Yên Bái tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia
Thực hiện Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh năm 2023, thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái đã thành lập các đoàn giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tại một số huyện nhằm nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Thanh Bình – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh về vấn đề này.
Bà Hoàng Thị Thanh Bình: Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình giám sát năm 2023 với chuyên đề giám sát việc triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG, vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát tại 4 huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình và Mù Cang Chải. Qua giám sát tại các huyện cho thấy, thực hiện các quy định của Chính phủ, bộ, ban, ngành Trung ương, của tỉnh; cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ như thành lập ban chỉ đạo, ban hành quy chế, phân công cụ thể cho các thành viên, tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ huyện đến cơ sở.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thực hiện các chương trình MTQG được quan tâm, triển khai với nhiều hình thức đa dạng, sát với thực tiễn, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn về mục đích, yêu cầu của từng chương trình, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong xã hội.
Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát đã hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Có thể nói, đến nay các chương trình MTQG cơ bản đang được triển khai đồng bộ; từng bước đáp ứng yêu cầu các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Quỳnh Khánh (bìa trái) giám sát mô hình trồng bí xanh tại xã Mỹ Gia.
- Thưa đồng chí, bên cạnh việc các địa phương đã chủ động thực hiện thì chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới về phương pháp tiếp cận, đối tượng, nội dung, phạm vi hỗ trợ. Vậy, trong quá trình thực hiện có gặp những khó khăn, vướng mắc?
Bà Hoàng Thị Thanh Bình: Việc triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 đúng là có nhiều điểm mới về phương pháp tiếp cận, đối tượng, nội dung, phạm vi hỗ trợ. Vì vậy, trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc, như: do các bộ, ngành Trung ương chậm ban hành văn bản hướng dẫn, ảnh hưởng đến việc triển khai các nội dung, dự án, tiểu dự án các chương trình; đặc biệt là liên quan đến triển khai và giải ngân nguồn vốn sự nghiệp.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của 3 chương trình MTQG tuy đã được quan tâm, nhưng tại một số đơn vị cấp xã, qua giám sát cho thấy, chưa thực sự hiệu quả.
Một số ban chỉ đạo cấp xã chưa tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ; nhất là công chức được giao tham mưu, giúp việc chưa nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng các văn bản. Do đó, khi triển khai còn lúng túng, chưa nắm rõ các nhiệm vụ, quy trình, thủ tục đẻ thực hiện.Việc kêu gọi nguồn lực xã hội hóa; công tác quản lý các công trình hạ tầng sau đầu tư tại một số huyện còn hạn chế…
- Để đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án Chương trình MTQG giúp các chính sách đến kịp thời và hiệu quả với người dân, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung thực hiện tốt nội dung gì, thưa đồng chí?
Bà Hoàng Thị Thanh Bình: Để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các chương trình MTQG theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, trong thời gian tới các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Một là , các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường hơn nữa việc tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản đề xuất với các bộ, ngành trung ương sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG.
Hai là , đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương trong triển khai các chương trình; tăng cường đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ kế hoạch.
Ba là , thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho các phòng, ban của huyện và cán bộ, công chức chuyên môn cấp xã về các văn bản của trung ương và của tỉnh mới ban hành để triển khai đồng bộ đến cơ sở.
Bốn là , nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên ban chỉ đạo từ cấp huyện đến cấp xã. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo các chương trình, dự án được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đối tượng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Năm là , đẩy mạnh công tác huy động các nguồn lực xã hội hóa; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ để phát huy hiệu quả, tránh chồng chéo lãng phí.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!