Yên Bái quan tâm giáo dục 'đền ơn đáp nghĩa' trong nhà trường
Những năm gần đây, việc giáo dục 'đền ơn đáp nghĩa' đã trở thành một hoạt động được triển khai mạnh mẽ tại các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái, góp phần tạo nên những thay đổi rõ rệt từ nhận thức đến hành động của học sinh.
Tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái, cô giáo Nguyễn Thị Thu - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Chúng tôi xác định việc giáo dục "đền ơn đáp nghĩa” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Nhà trường tạo mọi điều kiện cho học sinh được tiếp cận và tham gia các hoạt động liên quan, như tìm hiểu về truyền thống và ý nghĩa của việc đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, chăm sóc những người có công với cách mạng, tham gia các sự kiện nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các ngày lễ, tết của đất nước”.
Vào dịp tháng 7, nhà trường tổ chức cho học sinh dọn dẹp, tu sửa và thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái; thăm hỏi gia đình cán bộ, giáo viên là thân nhân người có công với cách mạng; phối hợp với UBND phường Yên Thịnh thăm và tặng quà gia đình người có công, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn phường.
Mỗi dịp tổ chức thăm gia đình người có công, nhà trường đều tổ chức cho các em học sinh đi cùng với các thầy cô, qua đó giáo dục các em truyền thống yêu nước, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc… Đặc biệt, nhà trường hiện có 18 câu lạc bộ, vào các dịp lễ, tết, kỷ niệm của đất nước, các câu lạc bộ đều chủ động xây dựng kế hoạch quyên góp, gây quỹ tặng quà gia đình người có công với cách mạng.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu chia sẻ thêm: "Chúng tôi rất vui mừng khi thấy sự nhiệt tình, trách nhiệm của các em học sinh. Các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa” không chỉ giúp các em hiểu rõ hơn về truyền thống của dân tộc, mà còn nuôi dưỡng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp như lòng biết ơn, sự hy sinh vì cộng đồng. Từ đó, các em càng có ý thức rèn luyện bản thân, trở thành những công dân tốt, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước”.
Với sự hướng dẫn của các thầy cô, học sinh Yên Bái đã có những hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, về những hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha ông. Từ đó, các em càng trân trọng và tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước.
Không chỉ nâng cao kiến thức lịch sử, các hoạt động này còn góp phần hình thành ý thức trách nhiệm, tinh thần yêu nước, lòng biết ơn và sự trân trọng đối với các anh hùng, liệt sĩ trong lòng học sinh. Trong những năm qua, các hoạt động liên quan đến hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" trong các trường học trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ phía học sinh. Nhiều em đã tự nguyện tham gia các chuyến thăm hỏi những gia đình chính sách, các Mẹ Việt Nam Anh hùng trong khu vực.
Một số em còn chủ động lên kế hoạch và vận động bạn bè cùng tham gia các hoạt động từ thiện, quyên góp ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh hoạt động giáo dục đền ơn đáp nghĩa trong trường học. Các hoạt động như: tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tham quan, tìm hiểu về các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách; tổ chức các ngày hội, các cuộc thi về lịch sử, truyền thống dân tộc; phát động các phong trào quyên góp ủng hộ, chăm sóc những hoàn cảnh khó khăn... đều được triển khai thường xuyên trong các nhà trường.
Các thầy cô giáo xác định việc giáo dục đền ơn đáp nghĩa là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục toàn diện đối với học sinh. Đây không chỉ là cách để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mà còn là một trong những biện pháp quan trọng để bồi dưỡng những phẩm chất, giá trị nhân văn cho học sinh - những công dân tương lai của đất nước.
Với những nỗ lực của ngành giáo dục Yên Bái, cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã trở thành những điểm sáng trong việc triển khai hiệu quả mô hình giáo dục "đền ơn đáp nghĩa”. Đây chính là những hạt giống tốt đẹp, góp phần đào tạo ra những thế hệ công dân có ý thức, trách nhiệm, tình yêu quê hương, đất nước.