Yên Lập đảm bảo môi trường trong chăn nuôi

PTĐT - Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, huyện Yên Lập đã chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trang trại gà gia đình anh Dương Minh Tiến ở khu Đồng Hù, xã Thượng Long đạt chứng nhận GlobalGAP về đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.

Trang trại gà gia đình anh Dương Minh Tiến ở khu Đồng Hù, xã Thượng Long đạt chứng nhận GlobalGAP về đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.

Toàn huyện hiện có khoảng 116 trang trại chăn nuôi có quy mô chuồng trại từ 50m2 đến 1.000m2 với 10.880 đàn trâu, 9.840 đàn bò và hàng nghìn loại gia súc, gia cầm, thủy sản khác nhau. Trong đó, Lương Sơn, Xuân Viên, Ngọc Đồng, Ngọc Lập là những xã có nhiều trang trại nhất. Qua khảo sát thực tế cho thấy, phần lớn người dân vẫn giữ thói quen chăn nuôi truyền thống, làm chuồng trại ngay trong phần đất của gia đình hoặc theo hình thức thả rong. Chính vì vậy, các cấp chính quyền, đoàn thể ở nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và đạt được sự đồng thuận của cộng đồng.

Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân thường xuyên vệ sinh chuồng trại đảm bảo môi trường sạch sẽ.

Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân thường xuyên vệ sinh chuồng trại đảm bảo môi trường sạch sẽ.

Để đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, ngay khi khởi công xây dựng khu chuồng trại (năm 2018), gia đình anh Dương Minh Tiến ở khu Đồng Hù, xã Thượng Long đã chủ động lắp đặt hầm khí biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi, góp phần hiệu quả trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Anh Tiến cho biết: “Gia đình tôi hiện có khoảng 5.500 con gà, gần 10 con trâu, lại có thêm ao thả cá nên công tác bảo đảm vệ sinh môi trường luôn được chúng tôi tiến hành thường xuyên thông qua việc thu gom, xử lý phân rác và sử dụng vôi bột khử trùng rắc dưới nền chuồng, lối đi… Nhờ vậy, giúp đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh, tránh được các bệnh thông thường về hô hấp, tiêu hóa và giảm hẳn nguy cơ phát sinh, lây lan các dịch bệnh nguy hiểm”.Hiện nay, việc xử lý chất thải ra môi trường trong chăn nuôi là khâu rất quan trọng để bảo đảm chất lượng chăn nuôi cũng như sức khỏe của con người. Do đó, hằng năm, huyện Yên Lập đều thành lập các đoàn liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi. Từ đó, lập hồ sơ để quản lý theo quy định của pháp luật và yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường. Ông Phan Thanh Phương – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện cho biết: “Chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống của cộng đồng dân cư mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, đất, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi nên người dân cần lựa chọn vị trí xây dựng chuồng trại hợp lý, bảo đảm mỹ quan, hài hòa với các công trình khác, cách càng xa khu sinh hoạt với gia đình càng tốt; mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, thuận tiện về nguồn nước và việc thu gom xử lý chất thải... Ngoài ra, để hạn chế mùi hôi ở chuồng trại, người dân có thể dùng các chế phẩm vi sinh phun trên bề mặt chuồng. Có như vậy mới bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi”.

Cán bộ phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Yên Lập thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm tình trạng nước xung quanh các khu vực có nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm để đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm môi trường.

Cán bộ phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Yên Lập thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm tình trạng nước xung quanh các khu vực có nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm để đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm môi trường.

Theo báo cáo của phòng Tài nguyên & Môi trường, trên địa bàn huyện Yên Lập có trên 40 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có diện tích trên 1000m2 đạt chứng nhận GlobalGAP, các trang trại còn lại đều được xây dựng hầm biogas và sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, được quy hoạch tại các khu cách biệt với khu dân cư nên không gây ô nhiễm môi trường. Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, thời gian tới, huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành trong công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi và kiên quyết xử lý nếu phát hiện các trường hợp vi phạm; mở thêm nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi, ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật, ngành chuyên môn còn lồng ghép những nội dung về bảo vệ môi trường, những quy định của pháp luật để nông hộ áp dụng vào thực tế. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi chấp hành tốt việc bảo vệ môi trường, cần có ý thức trong việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại, hiệu quả. Đối với những hộ đã xây hầm biogas cũng cần tính toán không nên chăn nuôi thêm nhiều gia súc, gia cầm với số lượng quá khả năng xử lý chất thải của hầm để tránh tình trạng quá tải, đảm bảo môi trường xung quanh luôn sạch đẹp.Những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Yên Lập đang từng bước phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ nông dân, góp phần xây dựng môi trường sống xanh – sạch -đẹp.

Quốc Đại

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202011/yen-lap-dam-bao-moi-truong-trong-chan-nuoi-173975