Yên Bái hướng tới mục tiêu 500 tỷ đồng giá trị sản xuất vụ đông
Sản xuất vụ đông được coi là mắt xích quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người nông dân. Vụ đông năm 2023, toàn tỉnh Yên Bái phấn đấu đưa vào gieo trồng trên 9.700 ha cây trồng vụ đông các loại, giá trị sản phẩm đạt khoảng 500 tỷ đồng.
>> Yên Bái hăng say sản xuất vụ xuân
Nhiều năm qua, vụ đông được coi là vụ sản xuất chính trong năm của nhiều địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông năm 2022, toàn tỉnh đưa vào gieo trồng được trên 10.602 ha cây vụ đông, sản lượng đạt 69.841 tấn, tăng 845 tấn so với vụ đông năm 2021. Tổng giá trị sản xuất cây vụ đông đạt khoảng 545 tỷ đồng, trung bình mỗi hec-ta trồng cây vụ đông đạt 51 triệu đồng. Nhiều địa phương thực hiện tốt phong trào sản xuất cây vụ đông, đặc biệt là trồng cây ngô đông trên đất hai vụ lúa như: Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Văn Yên, thành phố Yên Bái.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đẩy mạnh sản xuất tập trung có liên kết sản xuất chuỗi thông qua vai trò của hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ.
Điển hình mô hình trồng giống rau cải mầm đá tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải do Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải triển khai thực hiện theo hình thức liên kết sản xuất với các hộ dân từ khâu sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Vụ đông năm 2022, HTX này đã đưa vào sản xuất 10 ha rau cải mầm đá với số vốn đầu tư 150 triệu đồng/ha, năng suất đạt 30 tấn/ha, sản lượng trên 300 tấn rau thương phẩm, bán với giá 20.000 -30.000 đồng/kg, doanh thu khoảng trên 600 triệu đồng/ha. Toàn bộ sản phẩm được bán tại các siêu thị, các trường học tại khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Mô hình đạt giá trị kinh tế cao gấp từ 10 - 15 lần so với trồng lúa và mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Hiệu quả từ sản xuất vụ đông đã thấy rõ, tuy nhiên, tại nhiều địa phương, diện tích sản xuất vụ đông giảm dần qua các năm; đặc biệt là ngô đông trên đất 2 vụ lúa.
Nguyên nhân một phần do thời tiết diễn biến bất thường làm cho lúa vụ mùa sớm kéo dài thời gian sinh trưởng không kịp trồng ngô vì vậy diện tích trồng ngô đông trên đất ruộng 2 vụ lúa giảm dần. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt lao động trẻ nên việc sản xuất vụ đông với yêu cầu khẩn trương để đảm bảo thời vụ gieo trồng bị ảnh hưởng, khó thực hiện.
Tại nhiều địa phương cũng chưa có sự hợp tác liên kết thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và HTX cho cây trồng vụ đông. Vì vậy, nhiều sản phẩm trong vụ đông, nhất là những vụ đông được mùa không thể tránh khỏi tình trạng ế thừa, khó tiêu thụ, thậm chí kêu gọi "giải cứu".
Theo kế hoạch, vụ đông năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 9.739 ha, trong đó diện tích trên đất 2 vụ lúa đạt trên 5.500 ha, giá trị sản phẩm đạt khoảng 500 tỷ đồng.
Ông Phạm Đình Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Với định hướng phát triển sản xuất vụ đông theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững. Tỉnh tiếp tục xác định vụ đông là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của tỉnh, của địa phương và ngành nông nghiệp cho năm tiếp theo.
Vì vậy, các địa phương cần xác định rõ đối tượng cây trồng, cơ cấu giống cần tập trung phát triển, mở rộng diện tích gieo trồng, các biện pháp kỹ thuật, chế biến phù hợp để tập trung chỉ đạo. Nhóm cây chủ lực trong sản xuất vụ đông trên địa bàn vẫn là: ngô, khoai lang, khoai tây, rau các loại.
Trong đó, ngô vẫn được xem như cây chủ lực của sản xuất vụ đông, phục vụ mục tiêu tăng sản lượng lương thực có hạt và sản xuất ngô sinh khối bổ sung thức ăn cho đại gia súc. Tuy nhiên, để sản xuất vụ đông đạt giá trị cao các địa phương cần dự báo được nhu cầu tiêu thụ của thị trường để quyết định gieo trồng cây gì, nhiều hay ít, tránh tình trạng ế thừa mất giá, khó tiêu thụ.
Để bảo đảm vụ sản xuất này mang lại giá trị cao, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong tìm kiếm, làm cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất theo chuỗi giá trị.