Yên Bái nỗ lực giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng
Những năm gần đây, các địa phương, ngành chức năng trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, góp phần xây dựng xã hội văn minh, an toàn.
Người sau khi chấp hành xong án phạt tù thường gặp nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) do sự kỳ thị, xa lánh của xã hội, thiếu việc làm, nhà ở... Điều này có thể dẫn đến nguy cơ tái phạm tội cao.
Ông Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Hàng năm, Sở đều chỉ đạo các cơ sở cai nghiện ma túy, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố, các đơn vị liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ cho vay vốn đào tạo nghề, tạo việc làm, trợ giúp xã hội cho người lao động và người chấp hành xong án phạt tù.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan Công an tỉnh để cung cấp số liệu thống kê số người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm, làm cơ sở tham mưu báo cáo UBND tỉnh bổ sung đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn học nghề, tạo việc làm từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; đề xuất lồng ghép nguồn lực của các chương trình, đề án có liên quan để tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù”.
Năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức 9 hội nghị tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho 528 người chấp hành xong án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và người được đặc xá; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho 15 hộ gia đình có người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù tại 6 huyện vay tổng số tiền 1.140 triệu đồng để phát triển kinh tế (trong đó: huyện Văn Chấn cho vay 1 hộ, 100 triệu đồng; huyện Văn Yên cho vay 2 hộ, 180 triệu đồng; huyện Yên Bình cho vay 6 hộ, 330 triệu đồng; huyện Trấn Yên cho vay 2 hộ, 190 triệu đồng; huyện Lục Yên cho vay 3 hộ, 250 triệu đồng; huyện Trạm Tấu cho vay 1 hộ, 90 triệu đồng).
Anh Nguyễn Văn T. (huyện Yên Bình) - người vừa chấp hành xong án phạt tù bày tỏ: "Tôi rất xúc động vì đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và ngành chức năng. Vừa qua, gia đình tôi được vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi, sản xuất. Tôi rất phấn khởi và tự hứa với bản thân sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ công giúp đỡ của gia đình, cộng đồng và xã hội. Tôi hy vọng, công việc làm ăn sẽ thuận lợi, phát triển để có điều kiện chăm lo cho con cái học hành và xây dựng được nhà cửa khang trang”.
Cùng những hoạt động hỗ trợ thiết thực, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh còn tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cho người chấp hành xong án phạt tù về ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng sống; hỗ trợ đào tạo nghề cho người chấp hành xong án phạt tù để họ có đủ kỹ năng tìm kiếm việc làm; hỗ trợ làm nhà ở cho người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời, tăng cường giám sát, quản lý người chấp hành xong án phạt tù để kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của họ; phối hợp với cơ quan chức năng để quản lý người chấp hành xong án phạt tù có nguy cơ cao tái phạm tội; hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao để hòa nhập cộng đồng; chăm sóc sức khỏe cho người chấp hành xong án phạt tù, đặc biệt là những người có bệnh tật, khuyết tật. Một trong những địa phương đã làm tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương THNCĐ trong thời gian qua là thị xã Nghĩa Lộ. Giai đoạn 2019 - 2024, toàn thị xã có 720 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
Để giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù, UBND thị xã đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã giúp đỡ hàng chục người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn phát triển sản xuất, đồng thời tổ chức các hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho gần 300 người chấp hành xong án phạt tù và thực hiện 83 cuộc giám sát đối với việc triển khai chính sách giúp đỡ chấp hành xong án phạt tù.
Nhờ những nỗ lực của chính quyền và ngành chức năng, công tác bảo đảm THNCĐ đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ tái phạm tội của người sau khi chấp hành xong án phạt tù đã giảm đáng kể. Nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt tù đã hòa nhập tốt với cộng đồng và trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc.