Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Xây dựng Chương trình phát triển đô thị Nguyệt Đức đến năm 2030
Xây dựng Chương trình phát triển đô thị Nguyệt Đức là bước quan trọng nhằm xác định các chương trình dự án, hạng mục đầu tư xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp theo lộ trình phát triển, thực hiện mục tiêu là đô thị loại V, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo diện mạo mới về kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh hiện đại.
Xã Nguyệt Đức nằm ở cửa ngõ phía Nam huyện Yên Lạc là đầu mối giao thông quan trọng phía Nam huyện Yên Lạc, với tổng diện tích tự nhiên là 627,96ha, có 11 khu dân cư, được công nhận là đô thị loại V năm 2019.
Những năm gần đây, song song với tăng trưởng kinh tế, việc đô thị hóa trên địa bàn diễn ra với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, quá trình hình thành và phát triển đô thị mới chưa đồng đều. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật; kiến trúc không gian dân cư tại nhiều khu vực xây dựng mang tính tự phát, làm ảnh hưởng chung đến cảnh quan đô thị. Đô thị được hình thành bởi yếu tố dịch vụ thương mại là chính, yếu tố trung tâm hành chính, chính trị còn chưa phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhưng chưa đồng bộ, tuy đã có sự cố gắng đầu tư nhưng hiện tại hệ thống đô thị còn hạn chế.
Để tạo tiền đề cho đô thị Nguyệt Đức phát triển nhanh, bền vững thực hiện được mục tiêu phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và của huyện Yên Lạc nói riêng, việc xây dựng Chương trình phát triển đô thị Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 là rất cần thiết. Chương trình sẽ cụ thể hóa, thực hiện các tiêu chuẩn, chỉ tiêu phát triển đô thị đến năm 2030 theo Chương trình phát triển đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch chung tỉnh Vĩnh Phúc, quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc và cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị, xác định các khu vực phát triển đô thị, xây dựng kế hoạch lộ trình phát triển cơ sở hạ tầng và không gian đô thị nhằm đảm bảo tính liên kết và đồng bộ giữa các quy hoạch các ngành, giữa các khu vực phát triển đô thị trong huyện và đô thị lân cận.
Chương trình phát triển đô thị Nguyệt Đức được xây dựng với mục tiêu, sẽ từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đô thị phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn huyện, làm cơ sở xác định lộ trình đầu tư phát triển đô thị, các khu vực ưu tiên đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch cho từng giai đoạn 5 năm và hàng năm; triển khai các giải pháp và nhiệm vụ thực hiện cho từng giai đoạn nhằm thu hút nguồn vốn và huy động các nguồn lực đầu tư vào mục tiêu xây dựng đô thị, nâng cao năng lực, trách nhiệm của chính quyền đô thị, thiết lập kỷ cương và tạo nguồn lực phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn huyện.
Theo đó, xã Nguyệt Đức sẽ tập trung nguồn lực trong và ngoài ngân sách ưu tiên phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung của khu vực trung tâm xã kết nối với các khu vực còn lại, hướng tới mục tiêu là trung tâm dịch vụ thương mại, nhà ở, đầu mối giao thông có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Yên Lạc và khu vực; khắc phục những chỉ tiêu còn thiếu sau khi nâng loại các đô thị.
Trong đó, xã Nguyệt Đức sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường kết nối từ đường Vành đai 4 tỉnh Vĩnh Phúc (thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên) đến đê Trung ương; cải tạo, nâng cấp đường giao thông huyện Yên Lạc, tuyến từ Trung tâm văn hóa xã Nguyệt Đức đi đường Cầu Trắng - Can Bi; đường giao thông huyện Yên Lạc, tuyến từ đường Vành đai 4 đi đê Trung ương; đường giao thông huyện Yên Lạc, tuyến từ đê tả sông Hồng đi đường Hồng Phương - Trung Kiên; nhà máy xử lý nước thải Nguyệt Đức; Khu đô thị Nguyệt Đức; Khu đô thị mới Nguyệt Đức…
Dự kiến, tổng nhu cầu vốn phục vụ phát triển đô thị Nguyệt Đức đến năm 2030 là 1.962 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 537 tỷ đồng; ngân sách huyện là 125 tỷ đồng; ngân sách xã là 300 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách 1.000 tỷ đồng.
Để thu hút được nguồn lực đầu tư phát triển đô thị Nguyệt Đức, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; rà soát và xây dựng thông tin chi tiết về dự án đối với danh mục kêu gọi đầu tư để làm cơ sở cho việc kêu gọi các nhà đầu tư; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, y tế và các hoạt động dịch vụ khác, đảm bảo nguyên tắc tăng tỉ lệ xã hội hóa trong cơ cấu nguồn kinh phí và mô hình quản lý; tăng cường hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là công trình trọng điểm.
Huy động các nguồn vốn trong dân và các doanh nghiệp để đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện các chương trình xã hội hóa đường giao thông quy mô nhỏ, kiên cố hóa kênh mương, lát vỉa hè, cây xanh… và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đô thị.
Khuyến khích, nghiên cứu lập các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) như: BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BT (xây dựng - chuyển giao), BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ)... để huy động các nguồn vốn từ doanh nghiệp.