Yên Lạc phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu cam kết trong lĩnh vực đất đai

Năm 2022 là năm thứ 2 huyện Yên Lạc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các chỉ tiêu huyện đã ký cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, lĩnh vực đất đai là một trong những nội dung trọng tâm được huyện quyết tâm chỉ đạo để hoàn thành chỉ tiêu.

Xã Trung Nguyên giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách, chịu trách nhiệm từng vụ việc cụ thể, nhằm xử lý các trường hợp vi phạm đất đai trên địa bàn

Xã Trung Nguyên giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách, chịu trách nhiệm từng vụ việc cụ thể, nhằm xử lý các trường hợp vi phạm đất đai trên địa bàn

Những kết quả tích cực

Giải quyết những tồn tại trong lĩnh vực đất đai là một trong những nội dung huyện Yên Lạc ký cam kết thực hiện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2021. Nhờ việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, xã, thị trấn, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá cán bộ cuối năm; cùng sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, năm 2021, toàn huyện xử lý được hơn 425 trường hợp vi phạm, đạt 101% kế hoạch cam kết với Tỉnh ủy.

Trong đó, có 14/17 xã hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao theo cam kết với tỉnh. Xử lý triệt để 41/41 trường hợp vi phạm ngay khi mới phát sinh, không đề tồn đọng, kéo dài, khiếu nại, tố cáo.

Theo thống kê, đến cuối năm 2021, trên địa bàn huyện có gần 1.500 trường hợp vi phạm đất đai với tổng diện tích trên 44,6 ha, hơn 90% trường hợp tự ý lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép…; còn lại là các trường hợp đã thu tiền sử dụng đất nhưng chưa được giao đất và chưa được công nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phần lớn các trường hợp vi phạm đều xảy ra từ trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực.

Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2024 huyện sẽ giải quyết xong các trường hợp vi phạm về đất đai, dựa trên kết quả rà soát các trường hợp vi phạm, huyện đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn, trong đó, xác định lộ trình cụ thể theo từng năm. Gắn trách nhiệm với người đứng đầu chính quyền xã, thị trấn và thủ trưởng các cơ quan liên quan.

Huyện sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các xã, thị trấn không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để phát sinh các trường hợp vi phạm mới, không có biện pháp ngăn chặn, không xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng từ trước năm 2014, gây bức xúc dư luận. Thành lập Tổ công tác xử lý vi phạm đất đai; xây dựng Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

Lộ trình cụ thể trong năm 2022

Năm 2022, huyện phấn đấu giải quyết xong hơn 500 vụ vi phạm đất đai; hoàn thành cấp GCNQSD đất dịch vụ; giải quyết dứt điểm 100% vụ việc phát sinh mới; thu hồi, GPMB xong 8 dự án trở lên; giải quyết dứt điểm từ 2 vụ việc khiếu nại tố cáo về lĩnh vực đất đai; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, phấn đấu có 85% người dân, doanh nghiệp hài lòng về thái độ của cán bộ, thời gian cũng như chất lượng giải quyết TTHC về đất đai.

Trong đó, việc xử lý triệt để đối với các vi phạm đất đai tại xã Tề Lỗ, Đồng Văn, Trung Nguyên là một trong những chỉ tiêu khó, phức tạp, bởi đây là những “điểm nóng” về đất đai, đa số các trường hợp vi phạm từ nhiều năm trước. Để đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ quan, xã, thị trấn.

Với quan điểm “dễ làm trước, khó làm sau”, huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn dựa trên kết quả thống kê, phân loại, lập danh sách từng trường hợp vi phạm để xây dựng kế hoạch xử lý, giải quyết dứt điểm. Quá trình thực hiện, phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cho từng cán bộ, đảng viên gắn với trách nhiệm, vị trí của từng người. Định kỳ hằng tháng, các xã, thị trấn, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện với Ban Thường vụ Huyện ủy, nghiêm túc kiểm điểm những việc chưa làm được, xây dựng phương án khắc phục trong tháng tới.

Quá trình thực hiện, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực thi công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu; có sự giám sát của HĐND, MTTQ và nhân dân; lấy kết quả giải quyết vi phạm đất đai là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ hằng năm.

Trong đó, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, qua đó chọn lựa được những cán bộ có năng lực, đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực đất đai.

Đối với các trường hợp vi phạm tại xã Tề Lỗ, Trung Nguyên, Đồng Văn, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong công tác giải phóng mặt bằng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, để giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về mặt bằng cho người dân tại các làng nghề, huyện đang nghiên cứu để có cơ chế tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh thuê đất, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực của từng cán bộ, đảng viên, tin rằng, Yên Lạc sẽ khơi thông được điểm nghẽn trong công tác quản lý đất đai, tiếp tục đạt những kết quả tích cực.

Bài, ảnh: Kim Ngân

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phap-luat/74845/yen-lac-phan-dau-hoan-thanh-chi-tieu-cam-ket-trong-linh-vuc-dat-dai.html