Yên Lập tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

PTĐT - Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 47 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Lập khóa XXIII về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN,TTCN)...

Nhà máy may số 6 - Công ty cổ phần may Sông Hồng, Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập tạo việc làm thường xuyên, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Nhà máy may số 6 - Công ty cổ phần may Sông Hồng, Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập tạo việc làm thường xuyên, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

PTĐT - Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 47 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Lập khóa XXIII về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN,TTCN), trọng tâm là công nghiệp chế biến sâu nông lâm sản, vật liệu xây dựng và phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2016-2020, đến nay sản xuất CN,TTCN của huyện đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập đã được thành lập, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, sản phẩm đa dạng, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm ra ngoài nước. Để phát triển CN, TTCN, huyện đã triển khai các chính sách ưu đãi như ưu tiên về thuê đất, giao đất; hỗ trợ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn tốt; được tiếp cận các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng từ ngân sách nhà nước, các dự án, các nguồn hỗ trợ khác nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hộ cá thể tham gia phát triển CN,TTCN trên địa bàn, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, trọng tâm là chế biến sâu nông lâm sản và vật liệu xây dựng. Huyện chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; bố trí nguồn lực xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập, Cụm công nghiệp Lương Sơn; tăng cường quảng bá, giới thiệu, mời gọi, khuyến khích các nhà đầu tư để đưa 2 cụm công nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả, đồng thời tiếp tục đề nghị quy hoạch mới Cụm công nghiệp Mỹ Lung và Cụm công nghiệp Đồng Lạc với diện tích quy hoạch dự kiến 75ha/cụm.Đến nay Cụm CN thị trấn Yên lập đã có 3 dự án đi vào sản xuất, 1 dự án đang đầu tư xây dựng, 2 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư. Cụm CN Lương Sơn có 2 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh, 2 dự án đang thực hiện thủ tục thuê đất và đầu tư.Hiện trên địa bàn huyện có 30 doanh nghiệp, hợp tác xã và 699 cơ sở sản xuất đang hoạt động trong lĩnh vực CN,TTCN với trên 7.000 lao động. Năm 2020, giá trị sản xuất ước đạt 800.220 triệu đồng, vượt 0,03% so mục tiêu Nghị quyết; giai đoạn 2016-2020 bình quân tăng 20,2%/năm. Giá trị tăng thêm (tính theo giá 2010): năm 2020 ước đạt 236.280 triệu đồng, vượt 18,1% mục tiêu Nghị quyết. Tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp đạt 43,1%, trong đó Cụm CN thị trấn 70,93%, cụm CN Lương Sơn 22,5%.Các doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ vào sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm nông lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng. Một số sản phẩm chế biến sâu đã được cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước, tỷ lệ sản phẩm chè chế biến sâu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ước đạt 70%. Các cơ sở sản xuất, chế biến chè đã có sự liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho lao động là người địa phương như nhà máy chè Á Châu - xã Ngọc Lập, nhà máy chè Phú Hà - xã Xuân Thủy, Công ty TNHH chè Ngọc Đồng và doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hiếu - xã Ngọc Đồng... Huyện đã tập trung chỉ đạo và tạo điều kiện sản xuất sản phẩm chế biến sâu như: Các sản phẩm sản xuất từ tinh dầu quế gồm nước gội đầu, nước tẩy rửa… từ quế rừng trồng của HTX sản xuất chế biến NLN Trung Sơn; các cơ sở sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu, gỗ ván bóc được đầu tư, phát triển tốt, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương như Công ty TNHH MTV C&T Yên Lập - xã Hưng Long, công ty CP xây dựng và TM Hải Sơn - xã Lương Sơn... Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khai thác đá đầu tư dây chuyền chế biến sâu bê tông thương phẩm để tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và nguồn lao động của địa phương; các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng với sản phẩm gạch không nung, gạch tuynel có quy mô lớn như Công ty TNHH Tân Hoàng Gia, Công ty TNHH một thành viên Phúc Thành… Ông Nguyễn Huy Tài - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu cho huyện tiếp tục tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền tập trung phát triển sản xuất CN,TTCN; huy động các nguồn lực để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, trọng tâm thu hút vào các cụm công nghiệp. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh đầu tư phát triển CN,TTCN. Tích cực tranh thủ mọi nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, các ngành, các cấp, nhà tài trợ trong và ngoài huyện, các doanh nghiệp, nhà đầu tư để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư mạng lưới giao thông, hạ tầng cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Thực hiện tốt công tác lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư. Nâng cao năng lực quản lý đầu tư, dự án của các chủ đầu tư, quản lý sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực CN,TTCN, trọng tâm là chế biến sâu các sản phẩm nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cao; xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202010/yen-lap-tap-trung-phat-trien-cong-nghiep-tieu-thu-cong-nghiep-173539