Yên Lập: Tạo thuận lợi phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
PTĐT - Những năm gần đây, kinh tế của huyện Yên Lập tiếp tục phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực CN-TTCN đã có bước đột phá, giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2018 đạt trên 505 tỷ đồng, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực CN-TTCN tăng dần, chiếm 12,9% lao động toàn huyện.
Trong 2 cụm công nghiệp (CCN), tỷ lệ lao động chiếm 18,52% trong tổng lao động CN-TTCN toàn huyện. Về sản xuất CN-TTCN và chế biến sâu các sản phẩm nông - lâm sản và vật liệu xây dựng, sản lượng chè khô chế biến đạt 7,86 ngàn tấn, tỷ lệ sản phẩm được chế biến sâu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tăng từ 45% năm 2016 lên 65% năm 2018. Các cơ sở sản xuất và chế biến chè đã có sự liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương, điển hình như các nhà máy chè Á Châu - xã Ngọc Lập, Phú Hà - xã Xuân Thủy; các doanh nghiệp tư nhân Tiến Cường - xã Hưng Long, Hoàng Hiếu- xã Ngọc Đồng; Công ty TNHH chè Ngọc Đồng - xã Ngọc Đồng... Chế biến gỗ rừng trồng đạt 5.000m3, sản xuất gỗ ván bóc được đầu tư và phát triển tốt, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương. Sản lượng khai thác chế biến đá thành vật liệu xây dựng đạt 186.600m3; gạch sản xuất đạt 25,3 triệu viên... Giá trị sản xuất của các CCN theo giá thực tế đạt 219 tỷ đồng. Đến hết tháng 7/2019, 2 CCN đã cho thuê 21,16ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 38,1%.Theo ông Nguyễn Huy Tài - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, huyện đã chỉ đạo quyết liệt về lĩnh vực phát triển CN-TTCN, đặc biệt là tập trung nguồn lực và thực hiện nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng, nhờ đó đã thu hút được 11 nhà đầu tư vào CCN, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Dự kiến năm 2019 giá trị sản xuất CN-TTCN ước đạt trên 600 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2018; phấn đấu tốc độ tăng trưởng CN-TTCN hàng năm tăng trên 20%. Để đạt mục tiêu đề ra huyện tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất một số sản phẩm mới và chế biến sâu các sản phẩm có chất lượng, giá trị cao như sản xuất tinh dầu quế và các sản phẩm tẩy rửa từ cây quế, chế biến gỗ, chè đen, may xuất khẩu, chế biến thức ăn gia súc... Với mục tiêu phát triển CN- TTCN theo định hướng thị trường, đa ngành nghề, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển CN-TTCN, thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất; tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên doanh, liên kết; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, tạo thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, chỉ đạo phát triển điểm sản xuất CN-TTCN ở các xã theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới; gắn phát triển sản xuất công nghiệp với quy hoạch phát triển các ngành, vùng nguyên liệu tại địa phương. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế đồi rừng để có nguồn nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm nông - lâm nghiệp, chế biến dược liệu. Chú trọng thu hút đầu tư vào khâu sản xuất, chế biến sản phẩm từ sơ chế sang chế biến sâu và xây dựng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có thương hiệu…