Yên Bái tăng vai trò 'gác cổng' của trạm y tế
Mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình sẽ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, hướng tới dự phòng cho cộng đồng, giúp người dân không phải vượt tuyến, được khám và điều trị gần nhà, giảm chi phí đi lại và chăm sóc.
Những năm gần đây, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới”; trong đó có mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ) với kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục
Trạm Y tế xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ các phòng chức năng cùng các trang thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc khỏe người dân. Nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như: máy đo huyết áp điện tử, máy test tiểu đường mao mạch, máy điện tim, máy nghe tim thai, máy chiếu vàng da sơ sinh... Hiện, Trạm có 5 cán bộ; trong đó, 2 y sĩ, 2 hộ sinh cao đẳng, 1 dược sĩ cao đẳng và 6/6 thôn có nhân viên y tế.
Phó Trưởng trạm phụ trách Nguyễn Văn Thịnh phấn khởi: "Trạm luôn xác định làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến cơ sở là quan trọng, góp phần giảm tải bệnh nhân lên tuyến trên. Hàng năm, Trạm đều làm tốt công tác tham mưu với địa phương và phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe. Từ năm 2019 đến nay, Trạm hoạt động theo nguyên lý YHGĐ, công tác khám, chữa bệnh (KCB) có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng được nâng lên rõ rệt. Điều này được thể hiện rõ ở năng lực của cán bộ y tế nâng lên, người dân được tiếp cận nhiều với các dịch vụ y tế. Hơn thế, người dân được quản lý sức khỏe bằng hồ sơ điện tử nên rất thuận lợi cho công tác khám, điều trị. Nhiều khi người bệnh quên không đến lấy thuốc, chúng tôi kiểm tra hồ sơ điện tử nhắc họ đến lấy thuốc và khám đầy đủ”.
Từ mô hình này, tỷ lệ phát hiện trên số ước tính bệnh nhân có bệnh tăng huyết áp được theo dõi, quản lý và điều trị đạt 63,82%; quản lý, theo dõi và điều trị 17 bệnh nhân tâm thần; quản lý, theo dõi, điều trị (điều trị giảm nhẹ) cho 100% số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; 100% dân số tại xã có đủ thông tin…
Rời Việt Hồng, chúng tôi đến Trạm Y tế xã Đại Đồng, huyện Yên Bình. Người dân ngồi xếp hàng chờ đến lượt khám, cán bộ y tế tận tình hướng dẫn. Trạm trưởng Trạm Y tế Phạm Thị Vân Giang cho biết: "Trạm hoạt động theo nguyên lý YHGĐ là cơ sở KCB ban đầu cho nhân dân. Tại đây, người dân được tư vấn điều trị và chăm sóc sức khỏe. Người dân có những vấn đề về sức khỏe được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn để họ có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt nhất ngay tại tuyến cơ sở.
Bên cạnh đó, mỗi người dân đều được lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe, đến hết năm 2023, khám tạo lập hồ sơ đạt 100%, đã vào các trường dữ liệu từ mục A (thông tin hành chính) đến mục C (tiêm chủng), 100% các bệnh xã hội và các bệnh lý mạn tính không lây nhiễm được quản lý và điều trị tốt hơn ngay tại Trạm mà không phải đến các tuyến trên khi chưa cần thiết”.
Thực tế cho thấy, song song với công tác KCB cho nhân dân, các chương trình mục tiêu được triển khai có hiệu quả, nhất là công tác giám sát dịch bệnh được duy trì thường xuyên, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Phần lớn các trạm y tế trên địa bàn tỉnh được đầu tư các điều kiện cần thiết để hoạt động theo nguyên lý YHGĐ phù hợp với điều kiện thực tế. Nhờ đó, người bệnh đến các trạm KCB tăng, giảm tải cho cơ sở y tế tuyến trên, người dân được tiếp cận nhiều các dịch vụ y tế, giảm thời gian, rút ngắn quãng đường đi lại.
Hiệu quả mang lại
Mô hình chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý YHGĐ đã giúp người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế mới ngay tại trạm y tế mà không phải đi đâu xa. Với mô hình này, mọi người dân đều được khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Ông Lương Đình Đởm ở thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình có mặt tại trạm y tế từ rất sớm khám bệnh huyết áp.
Ông Đởm cho biết: "Trước đây, mỗi khi ốm đau, gia đình tôi thường tới Trung tâm Y tế huyện để khám.Hiện nay, Trạm được đầu tư nhiều trang thiết bị, cơ số thuốc, tôi khám tại đây cho thuận tiện. Đặc biệt, thái độ, tinh thần của cán bộ y tế tận tình, chu đáo nên tôi yên tâm, tin tưởng và hài lòng với sự phục vụ ở đây. Hơn thế, thiết bị y tế mới đầu tư, năng lực của cán bộ y tế nâng lên, lập hồ sơ quản lý, theo dõi các bệnh mãn tính không lây nhiễm. Từ đó, người bệnh chúng tôi quan tâm đến sức khỏe của bản thân hơn và việc chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác”.
Xã Việt Hồng cách xa Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên nên người dân muốn được tiếp cận dịch vụ y tế mới còn khó khăn. Ông Lương Hồng Tiến ở Bản Phạ, xã Việt Hồng đang điều trị bệnh tăng huyết áp tại đây chia sẻ: "Mỗi lần ra Trung tâm Y tế huyện khám là một trở ngại vì đường xa, di chuyển khó khăn, tốn kém… Khi trạm y tế hoạt động theo nguyên lý YHGĐ, tôi đã đến đây khám, điều trị bởi các dịch vụ y tế mới, trình độ, thái độ phục vụ cán bộ y tế không ngừng nâng lên. Việc triển khai trạm y tế như này rất cần thiết cho người dân, nhất là những người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.
Người dân bắt đầu có thói quen đến trạm y tế để kiểm tra sức khỏe, tìm hiểu cách phòng bệnh, việc ăn uống, sinh hoạt... Qua đây, người dân đã yên tâm, tin tưởng đến khám nên lượt người khám tăng, trung bình mỗi ngày, khám 30 - 40 lượt người bệnh tại các trạm.
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ, bác sĩ Lộc Thị Mai - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế cho biết: "Trước đây, với mô hình cung ứng dịch vụ truyền thống thì chủ yếu tập trung phát hiện bệnh lý và điều trị. Còn với mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý YHGĐ sẽ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, hướng tới dự phòng cho cộng đồng. Qua đây, người dân không phải vượt tuyến, được khám và điều trị gần nhà, giảm chi phí đi lại và chăm sóc. Năm 2023, triển khai tại 166 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, đạt tỷ lệ 96%. Tính theo tiêu chí trạm y tế hoạt động theo nguyên lý YHGĐ có 111 xã, phường, thị trấn theo Kế hoạch và 55 xã, phường, thị trấn triển khai mở rộng ngoài lộ trình Kế hoạch số 155/KH-SYT”.
Theo đó, nhân lực trạm y tế được đào tạo theo ê kíp YHGĐ, trung bình có 5 cán bộ/trạm y tế, có 664/829 cán bộ y tế đã được đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo về YHGĐ; 100% các trạm đã triển khai áp dụng các phần mềm quản lý hiệu quả; quản lý bệnh không lây nhiễm, tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp được phát hiện so với số ước tính đạt 49,8%, tăng 9,7% so với cuối năm 2022; tỷ lệ người dân được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90,8%, tăng 2,3% so với cuối năm 2022; tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật KCB đạt 73,3%; tỷ lệ thực hiện danh mục dịch vụ chủ yếu thuộc gói dịch vụ cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe đạt 79,6%, có 20 trạm y tế xã thực hiện được 17/17 dịch vụ… Nhờ đó, riêng năm 2023, toàn ngành đã KCB cho trên 1,6 triệu lượt người, điều trị nội trú cho trên 151 nghìn lượt, công suất sử dụng giường bệnh đạt 92,5%, tăng so với năm 2022.
Với mục tiêu và tầm quan trọng của mô hình trạm y tế xã là nơi đầu tiên đón tiếp và chăm sóc sức khỏe cho người dân, Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh đều đạt tiêu chí trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý YHGĐ.
Bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Yên Bái đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để triển khai có hiệu quả mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý YHGĐ. Ngành tiếp tục tiến hành rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để các trạm có đủ các phòng chức năng. Cùng với đó, bổ sung thêm các trang thiết bị bảo đảm cho trạm y tế tuân thủ đúng nguyên lý YHGĐ. Tới đây, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động tại các xã, phường, thị trấn, nghiên cứu triển khai mở rộng ra các xã khác theo kế hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện mô hình; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật...; tiếp tục triển khai 100% trạm áp dụng "Bảng điểm chất lượng dịch vụ tại trạm y tế xã”, bố trí bác sĩ công tác tại trạm, tăng cường hỗ trợ bác sĩ từ bệnh viện tuyến trên cho các trạm y tế; tăng cường quản lý điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm hay gặp như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản...”.
Mô hình trạm y tế theo nguyên lý YHGĐ là cần thiết, đó là nơi gần nhất để người dân tiếp cận. Hiệu quả các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý YHGĐ là rõ nét, điều này được thể hiện ở sự hài lòng của người bệnh. Thiết nghĩ, cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của trạm y tế xã hơn nữa để thực hiện vai trò là "người gác cổng”. Có như vậy, trạm y tế xã mới đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/265/318672/yen-bai-tang-vai-tro-gac-cong-cua-tram-y-te.aspx