Yên Bái tăng cường nguồn lực phát triển hệ thống y tế vùng cao

Những năm gần đây, ngành y tế Yên Bái đã triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án nhằm nâng cao năng lực cán bộ y tế, đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất cho tuyến huyện, đặc biệt là 2 địa phương Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này.

Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hồng Vân (áo trắng thứ 3 từ phải sang) cùng Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương kiểm tra công tác y tế tại thôn Đá Cứng, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên.

Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hồng Vân (áo trắng thứ 3 từ phải sang) cùng Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương kiểm tra công tác y tế tại thôn Đá Cứng, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên.

P.V: Thưa đồng chí, những năm qua, ngành đã triển khai các đề án, chương trình nhằm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho tuyến huyện, xã, nhất là ở 2 huyện vùng cao như thế nào?

Đồng chí Lê Thị Hồng Vân : Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách phát triển sự nghiệp y tế, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Việc triển khai các đề án, dự án, chương trình cùng với đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị khang trang, đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân, yêu cầu tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Riêng 2 huyện vùng cao, Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu được đầu tư xây mới khang trang và đưa vào hoạt động từ năm 2016; nâng cấp, mở rộng, sửa chữa Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải năm 2019. Cùng đó, các trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực đã được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị từ nguồn ngân sách tỉnh, các dự án.

P.V: Thực tế cho thấy, việc đầu tư mang tính đồng bộ và căn bản. Giai đoạn tới đây, ngành có tham mưu với tỉnh những giải pháp gì để người dân vùng cao được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Thị Hồng Vân : Nhờ quá trình đầu tư đồng bộ và căn bản, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện đã được xây mới, cải tạo, sửa chữa, đủ diện tích hoạt động chuyên môn theo quy định đảm bảo tính bền vững đáp ứng định hướng mở rộng quy mô giường bệnh.

Tại trung tâm y tế tuyến huyện, nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư, giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh ngay tại y tế cơ sở. Các trạm y tế được đầu tư trang thiết bị đồng bộ, 10% số trạm y tế đã triển khai được kỹ thuật siêu âm.

Công tác đào tạo cũng được quan tâm chú trọng cả về năng lực chuyên môn và quản lý, triển khai trên 100 kỹ thuật mới/năm. Do đó, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt trên 90%, giảm được tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên (giảm từ 3,6% năm 2020 xuống 3,2% năm 2022).

Với dự báo mô hình bệnh tật có diễn biến phức tạp, ngành y tế đã tham mưu một số giải pháp: Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án về công tác y tế.

Đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở y tế công lập, kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hệ thống y tế ngoài công lập và huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp trang thiết bị các cơ sở y tế theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Cùng đó, quan tâm công tác tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao, chú trọng công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế "Vừa hồng vừa chuyên”. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh; củng cố, phát triển mạng lưới truyền thông, giáo dục sức khỏe.

P.V : Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trần Minh (thực hiện)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/265/297644/yen-bai-tang-cuong-nguon-luc-phat-trien-he-thong-y-te-vung-cao.aspx