Yên Bái: Thâm nhập lãnh địa đá cảnh lậu ở Suối Giàng

Hầu hết các phương tiện chở đá từ xã Suối Giàng ra thị trấn Sơn Thịnh (Yên Bái) đều là xe tự cải tạo để chở được những khối đá to từ trong xã ra ngoài đường chính. Các xe không có BKS và phóng rất nhanh.

Từ phản ánh của bạn đọc, PV thâm nhập thực tế và ghi nhận tình trạng khai thác trộm đá cảnh diễn ra tràn lan tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Đáng nói, việc vận chuyển những khối đá đi tiêu thụ phần lớn bằng xe tự chế, mất ATGT nghiêm trọng.

Xe chở đá phóng bạt mạng

Nhiều ngày qua, PV Báo Giao thông có mặt tại thôn Suối Lóp và Giàng Cao, xã Suối Giàng, ghi nhận tình trạng người dân thường xuyên dùng xe máy tự chế chở những khối đá hàng trăm kilôgam mang đi tiêu thụ tại thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn.

Những khối đá lớn được chuyển đi bằng xe máy, tiêu thụ tại thị trấn Sơn Thịnh.

Những khối đá lớn được chuyển đi bằng xe máy, tiêu thụ tại thị trấn Sơn Thịnh.

Khoảng 16h ngày 7/10, PV lưu thông theo tuyến đường tỉnh 1.1 từ thị trấn Sơn Thịnh lên xã Suối Giàng, đi được khoảng 4km thì phát hiện chiếc xe máy BKS 21K1-129.83 chở một khối đá lớn, tập kết tại một xưởng sản xuất đá ngay gần đó.

Cùng ngày, PV tiếp tục ghi nhận chiếc xe BKS 21K1-444.91 và một chiếc xe không đeo biển số chở đá từ trong thôn Suối Bu, xã Suối Giàng về cơ sở sản xuất đá Hùng Thiên ở tổ dân phố Phiêng 1, thị trấn Sơn Thịnh.

Quan sát của PV, những chiếc xe máy đều được độ chế, có 3 hệ thống giảm xóc, tuy nhiên không có đèn xi-nhan, đèn chiếu hậu, thậm chí cả đèn pha. Trong khi đó, việc chở đá lậu thường diễn ra vào chiều tối và ban đêm. Những chiếc xe đều phóng bạt mạng trên đường, rất nguy hiểm.

"Họ nắm rất rõ từng góc cua, đường đèo nên việc tháo đèn xe không ảnh hưởng, chỉ để đối phó với lực lượng chức năng. Cứ đêm xuống, từng tốp xe nối đuôi nhau chở đá mang đi tiêu thụ ở thị trấn Sơn Thịnh. Những lúc đó vắng bóng lực lượng nên các đối tượng mặc sức tung hoành", chị N.D.H, người bán hàng ở xã Suối Giàng cho hay.

Ông Nguyễn Văn T (60 tuổi ở thị trấn Sơn Thịnh) cho biết: Hầu hết các phương tiện chở đá từ xã Suối Giàng xuống đều là xe tự cải tạo để chở được những khối đá to từ trong xã Suối Giàng ra ngoài đường chính. Các xe không có BKS và phóng rất nhanh.

Ông Lường Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn cho biết, chính quyền rất khó xử lý các đối tượng chở đá ra khỏi địa phương. "Hầu hết người dân tìm kiếm trong vườn hoặc nương rẫy rồi đem đi bán. Xã đã lập chốt kiểm soát, cử cán bộ túc trực nhưng khi vắng bóng người dân lại tiếp tục chở đá đi bán", ông Tâm nói.

Giao đá tận tay mới lấy tiền

Khoảng 18h ngày 7/10, PV bám theo những chiếc xe máy chở đá từ xã Suối Giàng xuống thị trấn Sơn Thịnh. Trên đường đi những chiếc xe máy này đều không đeo BKS, người điều khiển không đội mũ bảo hiểm và thường chạy 80km/h.

Xe máy độ chế, không biển kiểm soát chở đá lậu phóng rất nhanh, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Xe máy độ chế, không biển kiểm soát chở đá lậu phóng rất nhanh, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Khi đến thị trấn Sơn Thịnh, những chiếc xe máy dừng tại một cơ sở và bê đá xuống để ở ven đường, song không thấy có người tiếp nhận.

Theo ông Th, một người làm nghề chế tác đá trên địa bàn thị trấn Sơn Thịnh, ai đặt làm gì thì ông mới làm. Khi khách quen gửi mẫu và yêu cầu loại gì thì lúc đó ông đi tìm đá và chế tác, họ ưng thành phẩm thì lên lấy hoặc ông sẽ chuyển xe về cho họ.

Vách đá dựng đứng bị khai thác nham nhở.

Vách đá dựng đứng bị khai thác nham nhở.

Ông Th nói thêm, mỗi khối đá đã có giá 40 triệu đồng, còn đá vụn người dân chở đến là 20 triệu đồng/khối. "Nguồn đá ở huyện vẫn còn nhiều, cả quả núi. Giờ Nhà nước cấm không cho khai thác, nhưng vẫn có cách lấy", ông Th nói.

Trong vai khách hàng có nhu cầu mua một khối đá lớn chở về tỉnh Vĩnh Phúc, PV tiếp cận một cơ sở, khảo sát khối đá có màu xanh lục đã được chế tác. Lúc này, một người đàn ông ngoài 40 tuổi đi đến hỏi chuyện. Người đàn ông này nói khối đá cảnh đó khoảng 20 tấn, giá 260 triệu đồng.

Khi hỏi về giấy tờ của khối đá, người đàn ông nói không có, nhưng bao chở về đến tận nhà mới thanh toán, trên đường vận chuyển có vấn đề gì cơ sở chế tác sẽ tự lo. "Ở đây, chúng tôi bán hàng trăm khối đá cảnh còn lớn hơn, anh lo gì", người đàn ông khẳng định.

Lãnh địa đá cảnh lậu

Theo ghi nhận, từ đường lớn (điểm cây số 7) đi vào trong khu vực thôn Suối Lóp hơn 10km, đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng vì lưu lượng lớn xe tải chở đá qua đây.

Nhiều khối đá nằm trong đất lộ ra sau mưa bão.

Nhiều khối đá nằm trong đất lộ ra sau mưa bão.

Ngay đầu đường vào thôn có tấm biển ghi "nghiêm cấm mọi người dân khai thác, vận chuyển đá trái phép", thế nhưng ngay dưới chân tấm biển này lại xuất hiện nhiều khối đá được phủ cỏ lên trên.

Đi vào sâu bên trong khoảng 300m, có một chốt kiểm soát được UBND xã Suối Giàng lập. Tiếp tục đi men theo con đường bê tông vòng qua những quả núi lớn khoảng 6km thì xuất hiện cảnh vách đá dựng đứng đã bị khai thác nham nhở, rất nguy hiểm cho người và phương tiện đi qua. Phía dưới là những khối đá lớn mới được khai thác còn nguyên vết tích.

Để vào được phía trong thôn Suối Lóp, PV phải đi thêm khoảng 5km nữa với nhiều điểm sạt lở sau cơn bão số 3 vừa qua.

Đá được chế tác ngay tại các hộ dân.

Đá được chế tác ngay tại các hộ dân.

Sau bão, nhiều khối đá nằm trong đất lộ ra, lúc này người dân đi khai thác và đánh dấu vào đó bằng chữ "X". Khi phát hiện có người lạ vào, toàn bộ người dân trong thôn đang khai thác đá đều dừng hoạt động. Một nhóm thanh niên tại quán nước giữa thôn luôn hướng mắt theo dõi từng bước chân của PV.

Hầu hết các hộ dân tại đây đều tự chế tác đá ngay tại gia đình mình. Những khối đá đang chế tác dở được để giữa đường hoặc trong sân nhà.

Vì sao khó xử lý?

Việc khai thác, kinh doanh đá trái phép diễn ra thời gian dài, công khai song từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng mới xử lý 3 vụ, 3 đối tượng, thu giữ 13.230kg đá cảnh, giá trị tài sản 27,1 triệu đồng, tổng số tiền xử phạt 12 triệu đồng.

Đá cảnh được bán la liệt tại thị trấn Sơn Thịnh.

Đá cảnh được bán la liệt tại thị trấn Sơn Thịnh.

Ông Lường Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn cho biết: "Những người canh gác ở tổ tự quản đều là những người dân trong xã và không được hưởng hỗ trợ, tất cả trên tinh thần tự nguyện. Tổ tự quản chưa làm hết trách nhiệm, dẫn tới tình trạng đá vẫn được đưa ra khỏi địa bàn qua các đường mòn, lối mở".

Theo Thượng tá Vũ Đức Lộc, Phó trưởng Công an huyện Văn Chấn, đơn vị đã tham mưu UBND huyện Văn Chấn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương thành lập đoàn kiểm tra khai thác khoáng sản trái phép ở Suối Giàng, lập chốt kiểm soát.

Chốt kiểm soát đá cảnh lập lên nhằm không cho người dân vận chuyển đá ra khỏi địa phương nhưng không ngăn được tình trạng vận chuyển đá lậu đi tiêu thụ.

Chốt kiểm soát đá cảnh lập lên nhằm không cho người dân vận chuyển đá ra khỏi địa phương nhưng không ngăn được tình trạng vận chuyển đá lậu đi tiêu thụ.

Tuy nhiên, do hoạt động khai thác, vận chuyển nằm trên địa bàn rộng, một số mỏ đá nằm trong diện tích đất của đồng bào đang canh tác nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, hoạt động vận chuyển khoáng sản chủ yếu bằng xe máy, diễn ra vào chiều tối nên việc thu giữ, tạm giữ tang vật, phương tiện còn gặp nhiều khó khăn về trình tự và thủ tục.

Ông Hoàng Lê Huy, Chánh Văn phòng UBND huyện Văn Chấn cho biết, ngoài việc giao Phòng TN&MT chủ trì kiểm tra việc khai thác đá lậu, thời gian tới, huyện sẽ ra quân xử lý triệt để đối với những cơ sở chế tác, bày bán sản phẩm đá cảnh không rõ nguồn gốc.

Để quản lý nghiêm việc khai thác đá lậu ở xã Suối Giàng, ngày 5/9/2024, UBND tỉnh Yên Bái giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Công an tỉnh, UBND huyện Văn Chấn và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ việc khai thác, vận chuyển, chế tác, kinh doanh đá cảnh, đá mỹ nghệ trên địa bàn Suối Giàng và các xã, thị trấn lân cận tại huyện Văn Chấn.

Nhóm PV Thường trú

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/yen-bai-tham-nhap-lanh-dia-da-canh-lau-o-suoi-giang-192241014215250234.htm