dự án Xây dựng cảng BBCIM Yên Bái với tổng mức đầu tư 713 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Phú Thịnh 3 với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng; Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến quế tại Văn Yên có tổng vốn đầu tư 286 tỷ đồng… Các dự án đã tạo động lực lan tỏa thu hút đầu tư, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm mới và thu nhập cho người lao động trên địa bàn.

2025 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), yêu cầu đặt ra cho Yên Bái không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn phải bứt phá mạnh hơn. Vì vậy, tỉnh cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch cho phù hợp quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời, triển khai các giải pháp và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, đối tác, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... duy trì và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hoạt động "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”, Chương trình "Cà phê doanh nhân”; đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ, trọng tâm là đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, đặc biệt là đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, khoáng sản, chuyển mục đích sử dụng đất...

Quang Thiều

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/343925/yen-bai-giu-vai-tro-dong-luc-tang-truong-cua-vung-tay-bac.aspx