Yên Lập: Bảo tồn và phát triển cây măng Gầy Trung Sơn

PTĐT - Vào những năm 1970, cây tre Gầy có phân bố tự nhiên ở xã Trung Sơn, huyện Yên Lập với hàng ngàn ha nhưng do tập quán canh tác, người dân khai thác tre Gầy theo truyền thống...

Thực hiện kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp chiết cành tại khe Gầy, xã Trung Sơn.

Thực hiện kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp chiết cành tại khe Gầy, xã Trung Sơn.

PTĐT - Vào những năm 1970, cây tre Gầy có phân bố tự nhiên ở xã Trung Sơn, huyện Yên Lập với hàng ngàn ha nhưng do tập quán canh tác, người dân khai thác tre Gầy theo truyền thống, chưa biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên rừng tre bị suy giảm cả về diện tích và chất lượng. Xuất phát từ thực tế đó, từ tháng 4/2015, huyện đã phối hợp, chủ trì thực hiện dự án khoa học “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo tồn và phát triển cây măng Gầy Trung Sơn”, với mục tiêu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng thành công mô hình bảo tồn và phát triển cây măng Gầy Trung Sơn làm cơ sở để nhân rộng trên quy mô khoảng 300ha trên địa bàn huyện, góp phần bổ sung vào cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế nhằm cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Theo ông Trần Tiến Chức - Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện, măng Gầy là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng với hàm lượng Protein ở mức trung bình, Gluxit thấp hơn các loài tre khác nhưng hàm lượng Lipid lại cao hơn. Hàm lượng Sắt trong măng Gầy cao hơn tất cả các loại rau củ quả và không có Asen nên rất an toàn khi sử dụng như thực phẩm. Cây tre Gầy đã được người dân trồng ở ven đồi rừng hoặc vườn nhà để lấy măng cho nhu cầu gia đình và bán măng tươi, việc thu hoạch, chế biến măng khô còn rất ít. Qua điều tra, khảo sát, dự án đã lựa chọn rừng măng Gầy tại xã Trung Sơn để tiến hành thiết kế, xây dựng các biện pháp kỹ thuật bảo tồn, huyện đã xây dựng vườn ươm, nhân giống cây măng Gầy phục vụ thực hiện mô hình và nhân rộng với diện tích 4.000m2, công suất 15.000 - 20.000 cây giống/năm; tổng quy mô 10ha tại 3 xã Trung Sơn, Nga Hoàng, Xuân Viên với gần 20 hộ tham gia mô hình bảo tồn, trồng, ươm cây măng Gầy với diện tích tối thiểu 0,5ha/hộ. Các hộ tham gia sẽ được cấp phát giống, phân bón; bồi dưỡng, tập huấn về phương thức, mật độ, tiêu chuẩn cây giống, kỹ thuật làm đất, gây trồng, chăm sóc theo quy trình chuyển giao; sơ chế, phân tích, đánh giá chất lượng măng Gầy và hoàn thiện quy trình sơ chế, bảo quản sản phẩm... Dự án thực hiện theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng trên thực tế, tiến hành tổng hợp và biên soạn lại quy trình kỹ thuật nhân giống phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, sau đó hướng dẫn, chuyển giao cho người dân. Việc xây dựng thành công mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để bảo tồn, khôi phục, phát triển cây măng Gầy tại xã Trung Sơn có tác động rất lớn đối với các hộ gia đình có vườn và đồi rừng. Bên cạnh các sản phẩm lâm sản chính thu được từ rừng thì măng tre Gầy sẽ mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người sản xuất. Từ tháng 10 - 2018 (thời điểm kết thúc dự án) đến nay, thấy được hiệu quả từ cây măng Gầy đem lại, người dân địa phương tiếp tục trồng, nhân rộng, mang lại lợi ích kinh tế, thêm nguồn thu, tăng thu nhập, ổn định đời sống. Hiện nay, măng Gầy trên thị trường không nhiều, với giá bán 10.000 đồng/kg măng tươi trong vụ, nếu được áp dụng đúng kỹ thuật thì 1ha trồng 300 bụi sẽ thu được 5.000kg măng, tương đương trên 50 triệu đồng/ha. Có thể chế biến thành măng khô để dễ bảo quản và tiêu thụ quanh năm, theo giá thời điểm hiện tại khoảng 180.000 đồng/kg măng khô, so sánh hiệu quả kinh tế giữa cây măng Gầy với cây keo trồng tại khu vực này thì cây măng cho thu nhập cao hơn 2,5 - 3 lần. Trồng cây măng Gầy không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn nâng cao độ che phủ rừng và phòng hộ đầu nguồn.Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã và đơn vị liên quan quan tâm, tạo điều kiện cho người dân phát triển, mở rộng diện tích trồng măng Gầy Trung Sơn theo quy hoạch 300ha đã được duyệt, tiến tới xây dựng thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm đặc sản địa phương phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; đưa cây măng Gầy vào cơ cấu cây trồng rừng sản xuất và một phần của rừng phòng hộ, góp phần bổ sung một loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao vào cơ cấu cây trồng của tỉnh.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201906/yen-lap-bao-ton-va-phat-trien-cay-mang-gay-trung-son-165409