Yên Bái: Tiếng Việt 'gieo mầm' tương lai

Thi đua nói tiếng Việt chuẩn, tạo sân chơi Tiếng Việt... là những biện pháp tăng cường tiếng Việt mà các trường học ở Mù Cang Chải- nơi trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang triển khai để giúp học sinh DTTS hòa nhập, tiếp cận tri thức và kiến tạo tương lai.

Trường Mầm non Sơn Ca, xã Nậm Khắt tổ chức nhiều hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

Trường Mầm non Sơn Ca, xã Nậm Khắt tổ chức nhiều hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

> >Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở Mù Cang Chải: Thắng lợi bởi quyết tâm cao

Trường Mầm non Sơn Ca đóng trên địa bàn xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cùng với nhiệm vụ giáo dục theo chương trình chung thì việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tư - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Hàng năm, chúng tôi phải xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ, giúp các con làm quen với môi trường tiếng Việt để vào cấp tiểu học thuận lợi hơn. Để các con tiếp cận tiếng Việt được thuận lợi, các cô cho các con tham dự các cuộc thi; thông qua các hoạt động có chủ đề hàng tháng để các con có kỹ năng thể hiện tiếng Việt của mình. Đồng thời, chúng tôi thu hút phụ huynh vào sinh hoạt các câu lạc bộ của nhà trường để tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh dạy các kỹ năng cũng như cho con làm quen với chữ cái, chữ số ở nhà”.

Ngoài ra, các cô còn tích cực vận động phụ huynh làm đồ dùng, đồ chơi cho con bằng những vật dụng sẵn có từ tre, nứa, gỗ… qua đó hướng dẫn các con làm quen với các vật dụng bằng tiếng Việt…

Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Mù Cang Chải xác định, tăng cường tiếng Việt cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục. Huyện đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, trang bị kiến thức, kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc thù của học sinh DTTS.

Cấp mầm non là bậc học quan trọng trong việc tăng cường tiếng Việt, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt trong và ngoài lớp học như: trang trí lớp học; đề biểu tên góc, thiết bị đồ chơi, đồ dùng bằng tiếng Việt; xây dựng góc trải nghiệm, góc địa phương, góc thư viện thân thiện... ; duy trì và mở rộng mô hình sinh hoạt câu lạc bộ cha mẹ tại các nhà trường (toàn huyện có 56 câu lạc bộ cha mẹ trẻ)...

Đối với cấp tiểu học, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo tổ chức tăng cường tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1, ít nhất 2 tuần trước khi vào năm học chính thức, đảm bảo 100% học sinh vùng đồng bào DTTS thông thạo tiếng Việt khi hoàn thành chương trình lớp 1. Các trường xây dựng phong trào thi đua nói tiếng Việt chuẩn; tổ chức cho học sinh tham gia sân chơi "Trạng Nguyên tiếng Việt” trên Internet, Hội thi Giao lưu tiếng Việt cho học sinh DTTS, Hội thi Viết chữ đẹp cấp trường, cấp cụm trường và cấp huyện...

Huyện đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Trong đó, đã triển khai nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; phối hợp với cha mẹ học sinh, cộng đồng xây dựng được cuốn sổ tay từ ngữ tiếng dân tộc, giúp giáo viên có tài liệu học tiếng mẹ đẻ của trẻ, hỗ trợ trong giảng dạy. Hằng năm, Phòng GD&ĐT huyện và 100% các trường tổ chức ít nhất 1 chuyên đề có nội dung về tăng cường tiếng Việt.

Cùng với đó, tổ chức các Hội thi như "Gia đình học tập", "Tài năng tiếng Việt nhí” tạo sân chơi cho trẻ, giúp trẻ tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt; triển khai mô hình "Huy động tình nguyện viên" (chủ yếu là cha, mẹ học sinh) hỗ trợ các lớp giúp giáo viên quản lý trẻ trong quá trình tổ chức các hoạt động tập thể trên lớp; hỗ trợ phiên dịch ngôn ngữ giữa cô và trẻ, giúp trẻ hiểu những điều cô muốn truyền đạt và cô hiểu được mong muốn của trẻ, từ đó giúp trẻ học tiếng Việt tốt hơn.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, 100% các trường trên địa bàn huyện thực hiện tăng cường tiếng Việt cho 100% trẻ em DTTS đến trường; trẻ mẫu giáo 5 tuổi giao tiếp thành thạo tiếng Việt khi vào học lớp 1. Ở bậc tiểu học 100% các trường có thư viện thân thiện, góc đọc; trên 98% học sinh thành thạo tiếng Việt sau khi hoàn thành chương trình lớp 1. Tham gia sân chơi "Trạng Nguyên tiếng Việt” trên Internet năm học 2023-2024, huyện đạt 1 giải Nhất, 1 giải Khuyến khích cấp quốc gia, cùng 76 giải cấp tỉnh; Hội thi Giao lưu môn Tiếng Việt, Viết chữ đẹp cấp huyện có 96 lượt học sinh đạt giải…

Với quyết tâm của lãnh đạo địa phương, sự chung tay của các ban ngành, đoàn thể, sự đồng lòng của người dân trong công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ, chất lượng giáo dục của huyện đã có bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là chất lượng giáo dục DTTS. Học sinh người DTTS giao tiếp tự tin hơn, không còn học sinh bỏ học. Các nhà trường chú trọng rèn các kỹ năng cơ bản cho học sinh, tạo tiền đề học tập, lĩnh hội tri thức ở các cấp học tiếp theo.

Thanh Ba

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/327802/yen-bai-tieng-viet-gieo-mam-tuong-lai.aspx