Yên Bái: Người dân vùng sạt lở dỡ khung nhà chuẩn bị di dời dù chưa có khu tái định cư

Sau lũ lụt, nhiều người dân tại xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái quay lại khu vực sạt lở để dỡ khung nhà. Dù chưa biết sẽ ở đâu nhưng họ vẫn mong muốn dựng lại chính khung nhà của mình trên mảnh đất mới.

Toàn bộ thợ đều là người dân trong thôn hỗ trợ lẫn nhau, không ai lấy tiền công.

Toàn bộ thợ đều là người dân trong thôn hỗ trợ lẫn nhau, không ai lấy tiền công.

Chiều ngày 14/9, một đội thợ gồm khoảng 15 người tới dỡ nhà ông Triệu Văn Thanh (78 tuổi), người Dao. Nhà ông nằm trong khu vực sạt lở không thể quay lại định cư.

Nằm trên dẻo đất này là ba căn nhà của các con trai ông Thanh. Ông ở với nhà con trai giữa.

Đêm ngày 10/9, sau khi nghe một tiếng nổ lớn, ông phát hiện bếp nhà mình có một đường nứt dài. Trên sàn nhà, vườn tược các vết nứt liên tục xuất hiện. “Lên khảo sát quả đồi kia thì thấy nứt nhiều quá. Phải chuyển dứt điểm đi!” - ông Thanh kể lại.

 Vết nứt dài xuất hiện vào đêm ngày 10/9 trên nền nhà ông Thanh.

Vết nứt dài xuất hiện vào đêm ngày 10/9 trên nền nhà ông Thanh.

 Người nhà ông Thanh kiểm tra vết nứt sâu 50cm, dài hàng chục mét trên sườn đồi sát nhà.

Người nhà ông Thanh kiểm tra vết nứt sâu 50cm, dài hàng chục mét trên sườn đồi sát nhà.

 Vết nứt sâu 50cm, dài hàng chục mét.

Vết nứt sâu 50cm, dài hàng chục mét.

Sáng ngày 11/9, đại gia đình 3 thế hệ mặc áo mưa, di chuyển xuống khu vực Ủy ban xã. Người đi bộ, người đi xe. Trời mưa tầm tã. Ông Thanh là người lớn tuổi nhất trong nhà, còn cháu trai ông mới 1 tuổi.

Sau một đêm mưa lớn, ngôi nhà đã trở thành địa chỉ cũ của 15 người.

Gia đình ông Thanh ở trên mảnh đất này từ năm 1962. Tự tay ông đã dựng lên 4 khung nhà. Đây là chiếc cuối cùng. “Tiếc lắm chứ. Ngày xưa hươu nai nó còn ở đấy, gà cỏ nó còn ở đấy. Làm gì mà biết sợ chị ơi! Ở 3 đời chưa từng thấy lở như thế này” - ông Thanh nói.

 Ông Thanh phải di dời khỏi mảnh đất đã sinh sống 62 năm.

Ông Thanh phải di dời khỏi mảnh đất đã sinh sống 62 năm.

Ông Thanh được bầu là Người uy tín của thôn trong nhiều năm. Đây là một lực lượng quần chúng đặc biệt tại cộng đồng dân tộc thiểu số. Ba tháng trước, gia đình ông vừa mới thoát nghèo.

“Lũ lụt ban đầu chỉ bên khu Khe Bín thôi. Lúc bấy giờ tôi vẫn còn ung dung. Tôi có mấy triệu trong túi để làm công tác từ thiện cơ mà. Một gia đình mất người thì cho một triệu, còn ba gia đình mất trắng, chỉ còn người không, cũng cho một triệu. Đấy là tiền tiết kiệm của tôi. Tôi có lương hưu mà” - Mỗi tháng, ông Thanh để dành 1 triệu trong 3 triệu tiền lương nhận được.

 Vụ sạt lở đã san bằng 3 căn nhà và khiến hai người chết tại thôn Khe Bín.

Vụ sạt lở đã san bằng 3 căn nhà và khiến hai người chết tại thôn Khe Bín.

“Bây giờ quay lại thì nhà mình lại bị như vậy” - ông nói - “Mưa 3 ngày, 3 đêm, nhà tôi không xiên xẹo gì thì tôi kiên quyết không chuyển đi. Nhưng sang hôm 11 thì trong nhà rạn nứt nhiều chỗ. Tới đêm qua thì xiêu nhiều rồi”.

Với tình hình địa chất hiện tại, gia đình 15 khẩu nhà ông Thanh sẽ không còn hy vọng trở lại. “Muốn quay lại nhưng mà chắc không được. Bên kia có 3 quả đồi mà nó bóc nhẵn đi cơ. 3 nhà bên đấy là mất trắng không lấy được cái gì ra” - giọng ông nhỏ lại.

 Ban thờ là nơi được dỡ sau cùng trong nhà.

Ban thờ là nơi được dỡ sau cùng trong nhà.

Ông Thanh cũng chưa biết nhà mình sẽ tái định cư ở đâu. Ngoài căn nhà đang dỡ, ông có một thửa ruộng còn lành lặn: “Hoàn cảnh mình như thế thì mai đây sẽ xin xã cho thành nhà ở”.

Tuy nhiên nếu không được sắp xếp tái định cư sớm, khung nhà gỗ của ông Thanh sẽ hư hỏng. Từ kinh nghiệm dựng 4 khung nhà, ông nói: “Nếu có chỗ còn để được một hai tháng, nó còn đảm bảo. Chứ để kéo dài hàng năm thì gỗ cũng hỏng”.

Người dân đánh dấu thứ tự từng ván nhà theo mã số La Mã.

Người dân đánh dấu thứ tự từng ván nhà theo mã số La Mã.

Ông Thanh không phải là trường hợp duy nhất cần dỡ nhà. Đại gia đình ông là 3 trong hơn 50 hộ gia đình cần di dời khỏi khu vực sạt lở tại xã Tân Phượng.

Tuy nhiên ông may mắn vì có một thửa ruộng an toàn và có thể chuyển đổi thành đất ở. Còn phần lớn các hộ sẽ hoàn toàn phải trông chờ vào quỹ đất tái định cư của xã.

“Sức của con người mình, thiên nhiên làm cho mình cũng phải chịu thôi. Không biết làm thế nào cả. Bây giờ khóc, nước mắt không giải quyết được vấn đề gì cả, chị ạ. Nhà mới thoát nghèo được 3 tháng, nhìn cũng xót lắm nhưng cứ nhắm mắt lấy buồn làm vui thôi” - ông Thanh chỉ vào một khoảng đen - nơi từng có ánh điện sáng trong sân nhà ông.

Bão Yagi đổ bộ, Tân Phượng là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại huyên Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Tính tới thời điểm hiện tại, thiệt hại về người gồm: 2 người chết, 10 nhà vùi lấp và 56 hộ phải di dời. Cơn bão đã định vị toàn bộ lại vị trí của thôn Khe Bín trên bản đồ xã Tân Phượng với phần lớn hộ phải di dời vĩnh viễn. Ông Nông Minh Tuấn, Chủ tịch xã Tân Phượng cho biết, hiện tại xã đang khảo sát hai điểm tái định cư cho khoảng 50 hộ, thiếu gần 20 hộ. Tuy nhiên quỹ đất và kinh phí giải phóng mặt bằng vẫn là một vấn đề nan giải trong khi thời gian rất cấp bách. "Xã đặt mục tiêu 10 - 20 ngày nữa thì tái định cư được đợt đầu tiên" - ông Tuấn nói.

THI UYÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/yen-bai-nguoi-dan-vung-sat-lo-do-khung-nha-chuan-bi-di-doi-du-chua-co-khu-tai-dinh-cu-post830947.html