Yên Bái ngăn chặn khai thác đá cảnh trái phép ở Suối Lóp
Tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán đá cảnh, đá mỹ nghệ trái phép ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã diễn ra khoảng chục năm nay.
Tuy nhiên, thời gian gần đây do nhu cầu thị trường tiêu thụ loại đá này tăng lên đã khiến tình trạng khai thác “nóng” trở lại, làm nhiều khu vực ở thôn Suối Lóp bị cày xới nham nhở....
Thôn Suối Lóp, xã Suối Giàng cách trung tâm huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái khoảng hơn 10 km đường đèo. Ngay đầu thôn, ngọn núi đá lớn đã bị xẻ từ trên đỉnh dọc xuống đến mặt đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.
Vào sâu hơn, nhiều điểm khai thác đá cảnh nham nhở lộ thiên, hai bên đường các khối đá lớn nhỏ được tập kết để vận chuyển xuống núi tiêu thụ. Nhiều máy xúc, khoan, cắt… được huy động để phục vụ cho khai thác, vận chuyển đá.
Hiện, con đường bê tông nhỏ đi lại của bà con thôn Suối Lóp nhiều đoạn bị bong tróc, vỡ nát vì tình trạng khai thác rầm rộ.
Phía dưới chân núi là xã Sơn Thịnh hiện cũng hình thành hàng chục cơ sở, hộ gia đình mua bán, chế tác các sản phẩm đá thủ công mỹ nghệ như: Sập đá, bàn ghế, tranh đá phong thủy, đá linh vật…theo nhu cầu thị trường, với giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng.
Ông Sổng A Nủ, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết: Việc khai thác, vận chuyển, buôn bán đá cảnh Suối Giàng đã xảy ra từ hơn 10 năm trước. Bà con người Mông Suối Lóp làm thì ít, người dân xã khác đến khai thác thì nhiều dẫn đến khó quản lý.
“Việc khai thác này thì bà con ở đây, chủ yếu là người Mông khai thác để mua gạo và muối mắm cho gia đình thôi. Còn khai thác lớn bằng máy xúc, máy cẩu thì anh em ở dưới Sơn Thịnh lên. Nói chung là chúng tôi có kiểm tra, nhắc nhở dừng lại không làm, nhưng sau đó qua một hai ngày, người ta đào bới làm lại, cho nên việc quản lý rất khó...”, ông Sổng A Nủ nói.
Khu vực có đá cảnh, đá mỹ nghệ ở Suối Giàng diện tích trên 1.200 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn Suối Lóp. Hiện đã có 930ha được Bộ Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch, triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản với trữ lượng khoảng hơn 2,7 triệu m3.
Đa số diện tích này nằm trên diện tích nương rẫy của bà con địa phương. Do khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng và số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ký quỹ bảo vệ môi trường nên việc triển khai hoạt động khoáng sản với quy mô công nghiệp tại đây chưa được thực hiện.
Trước tình hình khai thác, vận chuyển đá cảnh trái phép “nóng” trở lại, UBND huyện Văn Chấn đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các hoạt động khai thác đá trái phép. Đồng thời tổ chức kiểm kê, thu giữ toàn bộ số lượng đá tại hiện trường để thực hiện bán đấu giá theo quy định.
Huyện Văn Chấn cũng bố trí lực lượng trực 24/24h tại con đường độc đạo vào thôn và tuyên truyền, yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân thực hiện cam kết không khai thác, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Ông Mai Mộng Tuân, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết: "Qua tuyên truyền vận động và một số biện pháp nhưng người dân chấp hành chưa được tốt. Đợt này, chúng chúng tôi quyết chấm dứt hoạt động khai thác cũng như là bày bán đá cảnh Suối Giàng trái phép trên địa bàn huyện. Cụ thể, huyện đã thu giữ toàn bộ lượng đá trái phép; thứ hai tiến hành rà soát tất cả các cửa hàng liên quan đến đá cảnh Suối Giàng. Kiểm tra các cửa hàng, cơ sở nếu có hồ sơ hợp lý về thanh lý đá Suối Giàng để chế tác thì cho bán, còn những cái nào không có hồ sơ hợp pháp sẽ có biện pháp thu giữ lại đá".
Để quản lý, bảo vệ tốt tài nguyên chưa khai thác, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã yêu cầu huyện Văn Chấn kiên quyết ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác đá trái phép tại xã Suối Giàng.
Chủ tịch UBND huyện sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không kiên quyết xử lý dứt điểm.
Một số hình ảnh phóng viên VOV ghi lại từ hiện trường:
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/yen-bai-ngan-chan-khai-thac-da-canh-trai-phep-o-suoi-lop-985603.vov