Yên Bái: Tòa trả hồ sơ sau 3 ngày xét xử vụ án sử dụng vật liệu nổ khai thác tài nguyên trái quy định
Sau 3 ngày xét xử (24-26/08), gần 10 giờ đêm ngày 26/8 Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái đã quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát tỉnh Yên Bái để điều tra bổ sung.
Làm rõ việc lo "quan hệ, cơ chế" như thế nào?
Từ ngày 24/8 – 26/8/ 2023, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Yên Bái đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Lăng Đức Hân – Giám đốc Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm (gọi tắt là Công ty Ngọc Tâm) và 9 bị cáo trong vụ khai thác trái phép quặng chì – kẽm xảy ra ở Yên Bái vào năm 2020. Trong đó có ông Đinh Tiến Hùng (SN 1984) - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái bị cáo buộc là "người khởi xướng" trong vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.
Theo quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, căn cứ vào kết quả việc xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, Tòa xét thấy thiếu chứng cứ để giải quyết những vấn đề trong vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa, cần bổ sung chứng cứ đủ để chứng minh; có căn cứ cho rằng còn đồng phạm khác, do vậy quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) dân tỉnh Yên Bái để điều tra thêm một số vấn đề.
Cụ thể, tại phần xét hỏi tại Tòa, các bị cáo Nguyễn Văn Hậu – Giám đốc Công ty Tuyên Huy, Nguyễn Trọng Tuấn – Phó Giám đốc Công ty Tuyên Huy đều khai, chỉ nhớ cuộc gặp gỡ với bị cáo Đinh Tiến Hùng tại quán cà phê Đồng Tâm (TP.Yên Bái, Yên Bái) vào khoảng giữa tháng 10/2020, sau đó bị cáo Hậu và bị cáo Tuấn khai lại thời gian cụ thể cuộc gặp tại quán cà phê Đồng Tâm ngày 18/10/2020 là do điều tra viên xác định dựa trên tin nhắn giữa bị cáo Tuấn và Đinh Tiến Hùng.
Bị cáo Bùi Minh Đức – công nhân Công ty Ngọc Tâm khai có nhận một cuộc điện thoại số lạ của người tự xưng là Hùng, hỏi thăm về việc sửa chữa máy móc trên mỏ, quá trình điều tra, điều tra viên nói đây là cuộc gọi của Đinh Tiến Hùng. Tại phiên tòa, bị cáo Bùi Minh Đức không khẳng định được cuộc gọi đó có phải của Đinh Tiến Hùng không.
Tại tòa bị cáo Nguyễn Trọng Tuấn khai, khoảng giữa tháng 10/2020, khi Tuấn và Hậu gặp bị cáo Đinh Tiến Hùng ở quán cà phê Đồng Tâm thì chỉ nghe bập bõm cuộc nói chuyện giữa Hậu và Đinh Tiến Hùng. Sau khi ra về Hậu mới nói lại đề xuất của Đinh Tiến Hùng về nội dung “Các ông có mỏ, tôi thì có "quan hệ". Bây giờ đang tiện việc làm đường thì cứ tiến hành khai thác quặng luôn.
Tôi sẽ đứng ra lo "quan hệ, cơ chế" còn Hùng "lùn" đi tìm người về để khai thác quặng. Sau khi khai thác và bán được quặng thì tính toán trừ chi phí quan hệ, chi phí sản xuất thì tôi sẽ lấy 1/3 lợi nhuận, 2/3 còn lại là của Công ty Tuyên Huy và Hùng "lùn" (Nguyễn Mạnh Hùng là lao động tự do – PV) thì lúc đó Tuấn mới đồng ý.
Từ những lời khai trên, HĐXX sơ thẩm yêu cầu điều tra bổ sung chứng cứ chứng minh nội dung trao đổi giữa bị cáo Tuấn, bị cáo Hậu, bị cáo Đinh Tiến Hùng ngày 18/10/2020 tại quán cà phê Đồng Tâm. Đồng thời yêu cầu điều tra chứng cứ chứng minh Đinh Tiến Hùng có hành vi cụ thể nào thể hiện việc bàn bạc, chỉ đạo thúc đẩy việc khai thác trái phép mỏ Núi Ngàng; hành vi đó được thực hiện với cách thức nào, phương pháp nào, thực hiện vào thời gian nào, với ai.
Tòa cũng yêu cầu làm rõ chứng cứ chứng minh Đinh Tiến Hùng có hành vi sắp xếp, bố trí người, phương tiện, vật tư khai thác trái phép mỏ Núi Ngàng; chứng cứ chứng minh Đinh Tiến Hùng có hành vi lợi dụng ảnh hưởng, quan hệ cá nhân để tác động, bao che việc khai thác trái phép tại mỏ Núi Ngàng.
Khởi tố điều tra thêm 1 bị can
Để làm rõ thêm các tình tiết trong vụ án, HĐXX còn yêu cầu VKSND điều tra cụ thể số lần vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ, thời gian, địa điểm, khối lượng, số lượng vật liệu nổ của mỗi lần vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ của mỗi bị cáo. Xác định khối lượng vật liệu nổ phải chịu trách nhiệm của mỗi bị cáo bị truy tố về tội vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ. Đồng thời, điều tra xác minh, bổ sung chứng cứ buộc tội với bị cáo Trần Đắc Việt – thủ kho vật liệu nổ Công ty Ngọc Tâm.
Cụ thể, chứng cứ chứng minh việc Lăng Đức Hân chỉ đạo Việt xuất kho trái phép vật liệu nổ các ngày 19/12/2020, 30/12/2020; chỉ đạo bằng cách thức, phương pháp nào, thời gian nào, nội dung chỉ đạo như thế nào; Việt có tiếp nhận và thực hiện sự chỉ đạo đó không; Chứng cứ chứng minh nội dung những lần trao đổi, bàn bạc việc vận chuyển trái phép vật liệu nổ ngày 19/12/2020 giữa Việt và bảo vệ của Công ty Ngọc Tâm Nguyễn Văn Báu; giữa Việt với Bùi Minh Đức....
HĐXX cũng yêu cầu điều tra xác minh làm rõ thêm bị cáo Trần Văn Khóe, là Phó Giám đốc Công ty Ngọc Tâm đã được giao giữ chìa khóa kho vật liệu nổ như thế nào? Theo đó, ngày 30/12/2020, Khóe dùng chìa khóa mở kho theo sự chỉ đạo của Hân xuất 294kg thuốc nổ các loại, 400 kíp điện các loại, 1500m dây điện mạng cho Báu vận chuyển lên mỏ giao cho Đức và bị bắt quả tang.
HĐXX nhận định, có căn cứ cho rằng Khóe là đồng phạm với Hân, Báu, Đức về tội “Vận chuyển trái phép vật liệu nổ”, cần khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, HĐXX còn đề nghị điều tra làm rõ, xem xét xử lý trách nhiệm hình sự với pháp nhân là Công ty Ngọc Tâm, Công ty Tuyên Huy theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, yêu cầu xác định Công ty Ngọc Tâm, Công tu Tuyên Huy, Công ty Tây Giang là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Lấy lời khai của các doanh nghiệp này về quan điểm những tài sản bị thu giữ trong vụ án, những yêu cầu, đề nghị liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ.
Cuối cùng, HĐXX yêu cầu điều tra, xác minh nguồn gốc, chủ sở hữu các tài sản bị thu giữ trong vụ án; quan điểm của họ đối với việc xử lý các tài sản bị thu giữ trong vụ án.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đề nghị tòa tuyên mức án các bị cáo như sau:
1. Lăng Đức Hân: 15 năm 6 tháng đến 16 năm 6 tháng tù về tội "Vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ"; 2 đến 3 năm về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", phạt bổ sung từ 100 đến 200 triệu đồng.
2. Nguyễn Trọng Tuấn: 15 đến 16 năm tù về tội "Sử dụng trái phép vật liệu nổ"; 2 đến 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", phạt bổ sung 100 đến 200 triệu đồng.
3. Nguyễn Văn Hậu: 15 đến 16 năm tù về tội "Sử dụng trái phép vật liệu nổ"; 2 đến 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", phạt bổ sung 100 đến 200 triệu đồng.
4. Đinh Tiến Hùng: 3 đến 4 năm tù về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", phạt 100 đến 200 triệu đồng.
5. Bùi Mạnh Hùng: 7 đến 8 năm tù về tội "Sử dụng trái phép vật liệu nổ"; 1 đến 1 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", phạt từ 50 đến 100 triệu đồng.
6. Nguyễn Mạnh Hùng: 2 đến 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".
7. Bùi Minh Đức: 15 đến 16 năm tù về tội "Vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ"; 2 đến 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", phạt bổ sung 50 đến 100 triệu đồng.
8. Trần Đắc Việt: 15 đến 16 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép vật liệu nổ".
9. Nguyễn Văn Báu: 15 đến 16 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép vật liệu nổ".
10. Lưu Bằng Đoàn: 2 đến 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", phạt 50 đến 100 đồng.