Yên Dũng: 'Sao Thần Nông' tỏa sáng
Đang làm trong một doanh nghiệp nhà nước, chị Nguyễn Thị Nhung (SN 1987) quyết định về quê làm nông nghiệp. Ở tuổi 31, chị đứng ra thành lập HTX mang tên 'Sao Thần Nông' ở Yên Dũng với hy vọng giúp người dân quê mình có thu nhập cao hơn, ổn định hơn từ đồng ruộng.
Hướng đi mới trên cánh đồng làng
Ngôi nhà của chị Nhung nằm sát cánh đồng thôn Chùa, xã Tiến Dũng (Yên Dũng), đây cũng là nơi ở, địa điểm đặt trụ sở HTX. Gặp Giám đốc Nhung, tôi thực sự ngỡ ngàng bởi chị là một phụ nữ bé nhỏ, mảnh mai mà lái xe tải thành thạo không kém gì nam giới. Từ câu chuyện của chị với khát vọng đồng ruộng "trở mình" cùng những đổi thay trong cách nghĩ, cách làm nông nghiệp, tôi cảm nhận rõ về những nỗ lực, quyết tâm của người phụ nữ nông thôn thế hệ 8X này.
Tốt nghiệp Khoa Kế toán, Trường Đại học Mở Hà Nội, chị Nhung nhận công tác tại Công ty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang. Mỗi lần đi gặp nông dân để tiếp thị giống, phân bón, chị lại nghe bà con than vãn: “Cô cứ vận động chúng tôi trồng nhiều lúa, rau màu làm gì chứ, làm ra có bán được đâu”. Cha mẹ đều làm ruộng, chị hiểu rất rõ tâm tư của người làm nông nghiệp, luôn lo lắng bởi điệp khúc “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, trăn trở, năm 2015, lần đầu tiên chị Nhung thuyết phục bố mẹ và những người họ hàng ủng hộ quyết định liên kết trồng 4 ha ngô ngọt trên cánh đồng thôn Chùa. Thay vì bà con tự làm, chị đứng ra cung cấp giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho dù chất lượng ra sao. Vụ đầu tiên thắng lợi, chị vui mừng vì không chỉ trở thành nhân viên cung ứng được nhiều giống và phân bón tốp đầu công ty mà còn giúp nông dân tiêu thụ nông sản thuận lợi, có thu nhập cao.
Năm tiếp theo, chị Nhung mạnh dạn liên kết trồng khoai tây - đây vốn là cây trồng truyền thống ở địa phương nhưng do trồng lẻ tẻ, thu hoạch cũng không tập trung nên hiệu quả không cao. Cũng theo cách làm như với cây ngô, chị Nhung cung ứng giống, phân bón, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Các hộ tham gia chuỗi liên kết được hướng dẫn kỹ thuật, xuống giống đồng loạt, đúng ngày. Đến vụ thu hoạch, khoai tây củ đều tăm tắp, chị đánh ô tô đến tận chân ruộng thu mua toàn bộ. Thỉnh thoảng, bà con lại gặp mấy anh Nhật Bản, vài chị Hàn Quốc … về tận cánh đồng làng thăm thú, chuyện trò nên rất vui. Không chỉ ở xã Tiến Dũng, chị Nhung bắt tay với bà con các xã trong huyện như: Tư Mại, Đức Giang, Đồng Việt, Xuân Phú, … xây dựng những cánh đồng mẫu sản xuất lúa và dưa hấu.
Nhìn đồng lúa xanh mướt, khóm lúa to khỏe, tràn sức sống, bà Nguyễn Thị Năm ở xã Xuân Phú thầm cảm ơn chị Nhung đã giúp nông dân trong xã thay đổi tư duy làm nông nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế. Chị Nhung thường xuyên sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu, máy trồng, máy xới, máy thu hoạch... nhằm giảm công lao động; hướng dẫn các hộ sử dụng các sản phẩm hữu cơ, chế phẩm vi sinh, hạn chế các chất độc hại ảnh hưởng đến môi trường, tạo nguồn nông sản sạch bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Xây dựng niềm tin trong nông dân
Trải qua những năm tháng gắn bó với nông dân, chị Nhung đã nung nấu ý định thành lập HTX với mong muốn giúp bà con có thu nhập tốt hơn từ đồng ruộng. “Tốt nghiệp đại học, làm ở doanh nghiệp nhà nước rồi mà lại về quê làm nông nghiệp, nhiều người trong xã bảo cứ thấy sao sao”- chị Nhung trải lòng. Mặc những lời xì xào, năm 2018, chị xin nghỉ hẳn việc ở Công ty, làm hồ sơ thành lập HTX Sao Thần Nông do chị làm Giám đốc. Ban đầu, HTX chỉ cung ứng vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống); tập huấn kỹ thuật trồng trọt và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, HTX mở rộng thêm ngành nghề thu mua, sơ chế, đóng gói các loại nông sản giao cho những chuỗi cửa hàng, siêu thị, bếp ăn tại nhiều doanh nghiệp lớn ở các khu công nghiệp Quang Châu, Đình Trám, Vân Trung (Việt Yên) và một số công ty chế biến nông sản trong nước. Mỗi ngày, HTX giao 10 tấn nông sản cho các bếp ăn ở khu công nghiệp; mỗi tháng cung cấp khoảng 500 tấn hoa quả (thanh long, dưa hấu, xoài, chôm chôm, chanh không hạt...) cho một số nhà máy chế biến hoa quả. Với phương châm “Hợp tác cùng phát triển”, HTX đã liên kết với nông dân trong xã, trong huyện, trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như: Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn và TP Hà Nội để xây dựng vùng nguyên liệu ngô ngọt, rau ăn lá cung ứng cho các đối tác.
Hiện HTX Sao Thần Nông tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa phương và 250 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Nhìn mấy chục phụ nữ đã luống tuổi, làm việc trong khu vực kho lạnh của HTX, chúng tôi nhận thấy họ luôn vui vẻ, nói cười rôm rả.
HTX Sao Thần Nông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng hai Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 (năm 2021) và thực hiện phong trào thi đua Yên Dũng chung sức xây dựng nông thôn mới (năm 2023); được Chủ tịch UBND huyện tặng hai Giấy khen trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững (năm 2021) và đơn vị xuất sắc trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (năm 2022).
Bà Nguyễn Thị Mức (60 tuổi), thôn Đống Cao, xã Tư Mại (Yên Dũng) kể: “Tôi biết Nhung khi cháu về quê tôi liên kết trồng khoai tây. Nay ở tuổi này rồi, có thời gian rỗi rãi, Nhung gọi điện bảo tôi đến làm cho HTX. Nghe vậy tôi cười phá lên, tuổi này rồi còn làm công nhân sao được, Nhung bảo bác cứ lên đây thử xem. Tôi lên thì thấy có nhiều bà ở tuổi như tôi cũng làm, công việc đơn giản, chỉ là sơ chế nông sản thôi. Vậy mà làm mỗi ngày 8 tiếng, cơm nuôi 1 bữa cũng được Nhung trả lương tối thiểu 6 triệu đồng mỗi tháng, làm thêm giờ thì thu nhập cao hơn”.
Không chỉ mình bà Mức mà những người khác ở đây đều được như vậy. HTX luôn quan tâm bảo đảm chế độ chính sách cho người lao động. Trong đó, 5 người được đóng bảo hiểm xã hội; 20 người được hỗ trợ đóng bảo hiểm nhân thọ (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng). Ngày lễ, Tết, chị Nhung tổ chức liên hoan, có quà tặng các anh, chị em trong HTX.
Là tổ trưởng tổ bốc vác từ khi HTX mới thành lập, ông Nguyễn Văn Tám (SN 1971) ở thôn Đồng Nhân, xã Đồng Phúc (Yên Dũng) chia sẻ: Lao động trong tổ bốc hàng khoán theo đầu tấn, được trả công từ 70.000 -100.000 đồng/tấn. Ngày ít bốc 50 tấn, hôm nào nhiều nhất cả đội 6 người bốc được 100 tấn hàng, thu nhập cũng thuộc diện cao. Làm cho HTX thích nhất là gần nhà, chủ coi công nhân như người thân, lúc mệt thì xin nghỉ, khi gia đình có việc xin nghỉ cũng luôn được tạo điều kiện. “Được cháu Nhung tìm công ăn việc làm vừa vui lại vừa có tiền. Cháu Nhung nhẹ nhàng lắm, lúc nào cần chỉ nhắc nhẹ chúng tôi là: Đối tác đang cần gấp hàng, các bác nhanh tay giúp cháu nhé” - ông Tám nói.
Năm 2021, sau khi xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm “Khoai tây Sao Thần Nông” 3 sao, sản xuất mỗi năm khoảng 2.000 tấn, HTX tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện, của tỉnh với sản phẩm “Dưa hấu Sao Thần Nông” và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, sản xuất mỗi năm 1.500 tấn. Vừa qua, HTX đã đầu tư hơn 200 triệu đồng thiết kế mới bao bì, nhãn mác sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng tem truy xuất (quét mã QR). Hiện HTX liên kết với một số xã trong huyện để sản xuất lúa thơm TĐ25, sản lượng lúa tươi đạt 300 tấn/năm, đang định hướng xây dựng thương hiệu “Gạo thơm Sao Thần Nông”.
Từ xây dựng các cánh đồng liên kết, HTX còn xây dựng được niềm tin, giúp bà con yên tâm sản xuất trên đồng đất quê hương, góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân, nhất là đối với phụ nữ.
Bài, ảnh: Thu Phong
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/yen-dung-sao-than-nong-toa-sang-074221.bbg