Yên Khánh sẵn sàng ứng phó với bão số 3

Cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) gây mưa vừa, mưa to trên địa bàn huyện Yên Khánh. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh bão, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho Nhân dân.

Cắt tỉa cây xanh trên địa bàn thị trấn Yên Ninh.

Cắt tỉa cây xanh trên địa bàn thị trấn Yên Ninh.

Tại xã Khánh Cường, công tác phòng, chống bão số 3 được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Xã đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã về tình hình diễn biến của cơn bão, đề nghị nhân dân nêu cao cảnh giác, chủ động các biện pháp phòng tránh, tiến hành gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp được xã chú trọng. Vụ mùa này, toàn xã gieo cấy 440 ha. Đến nay, diện tích trà mùa sớm đã trỗ bông, trà mùa trung đang làm đòng đến trỗ bông. Xã đã chỉ đạo HTX nông nghiệp tiến hành tháo kiệt nước trong đồng. Khi trên địa bàn có mưa lớn gây ngập úng sẽ huy động máy bơm cũng như các trạm bơm vận hành trực 24/24 giờ tiêu nước, hạn chế tình trạng ngập úng gây thiệt hại cho diện tích lúa mùa. Đồng thời thường xuyên thăm đồng để có biện pháp xử lý kịp thời khi mưa bão xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Khánh Cường cho biết: Trước diễn biến phúc tạp của cơn bão số 3, xã đã kiện toàn Ban chỉ huy PCLB & TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, thường xuyên ứng trực tại các địa bàn được phân công để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh, đồng thời cử lực lượng thanh niên hỗ trợ các gia đình neo đơn, già cả chằng chống nhà cửa, di chuyển tài sản lên cao, sẵn sàng các phương án phòng, chống khi bão đổ bộ.

Để chủ động đối phó với cơn bão số 3, huyện Yên Khánh đã ban hành các công điện và triển khai họp Ban chỉ huy PCLB và TKCN các xã, thị trấn phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện, thủ trưởng các ngành đã được phân công phụ trách xã, thị trấn trực tiếp xuống địa bàn được phân công để chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai phương án phòng, chống bão.

Cùng với đó, huyện đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, sạt lở đất đến nơi an toàn. Triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho các công trình công cộng, khu, cụm công nghiệp, bảo vệ sản xuất, thu hoạch diện tích hoa màu sớm để giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra.

Tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân trong khu vực chịu ảnh hưởng. Tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy, vớt bèo, giải tỏa đăng, đó, vật cản cản trở dòng chảy trên các tuyến sông, kênh. Phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra đảm bảo an toàn cho các tuyến đò ngang, tàu thuyền trên sông. Tạm dừng hoạt động tại các bến đò ngang sông từ 15h ngày 6/9 cho đến khi đảm bảo an toàn mới hoạt động trở lại.

Công tác "4 tại chỗ" được huyện đặc biệt chú trọng. Trong đó huy động nhân lực mỗi xã, thị trấn thành lập lực lượng xung kích từ 100-150 người nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng tuần tra canh gác từ 5-10 người, ưu tiên lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng giao thông hỏa tốc từ 2-3 người làm nhiệm vụ giao thông hỏa tốc trong mọi tình huống, lực lượng tại chỗ các xã từ 50-70 người. Lực lượng quân đội từ 50-60 người.

Về phương tiện, vật tư tại chỗ được chuẩn bị kỹ càng. Tại kho Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện có 18.010 chiếc bao tải; mai móng 127 chiếc; cuốc xẻng 26 chiếc; vồ 16 chiếc; rọ thép 45 chiếc; dây điện 278m; nhà bạt 22 bộ; áo phao 350 chiếc; phao tròn cứu sinh 135 chiếc; phao bè 9 chiếc. Tại Hạt quản lý đê (xã Khánh Thiện) gồm có: Rọ thép 333 bộ; bao tải 19.000 chiếc; bạt chắn sóng 1.200 m2. Vật tư dự trữ trên đê hữu Đáy: Đá hộc có 9 bãi đá dự phòng với khối lượng 7.177 m3.

Đồng chí Lâm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Với phương châm phòng là chính, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác "4 tại chỗ", sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra, đặc biệt là bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời.

Công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp cũng được ngành Nông nghiệp huyện đặc biệt quan tâm. Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo trồng hơn 8 nghìn ha, trong đó diện tích cấy lúa là 7.500 ha; rau các loại gần 300 ha. Hiện nay, diện tích lúa đang vào giai đoạn làm đòng, trỗ bông. Những ngày qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thường xuyên cắt cử cán bộ kỹ thuật thăm đồng, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc cho lúa. Từ ngày 5/9 đã tiến hành tháo kiệt nước trong đồng, hạn chế tình trạng ngập úng ảnh hưởng đến diện tích lúa mùa.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện huy động nhân lực trực vận hành 24/24 giờ phục vụ việc tiêu thoát nước trong đồng. Toàn huyện có 9 trạm bơm tiêu, 79 máy với tổng công suất 237.500 m3/h, với khoảng 323 máy bơm vô ống sẵn sàng phục vụ việc tiêu thoát nước trên địa bàn, hạn chế tình trạng ngập úng do mưa lớn gây ra.

Bài, ảnh: Tiến Đạt

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/yen-khanh-san-sang-ung-pho-voi-bao-so-3/d2024090710004312.htm