Yên Bái: Hội thảo Quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo mô hình kinh tế tuần hoàn
Dưới góc độ của kinh tế tuần hoàn, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ra không được xem là một loại vật liệu bỏ đi mà chúng là nguyên liệu dùng cho việc sản xuất, chế biến ra các sản phẩm khác có giá trị cao hơn.
Sáng 12/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tổ chức Hội thảo khoa học Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) theo mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH).
Trong những năm gần đây, tỉnh Yên Bái hết sức quan tâm đến vấn đề xử lý CTRSH. Số lượng các nhà máy xử lý hoặc chế biến rác thải sinh hoạt tăng lên nhưng hiện trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện nhiều; việc quản lý CTRSH vẫn là một bài toán hết sức nan giải.
Ước tính mỗi ngày toàn tỉnh có khoảng 430-450 tấn CTRSH thải ra môi trường, trong đó có khoảng 120 -130 tấn của thành phố và một số địa bàn thuộc huyện Yên Bình, Trấn Yên được thu gom về xử lý tại nhà máy xử lý rác của Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành. Lượng rác còn lại được thu gom về xử lý tại hơn 20 bãi chôn lấp và 1 lò đốt; những nơi xa chưa thu gom xử lý tập trung được thì xử lý tại chỗ trong khuôn viên hộ gia đình theo hướng dẫn song rất khó quản lý.
Nhiều bãi rác ở các huyện vùng cao thực chất mới chỉ là nơi chứa rác thải, chưa coi trọng việc xử lý. Ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất, sinh hoạt chưa cao, nhất là việc phân loại rác tại nguồn. Nhiều rác thải từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất như túi nilon, chai nhựa, thủy tinh ngày càng nhiều, khó phân hủy và không được thu gom.
Tại Hội thảo, các trí thức, nhà khoa học đã trao đổi, đánh giá thực trạng công tác quản lý, giám sát, quy hoạch, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; những khó khăn, vướng mắc, hạn chế còn tồn tại, từ đó, đề xuất giải pháp quản lý CTRSH trong thời gian tới.
Tiến sỹ Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã cung cấp các thông tin hữu ích về sự cần thiết phải quản lý CTRSH theo mô hình KTTH và những giải pháp thực hiện.
Theo đó, dưới góc độ của KTTH, CTRSH phát sinh ra không được xem là một loại vật liệu bỏ đi mà chúng là nguyên liệu dùng cho việc sản xuất, chế biến ra các sản phẩm khác có giá trị cao hơn. Để tạo ra giá trị từ chất thải trong nền KTTH, chất thải được phân chia làm 4 loại: tài nguyên bị lãng phí (không thể tái tạo), công suất bị lãng phí (không sử dụng công suất hết trong suốt thời gian sử dụng); vòng đời bị lãng phí (hết hạn sử dụng sớm); giá trị ẩn bị lãng phí (không được thu hồi từ các dòng chất thải).
16 mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH gắn với KTTH cũng được phân tích, giới thiệu từ đó, đề xuất 11 giải pháp phát triển mô hình KTTH trong quản lý CTRSH có mối quan hệ bổ sung cho nhau tạo thành hệ thống thống nhất cho ngành, địa phương, đơn vị và cá nhân: tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức; điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ thiên nhiên; xây dựng lối sống xanh; xây dựng, khuyến khích xây dựng mô hình kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và KTTH…
Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, cung cấp các luận cứ khoa học thiết thực cho mục tiêu phát triển "xanh" trong triết lý "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc" của tỉnh Yên Bái.