Yên lành Hang Kia, Pà Cò

Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) từng là miền đất dữ, nơi mà chỉ nhắc đến thôi người ta đã ngại vào. Những năm qua, với nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa, làm giàu trên chính quê hương mình, nơi đây đã trở thành điểm đến ưa thích của khách du lịch.

Nhắc tới Hang Kia, Pà Cò hẳn trong ký ức của nhiều người sẽ còn nhớ đây là vùng đất của nghèo đói, thất học và ma túy; nhớ những xe máy buộc xích quanh lốp để tăng độ bám đường; nhớ ánh mắt xa lạ cảnh giác của những người lạ thâm nhập vào làng bản… Giờ thì cả vùng đất ấy như phủ lên một phép lạ, nhiệm màu. Người dân cởi mở, chan hòa, thân thiện; cuộc sống kinh tế khởi sắc; truyền thống văn hóa dân tộc được giữ gìn.

Niềm vui của các em nhỏ bản Lũng Mài khi được tặng khăn áo mới

Niềm vui của các em nhỏ bản Lũng Mài khi được tặng khăn áo mới

Chúng tôi đến Hang Kia, Pà Cò lần này có hai việc chính, một là dẫn đoàn từ thiện của rất nhiều người bạn từ Nam chí Bắc quen nhau trên internet muốn đến làm một việc gì đó có ích cho mảnh đất còn nghèo khó; hai là giới thiệu cho những người bạn miền Nam đến một địa điểm du lịch đẹp để họ có thể giới thiệu cho nhiều người trong đó biết thêm điểm du lịch hấp dẫn. Và ở Hang Kia có mây. Quả thật nếu ai đã từng đến Y Tý, Fansipan-những điểm “săn mây” nổi tiếng thì sẽ thấy mây ở Hang Kia đẹp chẳng kém là mấy.

Chúng tôi dễ dàng sắp xếp được lịch trình sinh hoạt và du lịch qua những thông tin trên internet (thứ mà đối với người dân tộc Mông ở Hang Kia sử dụng rất thành thạo để quảng bá hình ảnh quê hương mình). Ở “đầu cầu” đón tiếp chúng tôi là hai vợ chồng Vàng A Nhà và Sùng Y Nhàn, hai người sở hữu cơ sở lưu trú homestay có tên Sùng Y Múa. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết hai vợ chồng này là người địa phương, sinh ra và lớn lên tại Hang Kia. Chị Nhàn từng là cán bộ đoàn xã, anh Nhà là Công an tỉnh Hòa Bình, nhân dịp cuối tuần về giúp vợ tiếp khách.

Hai vợ chồng Nhà, Nhàn đã giúp chúng tôi liên hệ với trường tiểu học và mầm non trên bản Thung Mài, nằm cách trung tâm xã Hang Kia chừng 8 cây số, nhưng đường rất khó đi. Dân thì 100% làm nông nghiệp, đất thiếu nước nên cuộc sống còn nhiều vất vả. Cái hay ở Thung Mài là mặc dù cuộc sống còn khó khăn nhưng người dân rất quan tâm đến việc học của con em. Nhiều năm qua, bản luôn có 100% trẻ em đến trường. Biết được thông tin đó, anh Lê Thanh Sơn, trưởng đoàn từ thiện đã kêu gọi người thân, bạn bè trao áo rét, ủng, bút, vở tặng học sinh. Trong thời gian ngắn, đã có gần 100 bộ quần áo mới, bút, sách, giày, ủng tặng các em.

Nhìn trẻ em trong bản vui mừng, phấn khởi khi được nhận quà, anh Sùng A Tráng, bí thư chi bộ thôn, xúc động nói: “Món quà của đoàn đến thật đúng lúc và ý nghĩa. Các anh có biết mùa này chỉ 6 giờ chiều là cả bản đã ngập trong sương mù? Trời lạnh cắt da cắt thịt. Còn các em thì thường xuyên phải leo đá tai mèo đi học...”. A Sơn tươi cười chỉ vào chị Nhàn, nói: “Đây chính là người đã cho đoàn biết những điều đó”. Buổi phát quà chỉ diễn ra chưa đầy một tiếng đồng hồ, rồi đoàn từ thiện phải rút để kịp xuống núi, nhưng cả bản đã trở nên rộn rã hân hoan, khắp nơi đầy chặt tiếng cười, những cái bắt tay siết chặt.

Trên đường trở về homestay Sùng Y Múa, các bạn miền Nam cũng rất xúc động khi được trải nghiệm hành trình vượt núi, đạp trên đá tai mèo. Nhiều chị rưng rưng khi nhớ lại lúc vào thăm nhà gia đình dân bản, cuộc sống người dân còn nghèo, nhưng sự tự trọng thì rất cao. Gần như những bức vách đều dán kín bằng khen, danh hiệu mà mỗi thành viên trong gia đình đạt được. Qua câu chuyện với trưởng thôn Khà A Chu, tôi còn biết thêm bản Thung Mài là một trong số ít bản hiếm hoi không bị nỗi đau ma túy gặm nhấm. Từ nay trở đi, hẳn nhiều người đã coi Hang Kia là miền đất để thương nhớ, để dừng chân ghé lại mỗi khi có dịp đi ngang. Miền đất lành!

Đường từ Thung Mài về trung tâm xã phải đi ngang qua “điểm săn mây” (đây dường như là điểm cao nhất của cả xã), chúng tôi tình cờ gặp Chủ tịch UBND xã Hang Kia là ông Khà A Váu. Gia đình ông Váu cũng có một nương trồng hoa, mở cửa cho khách tham quan, chụp ảnh. Hôm đó là chủ nhật nên ông Váu tranh thủ “nghỉ việc công” để ở nhà phụ giúp vợ con phục vụ du khách. Khi được hỏi, ông Váu trả lời rất chân tình: “Mình làm để người dân cùng làm. Có thêm thu nhập thì dân bớt tệ nạn”.

Thật vậy, có nhiều “chân lý” tưởng rất đơn giản mà ta ít nghĩ tới để luận giải, cắt nghĩa, như kiểu: Không có thời gian tiêu tiền vì bận kiếm tiền. Điều này trước đó tôi cũng đã từng nghe vợ chồng Nhà-Nhàn nói rồi nhưng không để ý. Thì ra cơ sở lưu trú homestay của họ mở ra từ năm 2013 nhưng do lúc đó xã còn nhiều bất ổn nên gần như không có khách. Mới đó mà đã 6 năm, được sự quan tâm của Nhà nước nên điện, đường, trường, trạm về với Hang Kia đem đến đổi thay bất ngờ. Vực lại sức sống của cả một cộng đồng rất giàu bản sắc văn hóa là người Mông. 6 năm để nụ cười trở lại nơi đây.

Bài và ảnh: ĐÔNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/yen-lanh-hang-kia-pa-co-604864