Yên Khánh tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa bão
Ngành Nông nghiệp huyện Yên Khánh đang tập trung khắc phục tình trạng ngập úng, khôi phục sản xuất sau mưa bão số 3.
Xã Khánh Thành có diện tích rau màu lớn của huyện. Vụ mùa năm nay, xã gieo cấy hơn 500 ha, trong đó hơn 443 ha lúa, còn lại là rau màu các loại. Thực hiện chỉ đạo của huyện, từ ngày 5/9, toàn bộ diện tích cấy lúa của xã đã được rút kiệt nước trong đồng nên khi mưa lớn xảy ra, cùng với việc huy động trạm bơm vận hành trực 24/24h bơm tiêu nước trong đồng nên đã hạn chế tình trạng ngập úng gây thiệt hại cho cây trồng. Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa của xã đang vào giai đoạn trỗ bông, không bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ vừa qua.
Còn đối với diện tích rau màu, trước khi bão đổ bộ, HTX sản xuất tiêu thụ rau an toàn Khánh Thành đã vận động bà con tranh thủ thu hoạch toàn bộ diện tích bí xanh, cà chua và một số loại cây leo giàn. Ngoài ra, còn một số diện tích cây rau dưa, cây leo giàn chưa đến kỳ thu hoạch, bị ảnh hưởng bởi thời tiết gây ngập úng có nguy cơ mất trắng.
Ông Hoàng Minh Thịnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thành cho biết: Để khắc phục những thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, xã đang chỉ đạo HTX hướng dẫn bà con đối với diện tích rau màu bị ngập úng, sau khi nước rút sẽ tiến hành vệ sinh đồng ruộng, triển khai gieo trồng một số loại cây ngắn ngày, bảo đảm bổ sung nguồn rau xanh phục vụ thị trường. Đối với diện tích lúa, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sâu bệnh phát sinh cuối vụ để kịp thời phun phòng.
Đang trực tiếp ra đồng kiểm tra diện tích lúa của gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, bác Trần Văn Tĩnh ở xóm 2, Xuân Tiến (xã Khánh Vân) cho biết: Vụ mùa này, gia đình tôi cấy 1 mẫu lúa mùa sớm bằng giống Khang dân 18. Do làm tốt công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, diệt chuột, đến nay diện tích lúa của gia đình đã chuẩn bị cho thu hoạch. Bác Tĩnh cho biết: Chờ sau khi hết mưa, gia đình sẽ thuê máy gặt tiến hành thu hoạch diện tích lúa đã chín với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Sau khi thu hoạch xong diện tích lúa, chúng tôi sẽ tiến hành làm đất, lên luống chuẩn bị xuống giống trồng ngô ngọt vụ đông.
Vụ mùa năm nay, huyện Yên Khánh gieo cấy gần 8.000 ha cây trồng các loại, trong đó, diện tích lúa hơn 7.500 ha; rau các loại gần 300 ha. Hiện nay, diện tích lúa mùa sớm đã vào mẩy, chuẩn bị cho thu hoạch, trà mùa trung đang vào giai đoạn làm đòng, trỗ bông. Do làm tốt công tác chỉ đạo tập trung chống úng cho lúa, huy động tối đa các loại máy bơm tiến hành bơm tiêu nước trong đồng nên hạn chế được tình trạng lúa bị ngập.
Những ngày qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật phối hợp cùng các xã tổ chức thăm đồng, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc cho lúa. Đối với diện tích mùa sớm, tuyên truyền, vận động bà con tranh thủ thời tiết tạnh ráo tiến hành thu hoạch nhanh gọn với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", hạn chế thiệt hại do thời tiết gây nên. Còn đối với diện tích lúa mùa trung đang vào giai đoạn trỗ bông, thường xuyên tổ chức thăm đồng, kiểm tra tình hình, đối với những diện tích ngập nước sẽ tổ chức bơm tiêu nước trong đồng, tránh để lúa bị ngập úng, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Trước những diễn biến bất thường của thời tiết gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo các HTX nông nghiệp thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết có biện pháp khắc phục kịp thời. Ngay khi nước rút, các đơn vị chức năng hướng dẫn nông dân kịp thời khoanh vùng, tiêu úng nhanh, bảo đảm không để lúa, rau màu bị ngập sâu trong thời gian dài; phổ biến các biện pháp kỹ thuật chăm sóc những diện tích lúa, rau màu bị ngập.
Đối với diện tích rau màu chưa đến thời kỳ thu hoạch bị thiệt hại, không có khả năng phục hồi, sau khi nước rút tiến hành thu gom các cây hoa, rau bị thiệt hại nặng để tiêu hủy, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ. Đối với những diện tích chưa đến kỳ thu hoạch có thể khôi phục được cần khơi thông dòng chảy, rãnh thoát nước trên ruộng; sau khi nước rút, vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo, xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất, tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK…
Trong những ngày tới, mưa lũ sẽ qua đi, nước rút nhưng nhiều diện tích lúa có thể sẽ bị nhiễm sâu bệnh hại. Do đó, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo các HTX nông nghiệp và nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến, tình hình thời tiết, sâu bệnh hại cây trồng để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Bài, ảnh: Hồng Nhung