Yên Lập bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

PTĐT - Yên Lập là mảnh đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với 17 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng trong tiếng nói, chữ viết, trang phục, nhạc cụ và các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống…

Đồng bào dân tộc Dao xã Xuân Thủy trình diễn Múa rùa.

Đồng bào dân tộc Dao xã Xuân Thủy trình diễn Múa rùa.

PTĐT - Yên Lập là mảnh đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với 17 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng trong tiếng nói, chữ viết, trang phục, nhạc cụ và các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống… tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc. Những năm qua, huyện Yên Lập luôn chủ động xây dựng các chương trình, đề án, huy động các nguồn lực tập trung cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII (2015 - 2020), BTV Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo lĩnh vực Văn hóa - Thông tin; triển khai 2 đề tài khoa học cấp tỉnh: “Điều tra, nghiên cứu và đề xuất giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa, phát huy giá trị một số lễ hội dân gian tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường huyện Yên Lập”; “Tư liệu hóa và phục dựng một số di sản văn hóa truyền thống điển hình của người Dao Quần chẹt huyện Yên Lập”. Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo vệ, phát huy giá trị, công tác xã hội hóa được tăng cường, thu hút được đông đảo các tổ chức và nhân dân tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Về các loại trang phục, nhạc cụ, công cụ sản xuất của đồng bào các dân tộc Mường, Dao; nhà truyền thống của dân tộc Mường, đình chùa… của người Mường, người Kinh; các loại hình nghệ thuật âm nhạc, ca múa lễ hội, y học dân tộc… Các di tích, di sản văn hóa như: Khu Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh Chiến khu cách mạng Lòng Chảo Minh Hòa; Đình Phục Cổ (xã Minh Hòa); di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Căn cứ Tôn Sơn - Mộ Xuân (xã Xuân An) được trùng tu, tôn tạo bằng kinh phí Nhà nước cấp và huy động nguồn vốn của từ công tác xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân đóng góp. Trong quy ước, hương ước của các thôn đều đã được quy định, nhân dân có trách nhiệm bảo vệ và góp phần tôn tạo các giá trị văn hóa trên địa bàn. Việc truyền dạy, sử dụng, phát triển tiếng nói, chữ viết riêng của các dân tộc trong cộng đồng được nhiều cơ quan, đơn vị trong huyện tổ chức. Nhiều cá nhân tự nguyện truyền dạy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tiêu biểu như: Ông Phùng Sinh Huyện ở Khe Bằng, xã Trung Sơn; ông Dương Đức Toàn ở khu 12, xã Xuân Thủy dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao cho nhân dân; ông Nguyễn Mạnh Hoạch ở thôn Hạ Bạc, xã Đồng Thịnh tổ chức truyền dạy nghệ thuật múa Trống đu cho các học sinh…Yên Lập đã khôi phục một số lễ hội truyền thống của đồng bào Mường, Dao như: Lễ đóng cửa rừng, mở cửa rừng; Lễ vào nhà mới; Lễ chúc phúc; Lễ mừng cơm mới; Lễ lập tỉnh; Tết nhảy… Các thể loại văn nghệ dân gian như: Hát Giang, hát Ví, múa Mỡi, Trống Đu, Sênh Tiền… của đồng bào dân tộc Mường; Hát đối, Múa rùa, Múa chuông của dân tộc Dao được khôi phục. Trong năm 2019, Lễ Cấp sắc của người Dao Quần chẹt xã Xuân Thủy được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Yên Lập đang từng bước tìm kiếm khai thác những sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện như: Đan lát, ẩm thực gắn với nhà sàn truyền thống, một số làn điệu dân ca cổ của dân tộc Mường, dân tộc Dao để phục vụ cho hoạt động quảng bá du lịch vùng miền.Hiện nay, 186/186 khu dân cư có nhà văn hóa, trong đó trên 80% nhà văn hóa đạt tiêu chí nông thôn mới; 100% các khu dân cư đã xây dựng được quy ước, hương ước, duy trì và thành lập mới các CLB, đội văn nghệ diễn xướng dân gian. Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa dân tộc, ông Hoàng Mạnh Sơn- Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Lập cho biết: Cùng với tiếp tục đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa, ưu tiên các khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB văn hóa, các đội văn nghệ dân gian, các hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ, thi đấu thể thao của đồng bào các dân tộc trong huyện… nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Hoàng Giang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/202007/yen-lap-bao-ton-va-phat-huygia-tri-van-hoa-172025