Yên Lập phát triển rừng cây gỗ lớn
Với đất rừng sản xuất lớn, khoảng 23.000ha, phần lớn người dân trên địa bàn sống dựa vào việc trồng rừng nên lâm nghiệp được xác định là một trong những ngành kinh tế...
(baophutho.vn)
- Với đất rừng sản xuất lớn, khoảng 23.000ha, phần lớn người dân trên địa bàn sống dựa vào việc trồng rừng nên lâm nghiệp được xác định là một trong những ngành kinh tế chủ lực của huyện miền núi Yên Lập. Để phát triển lâm nghiệp, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó chú trọng công tác phát triển rừng cây gỗ lớn để nâng cao giá trị kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh rừng keo lai của gia đình, bà Đinh Thị Mai, khu Đồng Dân, xã Đồng Lạc chia sẻ: “Nguồn thu chính của gia đình tôi là từ việc trồng rừng. Qua nhiều năm sản xuất, nhận thấy trồng rừng gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình đã quyết định chuyển hóa một phần diện tích sang rừng gỗ lớn. Hiện tại, gia đình có 12ha keo đã trồng được 7 năm, sẽ chuyển hóa sang rừng gỗ lớn”. Theo tính toán của bà Mai, với diện tích 12ha keo, hiện tại thu hoạch cho thu nhập 850 - 950 triệu đồng, nhưng để thêm 3- 5 năm sẽ mang lại nguồn thu khoảng 1,4 - 1,8 tỉ đồng. Đồng Lạc là một trong những địa phương có diện tích đất rừng sản xuất lớn của huyện Yên Lập với 260ha. Để khai thác thế mạnh kinh tế lâm nghiệp, xã đã xác định phát triển kinh tế đồi rừng gắn với chăn nuôi đại gia súc là một trong hai khâu đột phát của nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Vũ Bằng Phi - Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc cho biết: “Xác định phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, chuyển hóa từng phần diện tích sang rừng gỗ lớn sẽ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đảm bảo nâng cao thu nhập, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân kéo dài chu kỳ khai thác để mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ đó, trong năm 2020, xã đã thực hiện chuyển hóa 39ha rừng cây gỗ lớn, đạt 130% chỉ tiêu kế hoạch. Việc chuyển hóa rừng gỗ lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 9%. Năm 2021, việc thực hiện mô hình trồng, chuyển hóa rừng gỗ lớn sẽ nhận được hỗ trợ vốn của Nhà nước, tỉnh, đây là tín hiệu vui cho những người trồng rừng và là điều kiện thuận lợi để địa phương hoàn thành trồng, chuyển hóa thêm 40ha thành rừng gỗ lớn. Không riêng tại Đồng Lạc, những năm gần đây, hầu hết các địa phương ở huyện Yên Lập đều chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, tập trung ở các xã: Mỹ Lung, Mỹ Lương, Ngọc Đồng… Ông Nguyễn Duy Vững - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Yên Lập cho biết: “Việc phát triển rừng gỗ lớn có ý nghĩa quan trọng là tăng tỉ lệ che phủ rừng, giảm xói mòn và rửa trôi đất, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; đồng thời, tạo sinh kế cho các gia đình, nâng cao đời sống người dân và phát huy tính bền vững trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp tại địa phương. Do đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng trên địa bàn huyện đã tích cực chỉ đạo, định hướng, khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân phát triển rừng, tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Sau khi triển khai thực hiện cho thấy, ý thức trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng của người dân được nâng lên.Trong giai đoạn 2015-2020, diện tích trồng rừng tập trung toàn huyện đạt 7.214,5ha, vượt 44,3%; bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ duy trì hàng năm 7.600ha; cây gỗ lớn tăng 5%, năng suất rừng trồng thâm canh vượt 10%; sản lượng gỗ khai thác hàng năm đạt hơn 120 nghìn m3. Năm 2021, huyện Yên Lập tiến hành trồng mới 400ha và chuyển hóa 120ha rừng cây gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn…”.Từ trồng rừng gỗ lớn, các hộ dân đã có thu nhập ổn định, bình quân đạt trên 28 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,4%/năm; tạo thuận lợi thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện Yên Lập đã có 5/16 xã và trên 30 khu dân cư đạt khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Yên Lập đã xác định phát triển kinh tế đồi rừng, trọng tâm là cây gỗ lớn, cây dược liệu, cây ăn quả là một trong hai nhiệm vụ phát triển kinh tế, vì vậy, huyện tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng gắn với hình thành các cơ sở chế biến ở địa phương; ngành Kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ lớn; khuyến khích các doanh nghiệp, gia đình liên kết đầu tư trồng rừng gỗ lớn để phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn, tương xứng với tiềm năng sẵn có của các địa phương.