Yên Lập tập trung chống rét cho trâu bò

Là một huyện miền núi, mùa đông ở Yên Lập thường xảy ra tình trạng rét đậm, rét hại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cây trồng, vật nuôi. Trong những ngày cuối năm 2022, trên địa bàn huyện Yên Lập mưa rét kéo dài, nhiều khu vực nhiệt độ xuống thấp, do đó công tác phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đặc biệt quan tâm nhằm bảo vệ sức kéo, giảm thiệt hại về kinh tế.

Gia đình chị Mai Thị Uyên, khu Bến Sơn, thị trấn Yên Lập dự trữ cỏ cho đàn bò.

Để giảm thiểu thiệt hại cho gia súc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chủ động lập kế hoạch phòng, chống đói, rét cho gia súc và triển khai đến tất cả các xã trong huyện. Đồng thời, phối hợp các ngành của huyện đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo các xã, thôn vận động người chăn nuôi chấp hành việc di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực đồi núi; đưa trâu, bò thả rông về chỗ nuôi nhốt.

Hiện huyện Yên Lập có tổng đàn trâu, bò hơn 15 ngàn con; các xã có đàn trâu bò lớn như Mỹ Lung, Lương Sơn, Trung Sơn, Phúc Khánh… UBND huyện, Phòng NN-PTNT huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường phòng chống dịch bệnh, chống rét cho gia súc, gia cầm; chủ động phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các biện pháp đến từng khu dân cư; hướng dẫn bà con nông dân che chắn, sửa chữa hoặc làm mới chuồng trại chăn nuôi, nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm, thường xuyên đảm bảo khô ráo, kín gió; hướng dẫn cách chống rét như làm áo khoác cho trâu bò, đốt củi trấu; tích cực trồng cỏ, ngô dày trên diện tích đất không sử dụng trồng cây vụ đông, đất soi bãi, hoang hóa để chủ động cắt làm thức ăn cho gia súc.

Bên cạnh các hình thức như họp khu dân cư, tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cán bộ nông nghiệp còn đến từng hộ dân khuyến cáo người chăn nuôi dự trữ thức ăn thô cho gia súc; phổ biến các phương pháp chế biến thức ăn cho vụ đông, tiêm thuốc phòng bệnh mùa rét cho gia súc.

Ông Hoàng Văn Cường - Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: Để tăng cường chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, phòng NN-PTNT huyện đã phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi như tận dụng, bảo quản tốt các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây ngô, cây chuối… làm thức ăn cho trâu bò. Sửa chữa, che chắn lại chuồng trại chăn nuôi để đảm bảo kín gió, vệ sinh nền chuồng sạch sẽ. Chủ động thực hiện các biện pháp tiêm phòng vác xin cũng như tiêu độc khử trùng môi trường khu vực chăn nuôi. Trong thời kỳ rét đậm, rét hại nhiệt độ xuống thấp dưới 150C, yêu cầu người dân không thả rông gia súc, gia cầm và không sử dụng trâu, bò để cày kéo; cho ăn đầy đủ thức ăn thô và bổ sung các loại thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, bột sắn, cháo muối, vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng, đồng thời có biện pháp giữ ấm cho gia súc, gia cầm như che chắn chuồng trại, mặc áo bao tải cho trâu, bò.

Các gia đình nuôi nhốt trâu tại chuồng có quây phủ bạt chắn gió.

Tại xã Thượng Long, công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc cũng đã được triển khai tích cực. Hầu hết chuồng trại chăn nuôi được che chắn cẩn thận, các hộ đã chuẩn bị thức ăn dự trữ cho trâu bò, không có hiện tượng thả rông trâu bò ngoài đồng, ruộng. Chị Đinh Thị Thủy - khu Móc, xã Thượng Long cho biết: “Do có sự chuẩn bị trước và được tuyên truyền về cách phòng chống rét cho trâu, bò nên các gia đình đã chủ động che chắn chuồng trại, chuẩn bị thân cây ngô làm thức ăn dự trữ những ngày rét, bên cạnh đó còn cho ăn thêm cám ngô và muối để chống rét và bổ sung dinh dưỡng cho trâu bò”.

Không để bị động khi có đợt rét đậm, rét hại xảy ra, bà con nông dân các xã vùng cao giờ đây đã tự trang bị kiến thức, kinh nghiệm, hầu hết các hộ có trâu, bò đều đã chủ động trong công tác chống rét và chống đói cho gia súc.

Ông Trần Kim Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung khẳng định: Trước, bà con hay thả rông trâu, bò lên đồi, nhưng bây giờ, cứ rét là cho vào chuồng, căng bạt sưởi ấm và cho ăn đủ, nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ vật nuôi được nâng lên rất nhiều. Ai cũng hiểu “con trâu là đầu cơ nghiệp”!

Tuy nhiên, tại một số xã vẫn còn tình trạng một số hộ để trâu bò thả rông, chuồng trại vẫn chưa được che phủ kỹ. Nguyên nhân là do tâm lý chủ quan và nhận thức của bà con còn hạn chế. Theo dự báo của ngành khí tượng, rét đậm, rét hại sẽ xuất hiện muộn và kéo dài cho đến Tết Nguyên đán. Do đó, việc triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc phải thực hiện sớm, đặc biệt là nâng cao ý thức cho các hộ chăn nuôi gia súc sẽ là những biện pháp quan trọng để góp phần giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi của huyện Yên Lập trong mùa rét năm nay.

Gia Minh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/yen-lap-tap-trung-chong-ret-cho-trau-bo/189440.htm